(VnMedia) - Theo quyết định của Chính phủ vừa được ký ban hành, từ năm 2012 đến 2016, nước ta sẽ xây dựng 13 trạm trực canh cảnh báo sóng thần tại khu vực ven biển và một số đảo chính đông dân cư tại 13 tỉnh, thành có nguy cơ cao.
>>>Động đất rung chuyển cao ốc Việt Nam
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa ký ban hành phê duyệt Đề án xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho vùng có nguy cơ cao. Theo đó, từ năm 2012 đến năm 2016 sẽ xây dựng hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần tại khu vực ven biển và một số đảo chính đông dân cư sinh sống tại 13 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đề án đặt mục tiêu thiết lập hệ thống truyền tin cảnh báo sóng thần từ cơ quan báo tin (Viện Vật lý địa cầu) tới các cơ quan chỉ đạo, chỉ huy ứng phó, các cấp chính quyền địa phương và trực tiếp tới người dân, đảm bảo thông tin nhanh nhất, kịp thời, chính thống.
Đề án gồm 3 hơp phần: Xây dựng hệ thống cảnh báo; đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nâng cao khả năng ứng phó; khai thác, vận hành, bảo trì công trình.
Trên cơ sở đó, đề án phấn đấu từ năm 2012 đến năm 2016 sẽ xây dựng hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần tại khu vực ven biển và một số đảo chính đông dân cư sinh sống tại 13 tỉnh, thành phố.
Cụ thể, năm 2012 sẽ triển khai lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư. Từ năm 2013 - 2014 thực hiện tại các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Từ 2015 - 2016 thực hiện tại các tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Theo quyết định của Chính phủ, Viện Vật lý địa cầu là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm ra quyết định cảnh báo sóng thần, chịu trách nhiệm theo dõi, phân tích, cảnh báo kịp thời trên hệ thống khi có nguy cơ xảy ra sóng thần và ảnh hưởng đến Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc