(VnMedia)- Theo GS.TS Nguyễn Trường Tiến, Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam, Chủ tịch Hội, Chủ tịch Công ty Tư vấn AA, quy hoạch giao thông, giống như mạch máu và mạch khí trong cơ thể con người vậy. Chính vì vậy để giải quyết vấn đề của giao thông không phải cứ tính chuyện thu phí, cấm xe là có thể có kết quả...
Theo GS.TS Nguyễn Trường Tiến, câu chuyện quy hoạch giao thông ít được qua tâm ở Việt Nam. Ở Việt Nam có các Viện quy hoạch xây dựng, thủy lợi, nhưng gần đây mới có Viện Quy hoạch giao thông của Đại học Xây dựng. Ở các nước họ có Viện Quy hoạch của quốc gia, trong đó các quy hoạch đều có sự tương tác, tương quan, liên hệ, bổ sung cho nhau.
Theo GS.TS Tiến, quy hoạch giao thông là phải có khả năng rất tổng hợp.
"Câu chuyện chống ùn tắc giao thông rất cần những nghiên cứu tổng hợp và điều tra cụ thể. Chúng ta cứ thích các biện pháp hành chính và các quyết định rất bị động, thiếu cơ sở khoa học. Làm gì bây giờ cũng cần nghiên cứu", GS.TS Tiến nói.
Ùn tắc giao thông đang là chuyện cơm bữa ở Hà Nội, nhưng nếu làm theo đúng quy hoạch thực trạng này đã có thể không xảy ra! - ảnh: Xuân Hưng |
Để giải quyết bài toán giao thông, theo GS.TS Nguyễn Trường Tiến, cần xác định rõ các trung tâm, các đường vành đai và các đường hướng tâm. Phải có quy hoạch cả phần ngầm của giao thông và kết hợp giữa giao thông ngầm, nổi và các loại hình giao thông, cần có những nghiên cứu rất cụ thể.
"Chúng ta đang rất hẫng hụt đội ngũ chuyên gia giỏi. Ở một thành phố mà quy hoạch các ngành cứ làm theo chỉ đạo của từng Bộ khác nhau. Vì các lợi ích khác nhau nên càng làm càng rối là một điều dễ hiểu. Ai cũng muốn chỉ đạo theo cảm tính, theo quyền lực, theo lợi ích cục bộ, thì ích lợi của cộng đồng còn bị bỏ qua", GS.TS Tiến nói.
Vấn đề là giao thông không phải là toàn bộ vấn đề của đô thị. Việc quy hoạch hạ tầng, thượng tầng nếu chưa làm đến đầu đến đũa thì vấn đề giao thông rối rắm là đương nhiên. Bất cứ một người dân bình thường nào cũng hiểu rằng, ách tắc và tai nạn giao thông không nằm ở phương tiện giao thông đạt tiêu chuẩn và chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông mà nằm ở chính qui hoạch, xây dựng phát triển đô thị và qui hoạch xây dựng phát triển hệ thống giao thông. Với mật độ dân số cao cùng diện tích giành cho giao thông động và tĩnh thấp thì ách tắc là đương nhiên.
Nhưng, theo GS Nguyễn Trường Tiến, lỗi này không thuộc về các nhà quy hoạch. Bởi trên thực tế, trong các đồ án quy hoạch của đô thị, cụ thể là ở Hà Nội đều đã có quy hoạch chi tiết về hệ thống giao thông. Những nhà làm quy hoạch buộc phải xây dựng và hoạch định hệ thống giao thông theo những tiêu chuẩn tối thiểu để có thể phục vụ cho đô thị. Tuy nhiên, việc có làm đúng quy hoạch trên thực tế không lại là việc khác!
Theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội năm 1981, 1988, 1992 và 2011 đã xác định rõ hệ thống giao thông Thủ đô phát triển theo sơ đồ mạng bao gồm các tuyến vành đai và các trục hướng tâm |
Một chuyên gia trong lĩnh vực đô thị chia sẻ: "Không cần làm thêm bất cứ điều gì, vẽ thêm bất cứ chi tiết nào mà chỉ cần làm theo đúng những quy hoạch về giao thông sẵn có là vấn đề giao thông có thể giải quyết được cơ bản".
"Đường vành đai 1, vành đai 2 chúng ta đã có trong quy hoạch từ mấy chục năm nay và 20 năm nay chúng ta đã tiến hành làm những con đường này, nhưng đến nay vẫn chưa kết nối được. Những con đường đã có trong quy hoạch của từng quận vào các khu đô thị mới như Định Công, Linh Đàm chúng ta không làm. Khu đô thị Định Công đưa vào sử dụng cả 10 năm rồi mà đường vào không có, tất cả trông chờ vào đường Trường Chinh, đường Định Công nhỏ xíu, không tắc mới lạ", vị chuyên gia này nói.
Về vấn đề này, Thạc sỹ KTS Đỗ Việt Chiến, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng cũng đã từng phải cảm thán tại hội thảo bàn về giải pháp cho giao thông Hà Nội: Đường vành đai III được xác định trên cơ sở quy hoạch chung và quy hoạch giao thông các năm 1981, 1992, năm 1998 được hoàn thiện và quy hoạch rõ hơn với chức năng là vành đai đối ngoại nhằm điều hoà giao thông trên các hướng dẫn về thủ đô Hà Nội và từ Hà Nội đi các tỉnh khác; hạn chế tối đa luồng xe quá cảnh không cho cắt sâu vào trung tâm thành phố là biện pháp giảm ách tắc từ xa cho Hà Nội. Nhưng đến nay, sau 31 năm, đường vành đai 3 chưa hề được khép kín. Các tuyến vành đai 1, 2 cũng tương tự đang trong quá trình hoàn thiện theo quy hoạch.
Chúng ta đang ngày ngày than vãn về tình trạng quá tải của giao thông, nhưng, câu hỏi đặt ra, nếu chúng ta đã làm đúng theo quy hoạch, thì liệu bộ mặt giao thông có trong tình trạng không thể tin như hiện nay!?
Cần nhắc lại là trong quy hoạch chung xây dựng thủ đô các năm 1981, 1988, 1992 và 2011 đã xác định rõ hệ thống giao thông Thủ đô phát triển theo sơ đồ mạng bao gồm các tuyến vành đai và các trục hướng tâm. Như vậy, những tiên lượng về toàn bộ những vấn đề giao thông hiện nay đã được các nhà quy hoạch đặt ra, nhưng thực tế là chúng ta "chậm triển khai thực hiện quy hoạch giao thông", Thạc sỹ KTS Đỗ Việt Chiến nói.
Ý kiến bạn đọc