(VnMedia) - Vài năm trở lại đây, việc CSGT bị hất lên nóc capo ôtô diễu phố đã không còn hiếm nhưng việc đu, bám trước cần gạt nước đầu xe tải, khách thì thật sự liều lĩnh. Nhiều ý kiến cho rằng, CSGT có cần bất chấp nguy hiểm đến vậy để xử phạt một lỗi vi phạm giao thông. Có hay không việc CSGT hành xử thái quá trong trường hợp trên?.
>>Trung úy cảnh sát đánh đu trước mũi xe khách
2 vụ đu, bám xe đầu ô tô thót tim của CSGT
Cách đây gần một năm, chiều 29/4/2011, trong khi hàng nghìn người dân Thủ đô đang hớn hở chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 4 ngày, chợt bàng hoàng khi chứng kiến cảnh một cảnh sát giao thông đu bám trên đầu xe tải trong khi tài xế vẫn điều khiển xe phóng như bay trên tuyến đường đông người.
Buổi chiều hôm đó, trong lúc ra hiệu lệnh dừng chiếc xe tải 14K - 2903 chạy trên đoạn đường Nguyễn Xiển (Hà Nội), một CSGT đã bị tài xế phớt lờ cho xe chạy thẳng về phía trước. Không kịp thoát khỏi chiếc xe to lớn, viên CSGT đã phải nhảy lên phía trước đầu xe tải, bấu vào mép phía trên kính ngay trước buồng lái chiếc xe tải...
Thế nhưng, mặc cho viên cảnh sát đang bám vắt vẻo ở phía đầu, tài xế vẫn điều khiển xe đưa chiến sĩ CSGT diễu phố trên đoạn đường rất dài trước sự kinh sợ của rất nhiều người dân tham gia giao thông. Sau khi chạy được đoạn đường gần 1km, chiếc xe tải mới bị lực lượng chức năng ngăn chặn kịp thời, đồng thời chiến sĩ CSGT nói trên cũng được giải phóng an toàn.
Mới đây nhất, chiều 9/4, Trung úy cảnh sát Nguyễn Mạnh Phan (Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Ba Vì, Hà Nội) làm nhiệm vụ phân luồng giao thông trước cổng bệnh viện huyện. Khi phát hiện chiếc xe khách loại 39 chỗ ngồi, còn khá mới, mang biển kiểm soát Hà Nội có dấu hiệu phạm luật, trung úy Phan ra hiệu lệnh dừng để kiểm tra.
Theo cơ quan điều tra, khi xuống xe, tài xế không xuất trình giấy tờ rồi nhảy lên buồng lái, lao đi. Trung úy Phan đã đu bám vào cần gạt nước và liên tục tìm chỗ đứng an toàn. Trên đường lúc này có khá nhiều ôtô tải và xe khách cỡ lớn.
Sau sự việc, Trung úy Phan cho biết, mặc dù liên tiếp ra lệnh dừng xe nhưng tài xế vẫn tăng ga bỏ chạy với tốc độ cao theo hướng về cầu Trung Hà. Được hơn một km, khi thấy bóng dáng công an và người dân truy đuổi tài xế mới chịu dừng lại.
Tại trụ sở công an huyện Ba Vì, lái xe khai là Phùng Hồng Phương (37 tuổi ở huyện Ba Vì, Hà Nội). Phương cho biết, do lấn làn đường, sợ bị phạt nên phóng xe để bỏ chạy.
Pha liều mình của một CSGT Hà Nội khi bắt lỗi xe khách.
Cảnh sát giao thông hành động có thái quá?!
Vài năm trở lại đây, việc CSGT bị hất lên nóc capô ôtô diễu phố đã không còn hiếm nhưng việc đu, bám trước cần gạt nước đầu xe tải, khách thì thật sự liều lĩnh. Không bàn đến hành vi sai trái của lái xe vi phạm, cố tình bỏ chạy khi trên đầu xe một cảnh sát giao thông đang đu bám. Hành động này rất đáng lên án và cần phải xử phạt thật nặng để nghiêm trị nhưng liệu cảnh sát giao thông hành xử đã đúng trong các trường hợp này?.
Trao đổi với VnMedia về vị trí đứng của cảnh sát giao thông, một lãnh đạo Phòng Thông tin và xử lý tai nạn, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, sắt (Bộ Công an) cho biết, vị trí đứng của CSGT khi làm nhiệm vụ phải tuân theo quy định về quy trình tuần tra kiểm soát vi phạm do Bộ Công an ban hành. Một tổ có 2-3 cảnh sát, nhiều là 5, vị trí đứng của mỗi người, ai ra tín hiệu dừng xe, ai lập biên bản xử lý, kiểm tra giấy tờ xe... đều có đội hình.
Theo quy định, cảnh sát giao thông đứng ở chếch đầu xe, sau đó yêu cầu lái xe tắt máy. Khi lái xe bước ra ngoài thì phải chào rồi mới yêu cầu xuất trình giấy tờ. Việc này đã có quy trình và được công bố.
Rõ ràng, đối chiếu với quy trình trên, tại vụ việc xảy ra hôm 9/4 vừa qua, tài xế đã xuống xe chấp hành kiểm tra sau đó mới lên lái xe bỏ chạy. Trong trường hợp này để “bị hất” và đu được lên đầu xe khách chỉ có hai khả năng. Một là cảnh sát giao thông đã đứng sai vị trí. Hai là hành động đu, bám lên đầu ô tô của cảnh sát giao thông là chủ động.
Ở khả năng thứ nhất, sau khi phát hiện lái xe bỏ chạy cảnh sát giao thông đã cố tình đứng ra trước đầu xe khách để chặn xe lại, không cho tài xế bỏ trốn (sai hẳn về vị trí đứng so với quy định). Hai nữa đầu xe tải rất cao và khác hẳn capo ô tô con, xe taxi nên nếu không chủ động nhảy lên bám, đu vào thì sẽ không có chuyện cảnh sát giao thông có thể bám đu được lên đầu xe khách, xe tải.
“Mỗi ngày có hàng trăm trường hợp vi phạm giao thông xảy ra trên đường, cảnh sát giao thông có thể không xử phạt trường hợp này thì trường hợp khác vì thế không nên hành xử theo kiểu cố chấp “tao phải phạt mày bằng được” dẫn đến việc đu bám trên đầu xe gây nguy hiểm đến tính mạng”, một bạn đọc sau khi đọc tin báo chí đưa về vụ việc nêu quan điểm.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, sắt (Bộ Công an), cho rằng, hình ảnh CSGT phải nhảy lên nắp capo hay phải bám lên cần gạt nước như vụ ở huyện Ba Vì (Hà Nội) ngày 9/4 là hình ảnh không đẹp.
“Khi CSGT ra hiệu lệnh, đáng lẽ phải chấp hành, thế nhưng lái xe cố tình đâm vào người ta nên bắt buộc CSGT phải nhảy lên nóc capo, bấu vào gạt nước. Tôi cho rằng, những hành vi này cần phải xử lý nghiêm để hạn chế tình trạng gia tăng số vụ chống người thi hành công vụ trong thời gian qua”.
Tuy nhiên, ông Tuyên cũng cho rằng, khi làm nhiệm vụ, CSGT cũng phải căn cứ vào tình hình thực tế để có biệp pháp, cách ứng xử phù hợp đối với trường hợp vi phạm hay có hành vi chống đối người thi hành công vụ.
“Chẳng hạn, trường hợp CSGT đang đứng quá sát ở đầu xe ô tô mà lái xe rồ ga thì buộc CSGT phải nhảy lên nắp capô hay bám cần gạt nước của xe nếu không thì nguy hiểm cho tính mạng. Còn trường hợp cách xa khoảng 3-4m mà cố tình không tránh thì CSGT cũng có lỗi. Hay nhiều trường hợp cũng không cần phải liều mình và cũng nên xem trong trường hợp đấy, việc đảm bảo an toàn giao thông có đáng?. Bản thân CSGT khi làm nhiệm vụ cũng phải hiểu, trước mạng sống, tính mạng của mình, phải có hành động, xử sự cho chuẩn, nhiều khi nếu quá mức thì trở thành phức tạp”, ông Tuyên nói. f
Xin kết thúc bài viết bằng một bình luận của một bạn đọc về hành động của CSGT đu bám trên cần gạt nước xe khách hôm 9/4 vừa qua: “Tôi không đồng tình với việc này một tí nào của CSGT - dạo này có vẻ CSGT có "mốt" mới đu cần gạt với đu đầu xe. Người của pháp luật có xe chuyên dụng, có quyền trong tay sao không tránh ra rồi dùng xe đuổi theo mà bắt lại toàn làm những việc thái quá có thể gây tai nạn cho mình lẫn gây tai nạn cho người đi đường?”.
Ý kiến bạn đọc