(VnMedia) - Xung quanh đề xuất thu phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, hôm nay (1/4), Bộ trường Đinh La Thăng khẳng định, nếu được thông qua, việc thu phí cũng chưa thể thực hiện được ngay trong năm nay.
Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ trưa nay (1/4) tại Hà Nội.
Tại cuộc họp báo, người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của quy trình soạn thảo đề án theo tinh thần Nghị quyết của Hội nghị TƯ 4 và Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời cho biết, đề án do Bộ Giao thông chịu trách nhiệm soạn thảo đã hoàn tất và đang trong quy trình lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng xem xét quyết định.
"Nếu được Thủ tướng thông qua, đề án mới chính thức trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi quyết định cuối cùng có thực thi hay không", Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Ùn tắc giao thông trên một số tuyến phố Hà Nội giờ cao điểm.
Đề cập đến thời điểm thu, Bộ trưởng Thăng cho biết, Bộ chưa đề xuất do tình hình kinh tế khó khăn. "Không có chuyện năm nay thu phí. Kể cả chúng tôi đề xuất thì năm nay chưa thể thực hiện vì cần phải có quy trình, thời gian nhất định.", ông nói.
Trước phản hồi mạnh mẽ từ dư luận, Bộ trưởng Giao thông cho biết, đề án điều chỉnh dự kiến đối tượng thu phí đối với ô tô chỉ là xe cá nhân, ước tính khoảng 600.000 xe. Đối với xe máy, đề án đề xuất chỉ thu phí tại 5 thành phố gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và chỉ thu phí khi phương tiện lưu hành trong nội đô. Riêng người nghèo sẽ được miễn phí. Thu phí xe máy sẽ giao cho HĐND quyết định mức thu.
Đối với ô tô cá nhân, Bộ trưởng cho biết, trước những ý kiến phản hồi, đề án đã chỉnh sửa mức thu dự kiến linh hoạt, chia nhỏ, áp từ 10 triệu cho xe 1 chấm, từ trên 1-1.5 chấm mức 15 triệu, trên 1.5 - 2 chấm áp 20 triệu, trên 2-2.5 chấm áp 25 triệu... Bộ dự kiến thu từ 12 đến 15 nghìn tỷ và tiền được sử dụng cho đầu tư hạ tầng giao thông.
Cùng với giải pháp thu phí giao thông, Bộ trưởng Thăng cho hay nhiều giải pháp tổng thể về hạ tầng giao thông đang được triển khai đồng bộ phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế. Các đề án được xây dựng từ nhiều năm nay như phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe bus, chiến lược đảm bảo an toàn giao thông từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến- 2030, đề án hạn chế phương tiện vận tải cá nhân...tất cả có thống kê xã hội học cũng như đánh giá những tác động xã hội của chính sách.
Ý kiến bạn đọc