Giới trẻ phát sốt với kiểu "nhà giàu khoe của"

06:57, 11/03/2012
|

(VnMedia) - Khác với thời bao cấp, thời mà người ta phải giấu diếm ngay cả khi ăn một bữa “tươi” thì ngày nay, nhiều người thản nhiên khoe của một cách hết sức thô kệch, dù tiền đó chưa chắc đã phải do làm ăn chân chính mà có. Điều đáng lo ngại là cách sử dụng đồng tiền kệch cỡm này lại đang tác động xấu đến giới trẻ.

 

Những ngày gần đây, liên tục xuất hiện những vụ lùm xùm mà nguyên nhân của nó đến từ những “trọc phú” thời hiện đại.

 

Đáng nói nhất và gây “choáng váng” dư luận nhất có lẽ là vụ “đại gia phố núi” cưới vợ cho con. Hình ảnh cô dâu chú rể cổ đeo hàng kg vàng khiến nhiều bạn trẻ không khỏi chạnh lòng khi họ còn chưa dám lấy vợ vì không có nổi tiền để mua một chiếc nhẫn cưới hạng bình dân trong thời buổi giá vàng cao ngất ngưởng.


 Ảnh minh họa

 Đám cưới "khủng" giữa vùng quê nghèo khiến biết bao người trẻ ngậm ngùi

 

Rồi thì các ca sĩ nổi danh nhất cũng đều góp mặt chúc mừng đám cưới đã minh chứng cho câu nói “cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng… rất nhiều tiền”, bởi nghe đâu, cát xê ở đây cao gấp 5 lần biểu diễn ở bên… Mỹ. Chưa hết, tất cả những thông tin về số vàng được tặng, rồi thì sau đó là ngôi nhà trị giá nhiều chục tỉ đồng làm quà cho con cũng được gia chủ công khai khoe trên báo chí.

 

Trước đó, một đám cưới cực kỳ rình rang với hàng đoàn siêu xe tham dự cũng khiến báo chí tốn nhiều giấy mực để đưa tin, còn người dân thì xuýt xuýt xoa xoa: Tiền ở đâu mà nhiều thế? Điều khó chấp nhận ở chỗ, đám cưới này diễn ra ở một vùng quê nghèo mà chắc chắn, số tiền chi cho đám cưới có thể cứu sống rất nhiều mạng người khỏi cái chết vì không có tiền chữa bệnh.

 

Thế rồi, lại thêm vụ “đại gia nước đá”, sau hành động cực kỳ thiếu đạo đức là đuổi con dâu ra khỏi nhà vì cho rằng cô đã mất trinh, ông này còn thả… miệng khoe nhà mình giàu có, kiếm mỗi ngày bạc tỉ và gia đình nạn nhân làm to chuyện chỉ vì muốn vòi tiền.


 Ảnh minh họa

Nhìn dàn siêu xe từ TP.HCM đi đón dâu tận Cần Thơ, nhiều người choáng váng đặt câu hỏi: Tiền ở đâu ra mà nhiều vậy?

 

Những cách khoe của lố bịch nói trên, với người đủ trưởng thành thì lắc đầu chê bai: Đồ hợm của! Tuy nhiên, không ít người trẻ lên tiếng bảo vệ, cho rằng: “Người ta có tiền thì người ta tiêu, đừng có ghen tị”!. Trong khi đó, không ít bạn trẻ suýt xoa: Chao ôi, sao người ta sướng thế. Ước gì, mình chỉ được một phần trăm như thế!.

 

Nhưng, điều nguy hiểm hơn, đó là nhiều bạn trẻ đang cố gắng học hành, miệt mài sách vở hay ngày đêm chăm chỉ cặm cụi kiếm những đồng tiền chính đáng nhưng nhỏ nhoi bỗng chốc thở dài mà nghĩ: Mình cố gắng mãi để làm gì? Cùng lắm cũng chỉ là một công chức quèn với đồng lương chết đói; hoặc: Thật là bất công, sao mình vất vả thế này mà chẳng có gì, còn họ thì ăn sung mặc sướng, tiền tiêu như nước vậy?

 

Nhưng dù sao trên đây cũng chỉ là những trường hợp nhỏ lẻ, “nổi cộm”. Thực tế trong cuộc sống ngày nay đang phổ biến tình trạng quan niệm đề cao những người giàu có dù không biết nguồn gốc số tiền của đó ở đâu mà ra. Xung quanh chúng ta, rất dễ bắt gặp những câu nhận xét kiểu như: Ôi, thằng ấy giỏi thật đấy. Chỉ có 1-2 năm mà nó đã mua được nhà biệt thự, lại còn sắm ô tô mới!; hay “Nó giỏi thật đất. Chạy được vào chỗ ấy “béo” lắm, phong bì đếm mỏi tay không hết!”…


Thời buổi ngày nay, dường như người ta dễ dàng, hoặc nghiễm nhiên chấp nhận những cách làm giàu cấp tốc, chộp giật của bạn bè, người thân, hàng xóm, đồng nghiệp… mà không hề có phản ứng. Cứ nhiều tiền, anh là người thành đạt. Cứ giàu có, chị là người đáng khâm phục. Những người lâu lâu mới gặp nhau, hỏi gì thì loanh quanh một lúc cũng quay lại chuyện “kiếm” được nhiều hay ít.

 

Một hiện tượng khá phổ biến khác cũng đang ảnh hưởng đến suy nghĩ và lối sống của giới trẻ, đó là phim ảnh và truyền hình. Có thể rất dễ nhận thấy, trong các bộ phim truyền hình gần đây, hình ảnh những cô cậu học trò sống trong nhung lụa, nhà lầu xe hơi, quần áo đẹp, đầu tóc thời trang… xuất hiện nhan nhản. Mà điều đáng nói đó không phải là những nhân vật cậu ấm cô chiêu gì, mà họ chỉ là con cái những gia đình bình thường. Chính những điều này vô tình khiến ngay cả những đứa trẻ trong hoàn cảnh không thật sự khá giả, (nhưng cũng chẳng phải nghèo khó) tự ti về bản thân và thậm chí quay sang trách cứ bố mẹ vì không cho chúng được bằng chị bằng em.

 

Ngay chính các bậc phụ huynh, khi hướng nghiệp cho con, đa phần cũng muốn chúng vào được chỗ có nhiều “mầu”. Ví dụ điển hình là một bà mẹ có con học về ngành môi trường đã tìm đủ mọi cách xin cho con vào làm ở một cơ quan nhà nước, nơi mà theo chị là có nhiều cơ hội đi “thanh tra thanh mẹ” và vớ bẫm phong bì. Khi cậu con trai không muốn vào làm việc tại đây vì áp lực “rượu chè thù tiếp” không phù hợp với tính cách và bệnh đau dạ dày nặng, thì người mẹ quay sang chì chiết con là “đồ dở hơi, lạc hậu”…

 

Cùng với đó, rất nhiều bà mẹ khi khuyến khích con cái học hành đều đem sự giàu có trong tương lai để làm “mồi nhử” cho các con. Vẫn biết, làm giàu và được trở nên giàu có một cách chính đáng là điều rất đáng khuyến khích, nhưng coi trọng một cách quá đáng mục tiêu vật chất cũng như sự thể hiện kệch cỡm sự “tự hào” về đồng tiền của người lớn đã ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ của giới trẻ. Nó có nguy cơ khiến cho chúng trở nên quan niệm lệch lạc về giá trị cuộc sống, và hơn thế, có thể làm mất đi tính kiên nhẫn, khiến đứa trẻ cũng trở nên “sốt ruột” muốn làm giàu nhanh chóng bằng mọi cách và hậu quả của cách suy nghĩ này là khôn lường.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc