(VnMedia) - UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa kiến nghị tăng mức phạt hành chính đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông vi phạm; bổ sung mức phạt hành chính phù hợp với các hành vi vi phạm khác nhau…
Kể từ khi Hà Nội thực hiện lệnh cấm trông giữ xe trên vỉa hè, lòng đường tại 162 tuyến phố, tình trạng giao thông của Thành phố đã được cải thiện khá rõ rệt. Nhiều tuyến phố trước đây liên tục ùn tắc hoặc dừng đỗ lộn xộn thì nay thông thoáng hơn nhiều.
Chị Bích Hợp, nhà ở phố Nguyễn Cao cho biết, bằng cảm nhận của cá nhân, khi đi qua nhiều tuyến phố của Hà Nội chị đã thấy khá hơn rất nhiều và chị hoàn toàn ủng hộ việc cấm trông giữ xe, buôn bán trên vỉa hè lòng đường của Thành phố. Tương tự, anh Thế Cương (nhà ở phố Bùi Thị Xuân), cũng nhận xét là “đường thoáng hơn hẳn”.
Tuy nhiên, phần lớn các ý kiến khác cho rằng dù các điểm trông giữ xe trên vỉa hè lòng đường bị thu hồi nhưng vẫn còn nhiều tuyến phố lộn xộn do người dân tự ý dừng đỗ không đúng quy định. Đặc biệt, các cửa hàng kinh doanh mặt đường các phố trung tâm vẫn lấn chiếm, bày bán hàng ra tận vỉa hè. Khách đến các cửa hàng cũng để xe trên vỉa hè chiếm lối của người đi bộ.
Vỉa hè phố Bà Triệu |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, một quận trung tâm của Thành phố với rất nhiều sự phức tạp cho biết, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), hệ thống giao thông trên địa bàn quận này gồm 166 đường phố, phần lớn là phố nhỏ và ngắn, lòng đường chật hẹp nên phương tiện vừa chuyẻn vào làn đường lại phải tách làn ngay nên có nhiều bất cập.
Quận đã phải tổ chức họp và ký cam kết với 172 cơ quan, 4917 hộ kinh doanh và 5 doanh nghiệp tham gia khoán quản thực hiện các quy định về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Ngoài ra, Quận cũng tổ chức ký cam kết với phụ huynh học sinh đảm bảo đưa đón con đúng giờ, đúng nơi quy định, đồng thời chỉ đạo Ban giám hiệu các trường chủ động phối hợp với các phường trong việc chia giờ tan trường, tổ chức phân luồng việc đón trả học sinh.
Để chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp “khoán quản” trên địa bàn quận, UBND quận cũng đã thu hồi giấy phép trông giữ xe của 2 doanh nghiệp, sắp xếp lại các diểm giao thông tĩnh cho 3 doanh nghiệp quản lý.
Lộn xộn ở vỉa hè phố Hàng Bạc |
Tuy nhiên, ông Hoa cũng cho biết, do quỹ đất dành cho giao thông tĩnh trên địa bàn quận ít nên hiện chưa đáp ứng được yêu cầu nơi gửi xe của người dân. Thêm vào đó, chế tài xử phạt các vi phạm của nghị định 34/NĐ-CP, theo ông Hoa, vẫn có điểm chưa rõ ràng, áp dụng cùng một mức phạt cao. “Ví dụ như việc chiếm dụng hè phố để trông giữ xe đạp xe máy và lấn chiếm hè phố để kinh doanh buôn bán áp dụng cùng một mức phạt 25 triệu đồng, vì vậy việc áp dụng quyết định thực hiện xử lý khó khăn”, ông Hoa phân trần.
Đặc biệt, ông Hoa cho biết, tình trạng phương tiện dừng đỗ sai quy định hiện vẫn còn diễn biến phức tạp, các chủ phương tiện vẫn cố tình dừng đỗ xe sai quy định gây cản trở giao thông và chây ì khi bị các lực lượng chức năng kiểm tra xử lý vì không có xe cẩu để kéo phương tiện vi phạm về xử lý.
Tăng mức phạt, tăng giá gửi xe
Để giải quyết những tồn tại nói trên, UBND Quận Hoàn Kiếm vừa kiến nghị UBND TP nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng 2 cầu vượt nhẹ qua đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư (đường đê 401).
Quận Hoàn Kiếm cũng đề nghị UBND TP sớm xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, nổi tại các khu vực có thể xây dựng như dải phân cách đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải và xây ngầm dưới vườn hoa Cổ Tân và các vườn hoa khác, đồng thời, cần tổ chức quy hoạch lại các điểm giao thông tĩnh tập trung.
Đặc biệt, UBND quận Hoàn Kiếm đề nghị Thành phố có quy định bắt buộc khi xây dựng các toà nhà, các công trình xây dựng công cộng lớn phải xây dựng tầng hầm đáp ứng được chỗ để xe, ít nhất phải đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu chỗ để xe cho hoạt động của công trình đó.
Xe máy trên vỉa hè, ô tô dưới lòng đường phố Bát Đàn |
Về giá trông giữ xe, UBND Thành phố kiến nghị Bộ Tài chính thay đổi phí thành giá trông giữ phương tiện xe đạp, xe máy, ô tô và ở những vị trí khác nhau giá trông giữ phương tiện phải có sự khác nhau để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng bãi để xe (cao tầng hoặc ngầm) theo hình thức xã hội hoá.
UBND quận Hoàn Kiếm kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/NĐ-CP, điều chỉnh chế tài xử phạt vi phạm hành chính cho phù hợp với từng lỗi vi phạm cụ thể để dễ áp dụng và thi hành quyết định như: Tăng mức phạt hành chính đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông vi phạm; bổ sung mức phạt hành chính phù hợp với các hành vi vi phạm khác nhau vừa đảm bảo tính răn đe, đồng thời đảm bảo tính khả thi.
Ngoài ra, để khắc phục tình trạng chây ì của người vi phạm, Quận đề nghị UBND Thành phố cho phép được mua xe cẩu trang bị cho Công an quận để hỗ trợ cho việc xử lý kịp thời, có hiệu quả các vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận.
Ý kiến bạn đọc