Hà Nội phấn đấu tăng trưởng 10,5% năm

15:46, 05/04/2012
|

(VnMedia) - Sáng 5/4, sau 3 ngày làm việc, kỳ họp thứ 4 HĐND Hà Nội khóa XIV đã họp phiên bế mạc bằng việc thông qua 5 Nghị quyết quy hoạch chuyên ngành về các lĩnh vực: nông nghiệp, giáo dục đào tạo, y tế, công nghiệp, thương mại và cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, 5 Nghị quyết về các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục đào tạo, y tế, công nghiệp, thương mại và một cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới được HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp này tập trung vào những ngành, những lĩnh vực kinh tế xã hội chủ yếu, quan trọng được cử tri và nhân dân quan tâm. Đây cũng là một bước cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2030…

Theo Chủ tịch UBND Hà Nội, trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt và những ý kiến đóng góp của các đại biểu, UBND thành phố sẽ tiếp thu, hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách, cụ thể bằng các chương trình, kế hoạch, quy định để thực hiện thành công các quy hoạch trong thời gian tới.

Thông báo với các đại biểu về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 9 tháng cuối năm, Chủ tịch UBND Hà Nội khẳng định, nhận thức được những khó khăn, thách thức của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nên ngay từ cuối năm 2011, thành phố đã giao và triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách từ rất sớm.

Cùng với đó, thành phố đã trình Chính phủ điều chỉnh hạ lãi suất, phối hợp với ngân hàng nhà nước đôn đốc, kiểm soát lộ trình hạ lãi suất, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình, tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch... nên kinh tế Thủ đô duy trì mức tăng trưởng 7,3% trong quý I, vốn đầu tư xã hội ước đạt trên 35 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ; đầu tư nước ngoài FDI tăng 20%; các sự nghiệp văn hóa – xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo.

Để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2012, nhiệm vụ 9 tháng còn lại trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục phải đối mặt với lạm phát và lãi suất cao, Chủ tịch UBND Hà Nội nhấn mạnh, trong 9 tháng còn lại, thành phố sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn về thị trường vốn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Phấn đấu đạt mức tăng trưởng trong cả năm từ 10-10,5%, giữ CPI ở một con số. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số cạnh tranh nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, nhất là vốn cho đầu tư xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn như giao thông, điện, nước, trường học, bệnh viện... nhằm khắc phục những khó khăn, giải quyết những vấn đề bức xúc và tạo bước đột phá mới trong thời gian tới.

Trước phiên bế mạc, HĐND Hà Nội đã thảo luận tại hội trường, bàn thảo, đóng góp ý kiến và thông qua hai Nghị quyết về quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Nghị quyết về quy hoạch phát triển thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với đa số đại biểu tán thành.

Theo nghị quyết trên, Hà Nội định hướng sẽ khai thác tiềm năng và lợi thế so sánh, đặc biệt là về nguồn nhân lực chất lượng cao để đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, tập trung phát triển nhanh một số ngành có tính chất dẫn đường như công nghệ thông tin, công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp chế tạo khuôn mẫu, công nghiệp điện tử, cơ khí chính xác... cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các khu công nghệ cao, các vườn ươm công nghệ của Thủ đô.

Đối với Quy hoạch phát triển thương mại, mục tiêu là tiếp tục giữ vai trò Hà Nội là trung tâm thương mại, dịch vụ và du lịch lớn; tập trung cải tạo, tái cấu trúc hệ thống bán lẻ, xây dựng Hà Nội là trung tâm bán buôn lớn, củng cố các kênh phân phối hàng hóa theo hướng văn minh, hiện đại để giữ vững thị trường trong nước.


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc