(VnMedia) - Bộ GTVT sẽ cần 80.000 tỉ đồng để phát triển đội máy bay của Vietnam Airlines lên 181 chiếc vào năm 2020 gồm 70 máy bay sở hữu, 101 máy bay thuê - Đó là một trong các nội dung thuộc Đề án hiện đại hóa ngành giao thông.
>>>"Chất lượng công trình giao thông gây bức xúc"
Theo đề án trên, để hiện thực công nghiệp hóa và hiện đại hóa Bộ Giao thông vận tải đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cần tổng số 223.000 tỉ đồng để hiện đại hóa trụ sở làm việc, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển đội tàu biển, máy bay, đào tạo nguồn nhân lực theo đề án công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Trong đề án Bộ Giao thông cho rằng, để đáp ứng nhu cầu phát triển đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và sự hội nhập ngày càng sâu, rộng, ngành giao thông vận tải đòi hỏi phải có bước đột phá mạnh mẽ, vì thế cần phải được đầu tư cho tương xứng.
Theo đề án, để hiện đại hóa công tác quản lý, chỉ đạo điều hành ứng dụng công nghệ thông tin trong khối hành chính sự nghiệp và trường, cần tới 278 tỉ đồng tới năm 2030 cho 24 danh mục phần mềm, cơ sở dữ liệu (153 tỉ đồng giai đoạn 2012-2015 và 125 tỉ đồng cho giai đoạn 2016-2020). Riêng khối doanh nghiệp cần tới hơn 227 tỉ đồng đến năm 2030 cho các loại phần mềm quản trị doanh nghiệp.
Riêng việc đầu tư, nâng cấp nhà làm việc đảm bảo tiêu chuẩn tại văn phòng bộ, tám tổng cục, cục chuyên ngành và 22 tổng công ty, sáu trường, viện, Bộ GTVT ước tính cần 12.174 tỉ đồng cho đến năm 2030 (riêng từ 2012-2015 cần 7.950 tỉ đồng).
Trong đề án để hiện đại hóa ngành giao thông, Bộ Giao thông đưa ra mức kinh phí gần 13 tỷ đồng để xây mới trụ sở làm việc. |
Trong số gần 13.000 tỷ đồng trên, Bộ Giao thông ước tính, số tiền đầu tư trụ sở văn phòng bộ là 1.000 tỉ đồng và các Tổng cục, Cục là hơn 4.800 tỉ đồng. Số tiền đầu tư này nhằm xây dựng trụ sở mới cho một số Cục chưa có trụ sở làm việc, nâng cấp trụ sở làm việc của các đơn vị đã chật chội, xuống cấp.
Để thực hiện mục tiêu đầu tư đội tàu biển cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có tổng tải trọng xấp xỉ 15 triệu tấn vào năm 2015, Bộ GTVT dự tính cần 30.000 tỉ đồng để có đội tàu 67 chiếc các loại. Kế hoạch đến năm 2030 cần thêm 70.000 tỉ đồng để có 95 tàu các loại. Về vận tải hàng không, Bộ GTVT sẽ cần 80.000 tỉ đồng để phát triển đội máy bay của Vietnam Airlines lên 181 chiếc vào năm 2020 gồm 70 máy bay sở hữu, 101 máy bay thuê (trong đó giai đoạn 2012-2015 cần hơn 43.000 tỉ đồng để có đội máy bay 112 chiếc gồm 57 chiếc sở hữu, 55 chiếc thuê).
Khối vận tải đường sắt sẽ từng bước đầu tư nâng cấp hệ thống đường sắt, nhà ga hiện có theo hướng hiện đại đạt cấp 2 cấp kỹ thuật đường sắt và đảm bảo khai thác hiệu quả hệ thống hiện có.
Khẩn trương hoàn thành nghiên cứu các phương án khả thi đường sắt tốc độ cao để có kế hoạch đầu tư cho phù hợp. Trước mặt ưu tiên cho hai tuyến Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang.
Để có 223.790 tỉ đồng thực hiện các mục tiêu trên, Bộ GTVT dự kiến cần 20.000 tỉ đồng từ vốn ngân sách nhà nước cho việc đầu tư phần mềm, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, nhà làm việc của cơ quan quản lý nhà nước, đào tạo cán bộ, đầu tư công trình, dịch vụ công ích.
Với nguồn vốn đầu tư cho các hạng mục nhà làm việc, trang thiết bị, dự án, đào tạo nghề, Bộ GTVT đề nghị các doanh nghiệp tự huy động, cân đối các nguồn vốn tự có, vốn vay, ODA, vốn huy động từ xã hội. Trong đó vốn tự có của doanh nghiệp được dự tính khoảng 40% (khoảng 81.516 tỉ đồng), 60% còn lại các doanh nghiệp tự huy động (khoảng 122.274 tỉ đồng).
Cùng với đó, để hiện đại hóa công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, đề án cho biết, riêng khối hành chính sự nghiệp và trường, viện, 100% đơn vị, cơ quan điều hành các cấp xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008. Đặc biệt coi trọng công tác cải cách thủ tục hành chính theo phương thức 1 cửa liên thông.
Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin nhằm từng bước hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành tiến tới xây dựng Bộ Giao thông vận tải điện tử trong khuôn khổ Chính phủ điện tử.
Trong đề án, Bộ Giao thông vận tải cho biết, đến thời điểm này, Bộ GTVT đang xúc tiến việc thành lập ban chỉ đạo của bộ để chỉ đạo thực hiện đề án này. Đồng thời, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ GTVT thành lập ban chỉ đạo và xây dựng đề án công nghiệp hóa - hiện đại hóa chi tiết, cụ thể của cơ quan, đơn vị mình. Sau đó trình Bộ GTVT xem xét, phê duyệt trong năm 2012.
Ý kiến bạn đọc