Ngớ ngẩn những lý do người trẻ gây án mạng

06:51, 12/03/2012
|

(VnMedia)“Nguyên nhân giết người của thanh niên, người trẻ nhiều khi rất đơn giản, chỉ một cái lườm nhau, chỉ vì không chào nhau, không trả lời nhau, tranh nhau người yêu, thích cái xe đạp của bạn và bí tiền là sẵn sàng cầm hung khí đi giết người…”, TS. Đỗ Thị Vân Anh - nhà xã hội học chia sẻ với VnMedia.

>>>Trọng án của con trẻ là lời cảnh báo với người lớn!

>>>“Xã hội bây giờ, con trai muốn thành đại ca”
 


- Thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện những vụ giết người man rợ do tội phạm trẻ hoặc vị thành niên gây ra. Dưới góc độ xã hội học, bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
 
Quả thật, trong thời gian vừa qua, chúng ta chứng kiến rất nhiều vụ án đâm, giết người hết sức man rợ mà trong đó 85% tội phạm là nhóm thanh niên hoặc nhóm vị thành viên gây ra. Hiện tượng này đã gần như trở thành phổ biến với tần suất diễn ra càng ngày càng nhiều và phức tạp. Nếu nhìn nhận trên góc độ xã hội học, đây là những vấn nạn xã hội, một sự rối loạn chức năng trong cơ thể xã hội khi có một bộ phận đi ngược lại với lợi ích cộng đồng, phủ định những giá trị sống của xã hội.
 
Bản thân nhóm tội phạm này không phải bây giờ mới xuất hiện. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, khi mà khoa học công nghệ ngày càng phát triển và việc cập nhật thông tin nhanh chóng của các phương tiện truyền thông do đó những hiện tượng giết người cướp của luôn được truyền tải ra xã hội rất nhanh và kịp thời.
 
Những cách giết người man rợ không ghê tay của nhóm thanh niên, trẻ vị thành niên đã gây sự hoang mang lo lắng và gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà quản lý, các nhà giáo dục và các bậc cha mẹ. Và như vậy, tất cả sẽ luôn lo lắng, bất an với sự an toàn tính mạng của mình. Bản thân họ sẽ mất dần lòng tin với người khác, dần dần thu mình lại, ít tiếp xúc giao lưu để tránh những mâu thuẫn đáng tiếc xảy ra.
 
Trên thực tế, cách hành xử của thanh niên và trẻ vị thành niên ngày nay rất nhanh và dứt khoát. Những nguyên nhân giết người của họ nhiều khi rất đơn giản, chỉ một cái lườm nhau, chỉ vì không chào nhau, không trả lời nhau, tranh nhau người yêu, thích cái xe đạp của bạn và bí tiền là sẵn sàng vô tư cầm hung khí đi giết người. Cho đến khi bị bắt họ chỉ bình thản trả lời một câu đơn giản là lúc đó thiếu kiểm soát.
 
Có những tội phạm rất ân hận với hành vi của mình (như Nguyễn Đức Nghĩa) nhưng thật ngạc nhiên có những tội phạm không có chút biểu hiện cảm xúc gì và thậm chí còn béo trắng ra trong thời gian bị giam trong tù (như trường hợp Lê Văn Luyện).
 
Cuộc sống xã hội hiện đại ngày càng phức tạp, nhưng suy nghĩ của những tội phạm này lại hết sức giản đơn. Với guồng quay và nhịp sống nhanh của bộ máy xã hội công nghiệp hiện đại, có phải họ không có thời gian để suy nghĩ hay họ cố tình không suy nghĩ trước cách hành xử của mình? Liệu có phải do một lỗ hổng giáo dục hay do nhịp sống môi trường đã tạo ra những con người như thế?.
 
Tôi cảm thấy thực sự lo lắng bởi những tội phạm giết người man rợ giai đoạn hiện nay không phải rơi vào nhóm chuyên giết người cướp của như các băng đảng (sống và tồn tại nhờ cướp bóc) mà lại rơi vào những nhóm không chuyên (học sinh, sinh viên… thậm chí cả công chức nhà nước) do đó hành động rất bộc phát, thiếu sự tính toán và thậm chí rất ngây thơ và giản đơn khi gây án.
 
Trước vấn đề đó, những hành vi giết người man rợ của giới trẻ đã và đang thể hiện rằng nhóm người này là nhóm người được xã hội hóa không đều. Bên cạnh đó, xã hội đang thiếu trách nhiệm với họ và bản thân họ cũng đang tước đi những giá trị sống tốt đẹp của con người.

Ảnh minh họa

                  Hung thu giết người tại một tiệm vàng huyện Thường Tín (Hà Nội)
                                            bị cơ quan công an bắt giữ.
 
- Thưa Ts. nhiều người khi nhắc đến trách nhiệm của những vụ việc đáng tiếc như vậy thường đổ lỗi cho gia đình hoặc nhà trường. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
 
Nếu như chỉ nhắc đến gia đình và nhà trường cần có trách nhiệm là không đủ. Đó còn có sự ảnh hưởng không nhỏ của xã hội. Gia đình là một thiết chế xã hội đầu tiên và căn bản nhất để xã hội hóa con người. Là nơi giáo dục cho con người về văn hóa, đạo đức, giới tính và hướng nghiệp. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng thực hiện được hết chức năng của mình.
 
Một điều cơ bản, hiện nay các gia đình sống trong các đô thị mới, tính cộng đồng làng xã không còn nữa. Công việc mưu sinh hàng ngày đã chiếm của họ quá nhiều quỹ thời gian, do đó thời gian dành cho gia đình bị hạn chế đi nhiều, quan hệ vợ chồng, con cái cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các giá trị truyền thống ngày càng mai một, gia phong của gia đình với nền văn hóa giáo dục hầu như bị lãng quên.
 
Còn nhà trường chỉ tập trung dạy những kiến thức chuyên môn nhồi nhét và dạy thêm quá nặng, tràn lan. Không tập trung vào giảng dạy nhân cách cho trẻ. Chương trình cải cách của bộ giáo dục của học sinh tiểu học đã không còn lồng ghép những bài giảng đạo đức và nhân cách vào ngay cuốn sách tiếng Việt. Do đó, ngay từ những năm tháng đầu tiên đi học, trẻ đã chỉ được dạy để đọc thật to những điều rất vĩ đại là “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào” vào giờ chào cờ đầu tuần mà không được dạy những hành vi cụ thể là phải làm những gì cho đúng, cho đẹp trong cuộc sống hàng ngày.
 
Sự tích tụ những mảng thiếu hụt trong các cách dạy của gia đình và các bài giảng ở nhà trường cứ dần dần trôi đi cho đến khi trẻ đến tuổi trưởng thành. Đây là nhóm tuổi nhạy cảm nhất trong xã hội, lứa tuổi vị thành niên luôn luôn thích thể hiện và khẳng định mình, lòng tự trọng, tính tự ái rất cao. Môi trường họ tiếp xúc hàng ngày không chỉ dừng lại ở gia đình, nhà trường mà cả xã hội. Tuy nhiên, xã hội chưa xây dựng được một hệ giá trị mới phù hợp với quá trình hiện đại hóa và công nghiệp hóa. Trong khi giá trị truyền thống đang bị mai một và không phù hợp với giá trị sống mới.
 
Sự mâu thuẫn giữa giá trị truyền thống và giá trị sống mới đã làm cho giới trẻ hiện nay rơi vào tình trạng khó khăn. Cuộc sống hiện đại với những công nghệ cao khiến con người phải bắt nhịp với thời cuộc, coi trọng giá trị kinh tế hơn là đạo đức xã hội. Giới trẻ vì thế nên sống thực dụng hơn, tính tự quyết cao hơn. Và đôi khi họ sẽ phản ứng lại với bậc cha mẹ nếu như quan điểm không thích hợp với họ. Do vậy, sự tác động và hình thành nên những cách hành xử của giới trẻ hiện nay là có trách nhiệm của ba nhóm: gia đình, nhà trường và xã hội.

- Bà vừa cho rằng, giới trẻ ngày nay sống thực dụng và tính tự quyết cao hơn. Cách đây vài năm do thiếu tiền chơi game, 2 học sinh lớp 8 ở Hà Tây đã cho em họ vào bao tải rồi dùng gạch đập chết, nhiều sinh viên sẵn sàng cắt cổ người yêu vì ghen tuông như trường hợp của Nguyễn Đức Nghĩa. Bà giải thích sao về các hành động man rợ trên?
 
Chất man rợ không có gì mới, nếu so sánh với ngày xưa thì chưa bằng vì họ còn ăn thịt người. Bản chất chiều sâu thú tính con người bị bộc phát. Quá trình phát triển của con người đã làm loại bỏ dần bản chất thú tính con người. Quá trình đô thị hóa không kiểm soát được hành vi con người nên bản chất thú tính bị trỗi dậy.

Game online là trò chơi của xã hội hiện đại. Game online không xấu nhưng vấn đề ở chỗ phải kiểm soát game bạo lực và những khoản tiền lớn chi phí cho trò chơi này. Những trò chơi ảo trong game đã chính là thủ phạm truyền tải những hành vi bạo lực man rợ đến giới trẻ. Họ bị chìm đắm trong ảo giác và thiếu đi sự tỉnh táo của cá nhân. Nó như một liều ma túy vô hình làm cho người chơi bị nghiện.
 
Những vụ án giết người man rợ vừa qua của những kể nghiện game xuất phát từ hai lý do: thiếu tiền chơi game và lây nhiễm hành vi ảo giác của game. Hai lý do song hành này sẽ điều khiển và chi phối hành vi con người rất ghê gớm và dễ dồn họ vào bước đường cùng. Đây là sự nguy hại đáng kể mà xã hội cũng đang bất lực chưa giải quyết được.

- Trước tình trạng học sinh, sinh viên, người vị thanh niên liên tiếp phạm tội, bà quan ngại nhất điều gì với giới trẻ hiện nay?
 
Cá nhân tôi không quan ngại về giới trẻ mà chỉ quan ngại về vấn đề xã hội thôi. Thực tế không thể phủ nhận vai trò tích cực của giới trẻ, hiện nay họ rất giỏi, thông minh rất năng động. Những hiện tượng trên ở xã hội nào cũng tồn tại. Cái chính là xã hội phải cần điều chỉnh mình nhiều hơn, hãy lắng nghe những nhu cầu mới cho tâm tư, nguyện vọng của giới trẻ.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!


Xuân Tùng - (Thực hiện)

Ý kiến bạn đọc