“Sẽ đầu tư có trọng điểm cao tốc Bắc – Nam”

16:58, 11/03/2012
|

(VnMedia) - “Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ mở rộng quốc lộ 1, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ đầu tư có trọng điểm việc xây dựng cao tốc Bắc – Nam, phấn đấu từ nay đến 2030 sẽ hoàn chỉnh hệ thống tuyến đường”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.

>>>Quốc lộ I mở rộng sẽ có 6 làn xe

Xung quanh việc mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu Bộ GTVT tập trung chỉ đạo thực hiện chủ trương đầu tư mở rộng quốc lộ 1, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện Bộ đang trình dự thảo cơ chế đặc thù cho dự án này về công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng và vốn.

“Chính phủ giao Bộ phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng để phục vụ việc đi lại của người dân trong những năm tới và sẽ cơ bản hoàn thành toàn tuyến từ Hà Nội đến Cần Thơ vào cuối năm 2016. Riêng, cao tốc Bắc Nam cũng sẽ được đầu tư song song nhưng đầu tư có trọng điểm chứ không phải toàn tuyến và từ nay đến năm 2030 mới có thể hoàn chỉnh hệ thống cao tốc Bắc Nam,” thứ trưởng Trường cho biết.

Theo thứ trưởng Trường, đề án mở rộng quốc lộ 1 từ Hà Nội đến Cần Thơ có chiều dài 1.100 km, không tính đến các tuyến đường quốc lộ đã được mở rộng. Phương án này có nhu cầu đầu tư lớn trong khoảng thời gian ngắn nên phải có cơ chế đặc thù về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng và sự ủng hộ của các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng.

“Về công tác giải phóng mặt bằng, Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm chính, trên cơ sở tiền đền bù, hỗ trợ di dời dân theo chính sách hiện nay và Bộ cũng có tính tới ưu tiên với một số cơ chế đặc thù để đảm bảo sự an tâm cho người dân và thời gian hoàn thành dự án bởi tuyến đường này có tốc độ đô thị hóa nhanh, các hộ dân sống ven tuyến đường này lớn,” thứ trưởng Trường cho hay.

Ảnh minh họa

       Theo Bộ GTVT, đến năm 2016 sẽ hoàn thành việc mở rộng quốc lộ 1A.
 
Quốc lộ 1 là tuyến đường mở rộng nên kỹ thuật xây dựng sẽ không quá phức tạp, theo Thứ trưởng, Bộ sẽ huy động đơn vị có năng lực tài chính, kỹ thuật của Bộ Xây dựng, Giao thông, các ngành khác hoặc công ty tư nhân để thực hiện đồng loạt dự án.
 
Hiện nay, các dự án giao thông đang gặp nhiều khó khăn về việc huy động nguồn vốn cho nên thách thức trong việc tạo nguồn vốn đầu tư mở rộng QL1 là không nhỏ. Để giải quyết bài toán này, thứ trưởng Trường cho biết: “Vốn xây dựng thì bằng nội lực Nhà nước, thu phí hoàn vốn (BOT).
 
“Bộ cũng đang trình Bộ Tài chính, Chính phủ phương án thu phí bằng 50-70% thu phí của đường cao tốc. Chính phủ đồng ý và quy định mức phí nào đối với từng tuyến quốc lộ cụ thể thì sẽ thực hiện theo,” thứ trưởng Trường cho hay.
 
Trước ý kiến cho rằng, việc thực hiện phương án trên một số đoạn mở rộng sẽ làm giảm tính hấp dẫn các dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, thứ trưởng Trường quả quyết, đường cao tốc Bắc-Nam với thời gian xây dựng dài, vốn đầu tư lớn chủ yếu bằng vốn ODA và trái phiếu chính phủ nên dự án này từ nay 2030 mới có thể hoàn chỉnh hệ thống cao tốc Bắc Nam.
 
“Cao tốc Bắc-Nam sẽ được đầu tư song song nhưng đầu tư có trọng điểm chứ không phải toàn tuyến,” thứ trưởng Trường khẳng định.
 
Đồng tình quan điểm, một Thứ trưởng khác của Bộ GTVT, ông Nguyễn Ngọc Đông cũng cho rằng, quan điểm của đề án mở rộng quốc lộ 1 nhưng có xem xét phát triển cao tốc song hành trong tương lại.
 
“Cơ chế thu phí giữa hai tuyến đường này là một trong các yếu tố để xem xét. Thu phí của cả 2 đường là khuyến khích đầu tư phát triển cao tốc trong tương lai. Bộ GTVT cũng đề nghị đặt các trạm thu phí quốc lộ 1 tính tỷ lệ % nhất định trên mức phí cao tốc.
 
Thứ trưởng Đông cũng đưa ra dẫn chứng, trên thế giới, cao tốc là đường đặc thù cho phép xe chạy tốc độ cao, có tính chất thương mại nên phần lớn xe con và xe khách. Còn phương tiện vận tải khác đi trên hệ thống quốc lộ thông thường. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật chung đó. Quốc lộ thì phục vụ dân sinh nhiều hơn.


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc