Quá vội khi đề xuất thu phí hạn chế xe !

06:13, 31/03/2012
|

(VnMedia) - “Theo cá nhân tôi, Bộ Giao thông vận tải đã quá vội vàng khi đề nghị thu phí lưu hành phương tiện cá nhân, rồi cũng lại quá vội vã khi đổi tên thành phí hạn chế phương tiện cá nhân mà không có sự nghiên cứu nghiêm túc…”..

>> Ngược đời: "Bắt tôi đóng phí để hạn chế ...tôi" !
 
Sau khi VnMedia đăng bài “
Ngược đời: "Bắt tôi đóng phí để hạn chế ...tôi" !” nhiều bạn đọc tiếp tục gửi ý kiến về toà soạn lên tiếng về những bất hợp lý trong đề xuất thu phí hạn chế xe cá nhân do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất.
 
Hầu hết các ý kiến gửi về toà soạn đều tỏ ra đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp Hội ô tô Việt Nam. Bạn đọc Thạch Phan, Đà Nẵng viết: “Ông Hùng nói rất đúng. Bên cạnh việc đấu thầu quyền mua suất đăng ký xe mới cũng nên quy định thời hạn sử dụng của ôtô dưới 9 chỗ ngồi để vừa hạn chế xe mới vừa bảo đảm an toàn giao thông và thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô phát triển”.
 
Đồng tình với ý kiến VnMedia nêu ra ở bài phỏng vấn, bạn đọc ký tên Nguyễn Định, Hải Phòng viết: “Tôi đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp Hội ô tô Việt Nam. Hy vọng, Quốc hội vì dân mà đưa ra quyết định không thu phí hạn chế phương tiện cá nhân như đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải”.
 
Cùng quan điểm trên, bạn BinBo, ở TP. Hồ Chí Minh cho rằng, người dân đã quá khổ vì các khoản tăng giá xăng, gas,... kéo theo hàng loạt các thứ khác tăng giá theo. Trong khi lương chưa tăng và tương lai có tăng thì cũng chỉ thêm vài trăm ngàn đồng.
 
“Tôi tốt nghiệp đại học hơn 10 năm mà lương chưa đến 2,5 triệu mỗi tháng. Nhà có 2 chiếc xe để 2 vợ chồng đi dạy, xin hỏi Bộ trưởng Thăng: đồng lương sống không đủ mà lại phải è cổ đóng hàng loạt phí với mục đích là hạn chế chính mình thì sẽ ra sao?. Với giá xăng đắt đỏ như bây giờ, xin thưa là không ai muốn ra đường đâu, nhưng vì cuộc sống nên phải đi làm thôi, không khác được”, bạn đọc tên BinBo viết.

Ảnh minh họa

Cảnh ùn tắc giao thông thường thấy trên một số tuyến đường Hà Nội.

“Phí hạn chế phương tiện cá nhân: vừa vi phạm pháp luật, vừa không đạt mục đích” -  bạn Nguyễn Đức Minh, Hà Nội viết.

Theo bạn Minh, hiện nay phí hạn chế phương tiện giao thông đang là đề tài nóng của người dân cả nước. Theo cá nhân tôi, Bộ Giao thông Vận tải đã quá vội vàng khi đề nghị phí lưu hành, rồi sau đó cũng lại quá vội vã khi đổi tên phí lưu hành thành phí hạn chế phương tiện cá nhân mà không có sự nghiên cứu nghiêm túc.  

Bên cạnh đó, theo phân tích của ban Minh, phí hạn chế phương tiện cá nhân không có trong danh mục quy định tại Pháp Lệnh phí và lệ phí.

Thứ hai, khi mua ô tô, chủ các phương tiện đã phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt mà mục đích là hạn chế tiêu dùng mặt hàng này. Do vậy, nếu phải nộp thêm phí hạn chế (thực chất là thuế) thì người dân đang bị thuế chồng lên thuế.

Thứ ba, phí hạn chế phương tiện cá nhân áp dụng cho cả những phương tiện đang lưu hành đã vi phạm một trong những nguyên tắc cơ bản của luật pháp là bất hồi tố. Do vậy việc bắt buộc chủ phương tiện cá nhân đã đăng ký đóng phí này (giả sử được Quốc hội thông qua) là một việc rất vô lý vì họ đã phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt và không có yêu cầu đóng thêm phí hạn chế từ cơ quan quản lý nhà nước khi mua xe.
 
Theo bạn Minh, trước đây nhà nước đã đặt ra luật chơi: anh muốn có xe thì phải đóng các khoản thuế và lệ phí, người mua xe cũng đã chấp nhận luật chơi này, nay phá bỏ cam kết thì không khác gì đang gài bẫy công dân để tăng thu?.
 
Một vấn đề khác của việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân đối với các phương tiện đang lưu hành là nó không giúp giảm số phương tiện hiện có và không làm cho chủ các phương tiện ít sử dụng hơn. Ngược lại phí này sẽ làm tăng thời gian sử dụng của các phương tiện cá nhân trên đường do 2 yếu tố.
 
Một là tâm lý đã phải đóng phí thì nên đi thoải mái.
 
Hai là nhiều chủ phương tiện sẽ cho thuê xe vào thời gian không dùng đến xe để bù đắp lại khoản phí đã nộp. Như vậy, phí hạn chế phương tiện cá nhân đã vô tình làm tăng thời gian tham gia giao thông của các phương tiện cá nhân chứ không phải hạn chế như mục tiêu ban đầu.

”Sẽ còn nhiều hệ lụy khác nếu phí hạn chế phương tiện cá nhân được thông qua như cảnh báo của nhiều chuyên gia. Do vậy, việc không áp dụng khoản phí này sẽ thể hiện được bản lĩnh của các nhà chính trị có tâm và có tầm”, bạn Minh viết.
 
“Đường tắc đổ lỗi cho người đi xe là không công bằng” - Bạn đọc ký tên Gia Phong viết. Theo bạn Phong, việc đổ lỗi đường tắc là do người đi xe là việc làm phủi trách nhiệm cá nhân và tổ chức. Để mua một chiếc xe người dân đã chịu biết bao thứ phí dẫn đến giá thành tăng gấp mấy lần so với giá mua.
 
Xăng dầu cũng bị phí, dọc đường đi cũng bị phí, dừng đỗ chút cũng bị phí… nhưng tiền người dân đóng góp đó đã dùng vào việc gì đã sử dụng hợp lý chưa thì không thấy ai nói cho dân biết?. Theo tôi, nếu các cơ quan quản lý chỉ cần kiểm soát lại cách quản lý sử dụng tiền thuế dân đóng góp sao cho hợp lý, bớt thất thoát thì người dân đỡ phải nộp phí.
 
“Từng thi công nhiều ở các công trình giao thông, tôi khẳng định thất thoát lãng phí ở đây quá lớn. Tại một số công trình, nếu chỉ thất thoát khoảng 15-20% đã là đại hạnh phúc cho dân cho nước rồi”, bạn Phong nhấn mạnh.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc