Đê Hà Nội chống lũ: Quá nhiều ẩn họa !

18:33, 24/04/2012
|

(VnMedia) - Đánh giá các tuyến đê của Hà Nội đủ cao trình để chống lũ với mực nước thiết kế, nhưng Sở NN&PTNT cũng lo ngại bởi 10 năm qua các tuyến đê này chưa được “thử thách” bởi trận lũ nào nên rất khó yên tâm…

 

Trao đổi với báo chí chiều 24/4 về hiện trạng công trình đê điều trước lũ năm 2012, ông Nguyễn Vĩnh Liên, phó Cục trưởng Chi cục đê điều Hà Nội cho biết, các tuyến đê của thành phố Hà Nọi đủ cao trình chống lũ với mực nước thiết kế. Các tuyến đê hữu Hồng đi qua khu vực nội thành mặt cắt ngang đê cơ bản hoàn chỉnh.

 

Tuy nhiên, ông Liên cũng cho biết, một số tuyến đê còn lại một số đoạn mặt cắt chưa hoàn chỉnh, đê cao trên 5m nhưng còn thiếu cơ phía sông hoặc phía đồng. Các tuyến này những năm vừa qua đã đầu tư hoàn chỉnh mặt cắt đê, tuy nhiên chưa có điều kiện đầu tư toàn tuyến nên một số đoạn mặt cắt đê chưa đủ hệ số mái dốc, thiếu cơ thượng, hạ lưu.

 

Ngoài ra, ông Liên cũng lo ngại trong thân đê còn tiềm ẩn nhiều ẩn họa như: hang cây, tổ mối, tổ chuột. Một số đoạn đê đã được khoan phụt vữa gia cố thân đê để tạo màng chống thấm, chống thấm lậu. Tuy nhiên, khi mực nước báo động số 2 nhiều đoạn đê bắt đầu xuất hiện thấm mái đê ở mức độ nhỏ và tăng dần khi mực nước cao hơn và thời gian ngâm lũ dài hơn. “Mặc dù hiện Thành phố đã trồng được 77,555km tre chắn sóng bảo vệ đê nhưng vẫn cần phải triển khai trồng bổ sung thêm khoảng trên 120.000km tre chắn sóng tại những vị trí mặt thoáng sông rộng để ngăn sóng ảnh hưởng trực tiếp đến mái đê” – ông Liên cho biết.

 

Trong khi đó, theo ông Liên, mặc dù các tuyến đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt đã cơ bản được cứng hóa mặt đê. Các tuyến đê cấp IV cũng đã được cứng hóa mặt đê, “tuy nhiên, hiện nay do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, những vùng ven đê tập trung nhiều dân cư sinh sống, phương tiện giao thông tăng lên không ngừng, mặt đê trở thành huyết mạch giao thông, nhiều xe trọng tải lớn cũng lưu thông trên đê đã làm hư hỏng mặt đê, gây nứt thân đê” – ông Liên lo ngại.


 Ảnh minh họa

Trong thân đê còn tiềm ẩn nhiều ẩn họa - ảnh minh họa

 

Với đường hành lang đê, hiện toàn Thành phố đã xây dựng được 258km đường hành lang chân đê. “Điều này đã tạo thuận lợi cho công tác tuần tra canh gác,ứng cứu hộ đê trong mùa lũ, cũng như giao thông đi lại của nhân dân trong khu vực. Đây là một trong những giải pháp công trình chống vi phạm, lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, gây tác động xấu đến công trình đê điều. “Trước mắt cần ưu tiên đầu tư xây dựng khoảng 319,315km đường hành lang chân đê tại những khu vực đi qua khu dân cư và tiến tới làm toàn bộ hành lang thượng, hạ lưu để ngăn chặn vi phạm và tăng cường an toàn chống lũ cho đê” – Phó CGĐ Sở NN&PTNT nói.

 

Điều ông Liên lo lắng nhiều nhất, chính là nền của các tuyến đê trên địa bàn Hà Nội rất phức tạp, nhiều đoạn đê có địa chất nền xấu, đầm, hồ ao ven đê nhiều, trong mùa lũ thường xuất hiện mạch sủi, giếng sủi (tại các khu vực như ba Vì, Phú Xuyên, Mê Linh, Đồng Viên – Gia Lâm…). Cá biệt có nơi xuất hiện cả “tập đoàn” mạch sủi (như khu vực Sen Chiểu – Phúc Thọ). “Một số vị trí đã được gia cố chủ yếu bằng biện pháp đắp tầng phủ, đào giếng giảm áp. Tuy có giảm về số lượng và xuất hiện xa đê hơn nhưng vẫn có khả năng gây ra nguy hiểm ảnh hưởng đến an toàn đê điều” – ông Liên nhấn mạnh.

 

Ông Liên cũng cho biết, một số vị trí trên tuyến đê hữu Hồng vào mùa lũ thường xuyên xuất hiện mạch đùn, mạch sủi, bùng nhùng đã được lắp đặt hệ thống giếng giảm áp - một giải pháp công nghệ mới được áp dụng để gia cố nền đê. “Sau khi được lắp đặt, các hệ thống này đã phát huy tác dụng, ở những vị trí này không thấy xuất hiện mạch đùn, mạch sủi, bùng nhưng để hệ thống giếng giảm áp phát huy tốt hiệu quả, hàng năm vẫn cần bố trí kinh phí thường xuyên cho công tác sửa chữa, duy tu bảo dưỡng theo đúng quy trình vận hành để duy trì hiệu quả cũng như hoạt động lâu dài của hệ thống giếng giảm áp” – ông Liên nói.

 

Một hiện tượng khác cũng gây lo lắng không ít, đó là sự chênh lệch mực nước giữa hai mùa mưa lũ và kiệt lớn những năm gần đây, cộng với ảnh hưởng của việc điều tiết của hồ Hòa Bình đã gây ra hiện tượng sạt lở bờ mạnh, đe dọa đến an toàn công trình đê điều và an toàn cho tính mạng, tài sản của các hộ dân sống ven bờ sông. Theo thông tin được cung cấp tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 24/4, liên tiếp những năm gần đây hiện tượng sạt lở trên hệ thống sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Bùi đã diễn ra mạnh và ngày càng nghiêm trọng.

 

Ngoài ra, trên các tuyến đê của Hà Nội hiện có 386 điếm canh đê, 70 điểm khoa, bãi vật tư dự trữ phòng chống lụt bão các Cụm, Đoạn… nhưng hiện nhiều công trình đã xuống cấp và không đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý đê điều, phòng chống lụt bão.

 

“Trên thế giới, năm 2011 đã có nhiều thiên tai bất thường như động đất ở Nhật Bản, đại hồng thủy ở Thái Lan. Ngay tại Việt Nam , một sự bất thường cũng đã vừa xảy ra đầu năm 2012, đó là cơn bão số 1 đã xuất hiện ở miền Nam chứ không phải ở miền Bắc như quy luật. Điều đó chứng tỏ, không có gì đảm bảo rằng những thiên tai bất ngờ không theo quy luật lại không thể xảy ra tại Hà Nội. Trong khi đó, Hà Nội có tới tổng cộng 696km đê các loại, trong đó có trên 37km đê cấp đặc biệt có nhiệm vụ bảo vệ trực tiếp an toàn cho Thủ đô. Những tuyến đê này từ năm 2002 đến nay chưa hề được thử thách nhiều nên nếu có lũ lớn xảy ra là rất nguy hiểm” – ông Liên khuyến cáo.

 

Do vậy, ông Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiến nghị, Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành liên quan quan tâm, tăng cường đầu tư cho tu bổ đê, kè của Thành phố, đặc biệt các công trình trên hệ thống sông Hồng; bố trí kinh phí thực hiện Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020 phê duyệt tại Quyết định số 2068?QĐ-TTg ngày 9/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng đề nghị Bộ NN&PTNT hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ về việc bãi bỏ sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng. Đồng thời, Sở cũng đề nghị Thành phố có cơ chế cụ thể cho các địa phương, ngành để thực hiện việc ngăn chặn các phương tiện đi trên đê vượt quá tải trọng quy định.

 

Ông Liên cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn ven đê làm tốt hơn nữa công tác ngăn chặn và xử lý vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão; lấn chiếm lòng sông, hành lang thoát lũ, đổ phế thải ra sông, mở bến bãi, khai thác cát trái phép.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc