(VnMedia) - Bắt đầu từ chiều 19/4, Cảnh sát giao thông Hà Nội đã tổ chức đợt ra quân xử lý các vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Đợt ra quân lần này đúng thời điểm bắt đầu mùa hè khi các quán bia, nhà hàng tấp nập khách ăn nhậu. Chỉ trong ngày đầu tiên, nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử lý.
Đầu giờ chiều 19/4, tại ngã tư Yec Xanh- Tăng Bạt Hổ, trong khi người đi đường chỉ muốn đi nhanh để sớm thoát cảnh oi bức, khó chịu thì tại điểm nắng nhất trên con phố Yec Xanh cắt Lê Thánh Tông, các chiến sỹ cảnh sát giao thông thuộc Đội CSGT số 4 vẫn kiên trì đứng trực để xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn bởi gần tuyến này, phố Tăng Bạt Hổ, Yec Xanh là khu vực tập trung nhiều quán ăn, nhà hàng như quán bia hơi Hải Xồm, Hoa Viên, Lan Chín…
Chiều qua, với khuôn mặt đỏ phừng phừng, anh Nguyễn Hữu Thảo, điều khiển xe mô tô mang BKS 29 Y8- 5412 đang lưu thông trên đường Yec Xanh đã bị lực lượng CSGT ra hiệu lệnh yêu cầu dừng xe để kiểm tra giấy tờ và nồng độ cồn.
Với vẻ mặt khó chịu không chịu xuống xe, anh Nguyễn Hữu Thảo trình bày: “Hôm nay chúng tôi họp lớp và có uống một chút. Các đồng chí thông cảm!”. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát giao thông vẫn làm đúng quy trình công việc là yêu cầu anh Thảo xuất trình giấy tờ và thở vào máy để kiểm tra nồng độ cồn. Anh Thảo không xuất trình được giấy phép cũng như đăng ký xe. Khi kiểm tra hơi thở, nồng độ cồn đo được là 0,83 mg/l, vượt quá mức cho phép là 0,25mg/l.
Sau khi lập biên bản, Trung tá Lê Văn Tuấn, cán bộ Đội CSGT số 4 đã yêu cầu anh Nguyễn Hữu Thảo ký vào biên bản. Thay vì chấp hành, anh Thảo đã có những lời lẽ thiếu văn hoá với lực lượng cảnh sát giao thông đồng thời “đe doạ” lực lượng cảnh sát giao thông khi nói rằng là người quen của người này, người kia. Sau gần nửa tiếng đồng hồ kiên trì giải thích, anh Thảo mới chịu ký vào biên bản vi phạm.
Cùng thời điểm, tại ngã tư Trần Thánh Tông - Nguyễn Công Trứ, một tổ công tác khác của Đội CSGT số 4 cũng có mặt để kiểm tra nồng độ cồn. Theo Đại uý Phạm Trọng Lực thì mặc dù đây là khu vực gần nhiều quán bia hơi, nhà hàng nhưng khi thấy có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, các chủ nhà hàng thường báo cho khách hàng tránh đi qua khu vực có lực lượng CSGT.
Có mặt tại chốt giao thông này, chúng tôi bắt gặp rất ít các “khuôn mặt đỏ” đi qua. Anh Nguyễn Quốc Chấn, SN 1966, trú tại phường Thanh Nhàn, Hà Nội đang điều khiển xe mô tô 30N4-3033 trên đường thì bị lực lượng CSGT ra hiệu lệnh dừng xe và kiểm tra. Kết quả, nồng độ cồn 0,36mg/l. Với lỗi vi phạm này, anh Chấn đã tạm giữ giấy phép lái xe.
Ông Thảo chỉ chịu thổi máy đo độ cồn sau khi cãi cọ một hồi với cảnh sát - ảnh Tùng Nguyễn |
Khó xử lý triệt để tình trạng uống rượu bia khi điều khiển xe
Trong ngày đầu ra quân xử phạt uống rượu bia, để phát hiện chính xác các lái xe vi phạm, lực lượng của đội CSGT số 4 đã phải chia làm nhiều tổ, trong đó có tổ trinh sát và tổ kiểm soát. Khi phát hiện tài xế lên xe, điều khiển phương tiện trong tình trạng có sử dụng rượu, bia, tổ trinh sát có nhiệm vụ thông báo với tổ kiểm soát để tiến hành kiểm tra, ngăn chặn.
Trong khoảng thời gian từ 12h đến 14h30, hầu hết tài xế điều khiển phương tiện rời quán bia này và nhiều quán nhậu khác đều bị kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở. Phần lớn tài xế lái xe con đều có nồng độ cồn vượt mức quy định, bị lập biên bản xử lý tại hiện trường.
Trao đổi với phóng viên VnMedia, Trung tá Phạm Văn Hậu, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội chia sẻ: Trên thực tế, uống rượu bia được nhiều người coi như một phong tục. Để xử lý các trường hợp này không hề dễ, trong khi mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này chưa đủ sức răn đe, lực lượng CSGT lại mỏng. Tuy nhiên, không vì khó khăn mà lực lượng CSGT không quyết tâm xử lý nghiêm.
“Để chia sẻ cùng CSGT, tôi nghĩ tại các cơ quan công sở, người đứng đầu nên đẩy mạnh tuyền truyền tới cán bộ, công nhân viên không nên sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Đồng thời, nâng mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nhằm ngăn ngừa và hạn chế tai nạn giao thông, trong đó có đề xuất nâng mức xử phạt đối với điều khiển mô tô, xe máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”, vị Phó Phòng nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc