Hà Nội khẳng định ùn tắc đã giảm tới 30% !

06:42, 15/03/2012
|

(VnMedia) - Sáng 14/3, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, sau một tháng tiến hành các biện pháp chống ùn tắc giao thông, trong đó có việc đổi giờ học, giờ làm, tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô đã có kết quả rất đáng phấn khởi.

>>>Phập phù hiệu quả một tháng đổi giờ làm
 
Sáng nay (14/3), UBND Hà Nội đã sơ kết kết quả sau một tháng thành phố tiến hành đổi giờ học, giờ làm và cấm dừng đỗ phương tiện trên 262 tuyến phố để chống ùn tắc giao thông.
 
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, để điều chỉnh giờ làm, giờ học, đơn vị này đã phối hợp với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội điều chỉnh xe buýt theo phương án, tăng giờ cao điểm buổi sáng và chiều lên thêm một tiếng so với trước kia.

Trước kia các khung giờ cao điểm thường bắt đầu sáng từ 6h30 – 8h30 thì nay tăng lên từ 6h-9h, buổi chiều cũng tăng lên từ 16h30-18h30. Cùng với đó, đơn vị này cũng tăng tần suất các chuyến buýt lên 10 phút/chuyến, tăng thêm 7 tuyến và 6 lượt tuyến buýt nhanh để đảm bảo người dân đi xe buýt thuận tiện.
 
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải cũng tiến hành tổ chức lại giao thông các tuyến Khuất Duy Tiến, Lê Trọng Tấn, Xuân Thủy, Cầu Cót… Cấm trông giữ phương tiện trên 262 tuyến phố, sau 2 tuần giải tỏa các điểm trông giữ không có giấy phép: 174 điểm với khoảng 472.000m2.  
 
Theo ông Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, sau khi tiến hành điều chỉnh lại hoạt động, các tuyến buýt không có hiện tượng quá tải, giảm áp lực đi lại, giảm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Việc đi lại của người dân khi sử dụng phương tiện vận tải công cộng được thuận tiện hơn trước. 

Ảnh minh họa

Một số tuyến đường Hà Nội thông thoáng hơn nhờ đổi giờ

 
Đánh giá về hiệu quả của phương án đổi giờ học, giờ làm với việc chống ùn tắc giao thông, ông Hùng cho biết, theo điều tra lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tại một số nút trọng điểm trước 16/12/2011 và 22/1/2012 thì hầu hết các nút giao thông đều vượt khả năng thông hành 3 lần, có nút tới 4-5 lần. Sau đổi giờ học giờ làm, lưu lượng phương tiện giảm dần khoảng 15%.
 
“Thời gian chuyến đi của ô tô xe máy cũng giảm trung bình từ 10-15 phút tuỳ theo chuyến. Điển hình, theo khảo sát, sau khi đổi giờ, thời gian đi lại của ô tô, xe máy từ Trần Phú về Hà Đông được rút ngắn khoảng 15 phút”, ông Hùng nói.
 
Lý giải về nguyên nhân giảm ùn tắc trên, ông Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, kết quả đó là do việc đổi giờ đã làm giảm lưu lượng học sinh, phụ huynh đưa đón con em tới trường trong giờ cao điểm. Ngoài ra, các biện pháp cấm taxi không được phép hoạt động trên một số tuyến phố trong khung giờ cao điểm và cấm dừng đỗ phương tiện trên 262 tuyến phố cũng đã có tác dụng tích cực.
 
“Việc triển khai các biện pháp trên đã có tác dụng tích cực giảm ùn tắc giao thông trên một số tuyến phố chính, song vẫn còn một số nơi vẫn ùn tắc do đó là các tuyến trục chính, nhóm đối tượng điều chỉnh không nhiều như Daewoo, Đê La Thành…”, vị đứng đầu Sở Giao thông Hà Nội khẳng định.

Phó giám đốc Công an Hà Nội Trần Thuỳ cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của thành phố, đơn vị này đã khảo sát các điểm nhiều tai nạn, mỗi ngày lực lượng cảnh sát làm thêm 2 giờ, công tác tuần tra kiểm soát cả ngày và đêm để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

“Sau các giải pháp trên, tình hình an toàn giao thông trên địa bàn thành phố cơ bản có chuyển biến tốt. Tai nạn giao thông giảm 40% so với cùng kỳ. Số vụ ùn tắc giao thông cũng giảm 30%”, Phó giám đốc Công an Hà Nội nhấn mạnh.
 
Tuy nhiên, ông Phó giám đốc cơ quan Công an Hà Nội cũng cho biết, qua theo dõi việc đổi giờ, hiện có hơn 10 trường đại học không tiến hành theo yêu càu của thành phố. Các trường này đều nằm dọc tuyến đường, vì thế nếu không thực hiện sẽ không đồng bộ, do đó, ông kiến nghị thành phố cần có chỉ đạo để việc thực hiện được nghiêm túc.
 
“Việc cấm dừng đỗ trên 262 tuyến phố cũng vậy. Tầm 17h30 đến 22h nạn tái lấn chiếm vỉa hè long đường rất phố biển, vừa qua lực lượng công an đã xử lý 30 trường hợp, phạt 20-30 triệu đồng”, ông Thuỳ nói. 

Ảnh minh họa

Tuy đã có hiệu quả nhưng ùn tắc vẫn xảy ra trên một số tuyến

 
Tham dự hội nghị, Ts Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Quy hoạch giao thông đường bộ đánh giá, thành công lớn nhất của Hà Nội trong tháng qua là thành phố kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp chống ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông.
 
Theo Ts Hùng, các biện pháp thành phố áp dụng xưa nay đều là các biện pháp lẻ tẻ nhưng nay đã triển khai tổng hợp nhiều giải pháp. Cách tiến hành rất trực tiếp, quyết liệt nên bước đầu đã có hiệu quả.
 
“Nhìn chung phương án đổi giờ đã giúp giảm 5-7% số vụ ùn tắc giao thông tại các nút, song do lưu lượng lớn nên không thể nhìn thấy giảm rõ rệt. Vì thế thành phố cần tiếp tục triển khai các biện pháp này trong thời gian tới”, Ts Hùng cho biết.
 
Theo Ts Hùng, muốn chống ùn tắc, Hà Nội nên tập trung mạnh vào giảm phương tiện cá nhân là ô tô con. Thành phố cần cân nhắc phương án nghiên cứu thu phí vào trung tâm, đây là loại phí sử dụng đường, hoàn toàn có thể kiến nghị Chính phủ ban hành thu phí này.
 
Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND Hà Nội, từ tháng 10/2011, thành phố đã từng bước triển khai các giải pháp thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về việc đảm bảo an toàn và chống ùn tắc giao thông. Bước đầu đã có chuyển biến trong an toàn giao thông, về các chỉ tiêu tai nạn, so với cùng kỳ số vụ giảm. Số vụ ùn tắc giao thông hiện nay chỉ còn 79/124 điểm ùn tắc.
 
Ông Phó chủ tịch đề nghị các ngành cần tiếp tục rà soát, rút kinh nghiệm, sắp xếp không để dừng đỗ trước cổng trường học. Các quận có sân trường hẹp, chỉ đạo xác định điểm phụ huynh đón các cháu, không gây ùn tắc giao thông.

Ông chỉ đạo các cơ quan liên quan, trong năm 2012 cần tập trung xây dựng dứt điểm một số điểm đỗ cao tầng Nguyễn Công Trứ, ngoài bãi Phúc Xá, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Công Hoan, Chợ Mơ, Hàng Da... để phục vụ người dân được tốt hơn.
 
Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đánh giá, sau một thời gian triển khai biện pháp đổi giờ học, giờ làm, theo báo cáo, khảo sát, đánh giá của các cơ quan: Viện Chiến lược phát triển giao thông, Viện Quy hoạch giao thông đô thị…tình hình ùn tắc giao thông đã đạt kết quả rất đáng phấn khởi.
 
“Tình hình giao thông mỗi ngày một khác, số lượng phương tiện giao thông luôn biến động theo hướng mỗi ngày một tăng, trong khi đó đường sá không tăng nên việc đạt được kết quả trên là rất phấn khởi”, Chủ tịch UBND Hà Nội nhấn mạnh.
 
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND Hà Nội cũng chỉ ra rằng, vào thời gian buổi chiều việc ùn tắc giao thông chuyển biến chưa rõ nét, thậm chí có điểm còn ùn tắc hơn. Điển hình như các tuyến: Trường Chinh, Kim Mã, Tôn Thất Tùng, Chùa Bộc, Đê La Thành… do đó, các cơ quan liên quan cần tiếp tục theo dõi khảo sát để điều chỉnh cho thích hợp.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc