Bất ngờ xe buýt thay 700 nghìn xe máy

07:13, 14/04/2012
|

(VnMedia)Việc đổi giờ đã giúp kéo dài thời gian giờ cao điểm thêm một tiếng, vì thế cũng giúp xe buýt đỡ chậm tuyến xuống còn từ 5-7 phút. Hiện mỗi ngày xe buýt vận chuyển trên 1 triệu lượt hành khách, hạn chế được trên 700 ngàn lượt xe máy tham gia giao thông. 

>>>"Xe buýt là quả đấm thép vận tải Hà Nội!"

Đổi giờ không thể ”cứu” xe buýt chậm tuyến 

Theo báo cáo của Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco), để phục vụ cho việc đổi giờ học, giờ làm chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, đơn vị này đã triển khai 7 tuyến buýt tăng cường có lộ trình đi qua các trục đường chính có nhiều cơ quan, trường học: 02, 16, 21, 27, 28, 32, 39... với 129 lượt xe tăng cường/ngày. Bên cạnh đó, Transerco cũng đã rà soát và điều chỉnh thời gian và tần suất chạy xe trên một số tuyến có tần suất thấp cho phù hợp với việc điều chỉnh giờ học, giờ làm.
 
Theo đánh giá của Transerco, việc đổi giờ học, giờ làm của thành phố đã giúp kéo dài thời gian giờ cao điểm thêm 1 giờ. Cùng với đó, biện pháp cấm đỗ xe dưới lòng đường 262 tuyến phố đã tạo thuận lợi cho vận hành xe buýt trong giờ cao điểm được lưu thông dễ dàng hơn và đỡ quá tải hơn.
 
Cụ thể, tình trạng xe buýt tắc cứng vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến phố trong thời gian dài đã ít xảy ra hơn. So với giờ cao điểm trước đây, xe buýt thường xuyên bị muộn giờ từ 10-15 phút nay đã giảm xuống chỉ còn khoảng 5-7 phút.
 
Cũng theo đánh giá của Transerco, do giờ cao điểm giao thông đỡ quá tải nên xe buýt vận hành, ra vào các điểm dừng đỗ được dễ dàng hơn, tình trạng xe buýt bỏ bến hoặc không đón hết khách đã giảm đi rất nhiều.
 
Quý I/2012 sản lượng khách vận chuyển buýt của Transerco đạt trên 100 triệu lượt khách, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2011. Đặc biệt, xe buýt bỏ lượt do tắc đường trung bình/tháng trong quý I/2012 đã giảm gần 200 lượt tương đương với giảm 30-40%.

 Ảnh minh họa
Theo báo cáo của Tổng Công ty vận tải Hà Nội, sau đổi giờ các tuyến buýt đã đỡ bị muộn giờ hơn.

Xe buýt đang "cứu” 700.000 xe máy mỗi ngày 

Theo báo cáo của Transerco, sau 10 năm đi vào hoạt động (2001-2011) xe buýt Hà Nội đã mua được thói quen đi lại bằng phương tiện công cộng của người dân. Số luồng tuyến cũng đã tăng 2,4 lần, lượng xe tăng 4 lần và khách đi xe buýt tăng trên 30 lần: Từ 15 triệu năm 2001 lên trên 400 triệu khách năm 2011.
 
Hiện tại mỗi ngày xe buýt vận hành trên 10 ngàn lượt xe và vận chuyển được trên 1 triệu lượt hành khách hạn chế được trên 700 ngàn lượt xe máy tham gia giao thông. Bình quân 1 lượt xe buýt vận chuyển được 100 khách. Đặc biệt, với các trục đường chính vận hành các loại xe buýt lớn và xe buýt trung bình thì hiệu quả chống ùn tắc là rất tốt. 

Mặc dù vậy, Transerco cũng nhận định, việc tổ chức lưu thông bằng xe buýt còn một số hạn chế do mạng lưới giao thông quá tải cho nên thời gian chuyến đi bị kéo dài dẫn đến chất lượng dịch vụ bị ảnh hưởng nhất là trong giờ cao điểm. 

Theo Transerco, so với trước đây, thời gian chuyến đi của hành khách năm 2011 tăng trên 40% so với năm 2005 do tốc độ lưu thông của xe giảm và thời gian chờ đợi kéo dài. Do ùn tắc nhất là trong các giờ cao điểm nên trên các trục hành lang chính, xe buýt thường xuyên bị muộn giờ từ 10-15 phút, thậm chí có những lượt xe bị muộn tới 30 phút.

Mặt khác, do tần suất phục vụ của nhiều tuyến giờ cao điểm còn thấp nên khách thường phải chờ đợi lâu. Giờ cao điểm khách tăng đột biến gấp 1,5-2 lần sức chứa của xe nên hành khách bức xúc vì chen lấn trên xe.
 
Hơn nữa, do hạ tầng dành cho xe buýt thiếu và yếu, nhiều khu vực người dân khó tiếp cận với xe buýt và có khu vực còn trắng về xe buýt. Quỹ đất xây dựng điểm đầu, điểm cuối, điểm trung chuyển, làn đường ưu tiên còn thiếu nên việc vận hành xe buýt gặp nhiều khó khăn. Nhiều điểm dừng đỗ xe buýt bị chiếm dụng, phương tiện cá nhân đỗ dưới lòng đường gây khó khăn cho xe buýt khi ra vào điểm đón trả khách.
 
Theo Transerco, một trong những tồn tại khác đang cản trở sự phát triển của loại hình vận tải công cộng bằng xe buýt là khả năng tiếp cận của xe buýt còn kém: Theo điều tra, khảo sát có tới 38% khách đi xe buýt hiện nay phải đi bộ trên 500 m để đến điểm dừng. Thậm chí, một số khu vực trong nội thành vẫn trắng xe buýt nhất là các khu dân cư nằm sâu, ngõ hẹp như: Ngõ chợ Văn Chương, Nguyễn Ngọc Nại,…  

Ngoài ra, nạn trộm cắp, móc túi ở các điểm trung chuyển và trên xe giờ cao điểm, hiện tượng xe bỏ điểm dừng và thái độ phục vụ kém của một số lái xe, bán vé đang gây bức xúc cho khách đi xe. Công tác kiểm tra, kiểm soát vé còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có thiết bị hiện đại, trong khi ý thức tự giác của khách đi xe buýt còn chưa cao...
 
Theo lãnh đạo Transerco, để khắc phục những hạn chế trên, đưa xe buýt phát triển thành phương tiện công cộng chủ lực của thành phố, Transerco đang triển khai 4 tổ công tác tập trung vào việc nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng phương tiện và phối hợp với thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông... trong việc nâng cao chất lượng xe buýt để phát triển xe buýt dần dần trở thành phương tiện công cộng chủ lực của thành phố, xứng đáng với mong mỏi của người sử dụng phương tiện.


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc