Đập Sông Tranh 2 bị rò rỉ (chính xác hơn là bị nứt) do đâu? Nếu là do các khe nhiệt thì nó đã phải xảy ra ít ngày sau khi tích nước, bởi áp lực nước từ hồ vào thành đập không nhỏ mà chiều dày đập lại không quá dăm chục mét. Một nguyên nhân khác chúng tôi muốn lưu ý trong vụ việc này: động đất. Nếu động đất xảy ra ở khu vực này mạnh như cuối tháng 11/2011 thì đập Sông Tranh 2 sẽ khó đứng vững.
Bản đồ trường từ toàn phần T vùng Trà My - Quảng Nam do
Hải quân Mỹ thành lập (1964 – 1968).
Cư dân xã Trà Đốc nằm sát phía bắc đập Sông Tranh 2 mô tả: “Chúng tôi đang xem tivi thì bỗng tivi tắt cái bụp, nghe tiếng nổ lớn, mặt đất phập phồng, nhún nhảy, bàn ghế rung rinh, giường tủ chao đảo chực ngã, nhất là nồi xoong bát đũa cũng nảy lên, rớt xuống kêu loảng xoảng. Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, ông Hồ Văn Lợi, cho biết: “Đã có mười ngôi nhà dân bị nứt tường do trận động đất tối 27/11/2011...”. Dựa vào mô tả này, có thể đoán động đất xảy ra đêm 27/11/2011 tại vùng đập Trà My 2 xếp ở giữa cấp 6 và 7. Trận động đất này đã tạo ra một hố sụt lớn ở vai phía đông bắc đập Sông Tranh 2 và nhiều hiện tượng nứt tường khác.
Trong khi đó, ngày 21/3/2012, tại vùng đập Sông Tranh 2, giám đốc ban quản lý dự án thuỷ điện 3 – ông Trần Văn Hải một lần nữa nhắc lại luận chứng cơ sở khoa học đã được cơ quan chuyên môn kiểm chứng, là công trình bờ đập được tính toán đủ chịu đựng động đất cấp 7 (5,9 độ Richter), các đợt động đất kích thích vừa qua không đủ mạnh để ảnh hưởng đến bờ đập!
So sánh thực tế động đất ngày 27/11/2011 với lời nói trên thì thấy trận động đất ấy mạnh xấp xỉ với tính toán thiết kế của đập. Và nếu khi xây dựng đập người ta thực hiện “thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ” nữa thì đập không bị nứt mới là chuyện lạ!
Nguồn gốc động đất vùng đập Sông Tranh 2
Nằm bên tuyến đường ĐT 616, một vết sạt lở gần bờ đập thuỷ điện Sông Tranh 2
lộ ra quặng sắt dạng laterit, dăm, cuội, dung nham núi lửa bị phong hoá tại chỗ.
Cơ sở khoa học của kết luận trên là các dấu hiệu địa vật lý, địa chất và địa chất thuỷ văn như sau:
• Dấu hiệu địa vật lý: Trong những năm 1960 của thế kỷ trước, Hải quân Mỹ đã bay, đo trường từ toàn phần T của toàn miền Nam tỷ lệ 1/1.000.000. Dị thường từ Trà My được phát hiện với cường độ rất mạnh và diện tích phủ gần hết huyện Trà My cũ. Giữa những năm 1980, liên đoàn Vật lý địa chất thuộc tổng cục Địa chất đã bay đo địa vật lý hàng không tỷ lệ 1/200.000 toàn miền Nam và 1/50.000 ở các vùng có dị thường, trong đó có vùng Trà My bằng các phương pháp xạ và từ hàng không. Năm 1987, chúng tôi, khi đó là chủ phương án thuộc liên đoàn Vật lý – địa chất đã tiến hành kiểm tra mặt đất nhằm giải thích địa chất các dị thường địa vật lý hàng không vùng Xuân Lãnh (tỉnh Phú Yên), Sông Tranh và Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam). Kết quả kiểm tra mặt đất dị thường địa vật lý vùng Sông Tranh đã cho kết luận là: dị thường địa vật lý vùng Sông Tranh là do khối xâm nhập nông á núi lửa trẻ thành phần bazơ – kiềm chứa quặng nhiều thành phần, trong đó có vàng, gây nên.
• Dấu hiệu nham thạch: Tại vai đập chính hồ thuỷ điện Sông Tranh 2, nơi tiếp giáp với đường ĐT 616 có một hố sâu gần 2m, kéo dài khoảng 20m chạy dọc theo đường ĐT 616 cho đến bờ đập. Mực nước hồ thuỷ điện Sông Tranh 2 mấp mé gần hố sâu, trong khi phía bên kia là vực thẳm khoảng 80m. 730 triệu m³ nước hồ thuỷ điện Sông Tranh 2 cách vực thẳm chỉ vài mét đường ĐT 616 loang lổ. Chưa hết, cách bờ đập khoảng 50m về hướng đông, một vết lở khoét sâu từ đường ĐT 616 kéo dài hàng trăm mét vào lòng núi. Theo người dân bản địa, sạt lở taluy dương ở miền núi là bình thường nhưng hiện tượng đất bị khoét sâu kéo dài vào lòng núi như điểm này rất hiếm.
Vai đập hồ thuỷ điện Sông Tranh 2 xuất hiện nhiều điểm sụt lở.
Với hàng trăm lỗ khoan thăm dò và nhiều công tác địa chất, địa vật lý trên nhiều vùng của Việt Nam có loại nham thạch tương tự, chúng tôi xác định đây là nham thạch họng núi lửa bị phong hoá tại chỗ thành laterit (ở trên mặt), sét – kaolin chứa dăm, cuội, sỏi cát nhiều thành phần và quặng đa khoáng.
Loại nham thạch này chỉ xuất hiện nơi giao điểm của bốn đứt gãy đã có hoạt động núi lửa phun trào hoặc phun nghẹn rồi bị bào mòn, phong hoá tại chỗ. Có thể kiểm tra điều này bằng cách đãi các mẫu đất đá màu nâu đỏ lộ ra tại hố sụt sẽ thấy nhiều mảnh dăm, cuội bị bọc oxít sắt, quặng sắt (manhetit, limonit), các hạt quặng sulfua đa kim (như pyrit, chancopyrit, chì), các khoáng vật nặng như titan, monazite, zircon…
• Dấu hiệu địa chất thuỷ văn: Theo người dân ở làng Trà Đốc và làng Nước Ka, khu vực khe Nước Vin trước đây nguyên thuỷ là một khe nước nóng. Nước sôi ùng ục có thể nhúng gà vào để nhổ lông, con tôm nhúng vào đây có thể chín đỏ để ăn được. Khi thuỷ điện tích nước, con suối nước nóng này vĩnh viễn chìm dưới đáy của lòng hồ thuỷ điện.
Dễ dàng công nhận rằng núi lửa là nguồn cung cấp nhiệt cho các suối nước nóng. Các núi lửa này có thể đã phun trào lên mặt đất trong quá khứ chưa lâu (nên vẫn còn rất nóng), hoặc còn đang là núi lửa phun nghẹn dưới sâu trong lòng đất vùng Sông Tranh đang cung cấp hơi nóng và nước nóng cho khe Nước Vin.
Đứt gãy và động đất đã tác động làm phát sinh các khe nứt và mở rộng khe nhiệt |
Ý kiến bạn đọc