Nghịch lý nông dân lãnh đạo… đô thị

07:14, 08/04/2012
|

(VnMedia) - Trong khi tốc độ đô thị hóa đang diễn ra chóng mặt, đặc biệt là tình trạng đô thị hóa tự phát, thì có một nỗ lo là chính quyền địa phương những đô thị đó lại vẫn là những chính quyền nông thôn, và lãnh đạo đô thị vẫn là những… nông dân…

 

Lãnh đạo xã vi phạm kiểu… nông dân

 

Gõ cụm từ “chủ tịch xã vi phạm” trên công cụ tìm kiếm google, chỉ sau vài giây, ta có được 18.500 kết quả. Trong số đó, không ít vụ vi phạm liên quan đến quản lý đất đai tại những địa phương đang hoặc đã đô thị hóa.

 

Điều đáng nói là, những sai phạm trong quản lý đất đai được phát hiện đều có chung một điểm là cách vi phạm rất “nông dân”. Ví dụ như, ở những vùng nông thôn bỗng chốc phát triển theo chiều hướng đô thị hóa, đất đai lên giá vùn vụt, các “quan xã” không được trang bị kiến thức quản lý phù hợp đã tự coi đất công như đất của “nhà mình”, tự ý chia chác cho gia đình, người thân không theo bất cứ một tiêu chuẩn nào.

 

Tại Quảng Bình, từng có vụ sai phạm của một lãnh đạo xã, khi trong 19 người được chia đất trái phép, thì có đến 18 trường hợp là người nhà của các “quan”. Tương tự là vụ việc 9 cán bộ chủ chốt của xã Thanh Xuân (Thanh Chương - Nghệ An), trong đó có cả gia đình chủ tịch, Bí thư xã bỗng dưng biến thành hộ nghèo. Nguyên nhân chỉ bởi là họ muốn xin hỗ trợ vay vốn cho con đi học.

 

Những trường hợp “chia chác màu mè” theo kiểu gia đình trị ở nông thôn không phải là hiếm, như trường hợp đưa người nhà giàu có vào diện người nghèo để hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước, hay có trường hợp “mượn” tiền hỗ trợ Tết cho người nghèo để… xây mồ mả cho gia đình…

 

Sai phạm của nhiều lãnh đạo xã bị phát hiện cũng hết sức… nông dân. Ví dụ điển hình cho kiểu sai phạm này là một câu chuyện cười như mếu xảy ra ngay tại thôn Phùng Khoang, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Vì là chỗ quen biết cũ, Bà Nguyễn Thị Trung Kiên đã gọi Phó chủ tịch xã là mày, xưng chị. Vì cách hành xử... nông dân này mà bà Trung đã bị Phó Chủ tịch xã Trung Văn lúc bây giờ là ông Nguyễn Tùng Lâm... tát ù tai, nổ đom đóm mắt ngay tại phòng làm việc.


 Ảnh minh họa

 Bà Nguyễn Thị Trung Kiên bị Phó chủ tịch xã tát ù tai vì... gọi cán bộ là mày xưng chị

 

Đô thị hóa nhanh: ai quản lý?

 

Chính quyền đô thị khác chính quyền nông thôn ở phương thức làm việc, hiện đại hơn và hiện đại theo sự phát triển của đời sống. Tuy nhiên, có một thực tế là tốc độ đô thị hóa thì đang phát triển rất nhanh, trong khi đó chính quyền lại không được “nâng cấp” cho kịp sự phát triển. Chính vì vậy, mới xảy ra những trường hợp như ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

 

Theo đó, xã Hoàng Ninh (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) từ ngày được quy hoạch làm khu trọng điểm phát triển công nghiệp của cả tỉnh, xã này trở thành một trong những địa phương có số lượng đơn thư kiện cáo nhiều nhất và phức tạp đến mức, ông Chủ tịch xã đã không chịu nổi áp lực và xin từ chức vì quá mệt mỏi.


Trên đây chỉ là một vài ví dụ nhỏ về những sai phạm không lớn nhưng lại khá phổ biến của lực lượng cán bộ xã, tuy nhiên, điều đáng lo ngại là với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện thì nguy cơ những đô thị mới được quản lý theo kiểu nông dân, nông thôn sẽ không phải là hiếm.

 

Theo Bộ Xây dựng thì mỗi tháng, tại Việt Nam có một khu đô thị mới mọc lên, trong khi đó, theo luật về quản lý hành chính hiện nay thì không hề có cấp khu mà chỉ có tỉnh/thành, quận/huyện, phường/xã, thị trấn, thị xã hay thành phố. Do vậy, rất nhiều khu đô thị đang thuộc sự quản lý của xã, trong đó có cả những khu đô thị được xây dựng hoành tráng, quy mô dân số lớn, trình độ dân trí cao.

 

Trong khi đó, theo báo cáo đánh giá đô thị hóa ở Việt Nam thì hiện nay, hệ thống hành chính của các vùng đô thị và hệ thống phân loại đô thị là cơ chế khuyến khích các thành phố và thị xã phấn đấu để được nâng loại đô thị. Trong những năm gần đây, việc phấn đấu để nâng loại đô thị đã trở thành mối bận tâm lớn của chính quyền địa phương, vì các đô thị thuộc loại cao hơn sẽ được quan tâm và phân bổ ngân sách nhiều hơn.

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Trọng Thắng - Phó ban quản lý Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng, quá trình công nghiệp hóa, đặc biệt là quá trình phát triển các khu công nghiệp, các khu kinh tế, khu chế xuất trong thời gian vừa qua đang bộc lộ những bất cập.

 

Theo ông Thắng, các khu công nghiệp đã phát triển đi trước sự phát triển của quản lý. Rất nhiều khu công nghiệp lớn được hình thành, thu hút nhiều lao động, thậm chí 1 doanh nghiệp trong một khu chế xuất có thể thu hút vài chục nghìn người lao động. Tuy nhiên, điều đó dẫn tới quá trình đô thị hóa tự phát.

 

“Điều đáng nói là quá trình đô thị hóa này không kèm theo sự phát triển, nâng cấp của chính quyền địa phương. Trên thực tế, các vùng đó đã là đô thị rồi, nhưng chính quyền địa phương vẫn là chính quyền nông thôn, ngân sách vẫn nông thôn, các vấn đề của đô thị nảy sinh nhưng chính quyền địa phương không được trang bị về nguồn lực, về tài chính và cả con người” – ông Thắng nói.

 

Ông Thắng nhận xét rằng, trong khi có rất nhiều đô thị mặc dù về mặt hành chính là đô thị nhưng trên thực tế mức độ đô thị hóa chưa cao thì ngược lại, có thể có những vùng đã đô thị hóa qua những tỉ lệ công nghiệp hay người dân đô thị rất cao nhưng lại chưa được gọi là đô thị.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng từng phát biểu tại Hội nghị Đô thị Toàn quốc năm 2009 rằng, “Việt Nam sẽ chỉ có một cơ hội duy nhất để đô thị hóa đi đúng hướng. Nếu thất bại trong đô thị hóa, chúng ta cũng sẽ thất bại trong công nghiệp hóa”. Và, để thành công trong công cuộc đô thị hóa này, chắc chắn, không thể bỏ qua vấn đề năng lực quản lý những khu đô thị đó.


Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc