Doanh nghiệp vận tải nên cân nhắc khi tăng giá cước!

07:15, 09/03/2012
|

(VnMedia) - Ngay sau khi giá xăng bất ngờ tăng 2.100 đồng/lít vào chiều 7/3, gần như ngay lập tức các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải cho biết, sẽ phải tính lại chi phí kinh doanh và cân nhắc khả năng tăng giá cước vận tải trong thời gian tới. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp Hội ô tô Việt Nam lại khuyến cáo rằng, các doanh nghiệp cần cân nhắc khi tăng giá.

>>>Xăng bất ngờ tăng giá 2.100 đồng/lít

>>>Xăng tăng giá, cước taxi rục rịch tăng mạnh

Bắt đầu từ 16 giờ ngày 7/3, giá xăng dầu đã chính thức được điều chỉnh tăng. Cụ thể, xăng RON 92 từ 20.800 đồng/lít lên mức 22.900 đồng/lít); diezel điều chỉnh tăng 1.000 đồng/lít (diezel 0,05S từ 20.400 đồng/lít lên mức 21.400 đồng/lít); dầu hỏa điều chỉnh tăng 600 đồng/lít (dầu hỏa từ 20.200 đồng/lít lên mức 20.800 đồng/lít); mazut điều chỉnh tăng 2.000 đồng/kg (madut 3,5S từ 16.800 đồng/lít lên mức 18.800 đồng/kg). Ngay khi có thông tin trên, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải khách công cộng và hàng hoá đã có ý định tăng giá cước.
 
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội, mức tăng giá xăng, dầu đã ảnh hưởng đến các đơn vị vận tải. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng nên cân nhắc việc tăng giá cước bởi nếu nâng giá lên, dân không chịu được sẽ kéo theo doanh thu thấp. 
 
“Các doanh nghiệp nên chờ xem giá cả xăng dầu sẽ tăng hay giảm trong thời gian tới để có những quyết sách, bởi nếu cước cứ tăng giảm liên tục theo xăng dầu sẽ gây tốn kém bởi chi phí in ấn vé, niêm yết giá cước…,” ông Liên nhận định.
 
Ngoài ra, ông Liên cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp vận tải nên "tự kiềm chế", bởi nếu một số đơn vị vận tải tăng mà đơn vị khác không tăng sẽ tạo ra sự cạnh tranh trong hoạt động vận tải và có thể dẫn tới mất khách…

Ảnh minh họa

                Cả Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam và Hiệp hội ô tô Hà Nội đều
                   khuyến cáo các doanh nghiệp nên cân nhắc khi tăng giá 
                     cước vận tải theo giá xăng dầu. Ảnh: Tùng Nguyễn.

Đồng tình quan điểm đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam cho rằng, việc tăng giá xăng dầu khiến doanh nghiệp vận tải luôn phải “chạy theo đuôi” các doanh nghiệp xăng dầu. Trong khi việc tăng giá cước rất nhạy cảm vì tác động lớn tới “túi tiền” của người dân, cũng như yếu tố đầu vào của nhiều doanh nghiệp sản xuất khác.
 
Theo ông Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam, với thực tế giá xăng tăng 10% sẽ khiến chi phí hoạt động vận tải taxi tăng khoảng 5%, còn dầu diezen tăng khoảng 5% sẽ làm chi phí vận tải hàng hóa, hành khách tăng khoảng 2%.
 
“Trước thực trạng này, Hiệp hội đã khuyến cáo các doanh nghiệp chỉ nên tăng giá cước khi giá xăng, dầu tăng từ 10% trở lên. Trong trường hợp này, có thể các hãng taxi sẽ phải điều chỉnh giá cước. Còn vận tải hàng hóa và hành khách cần bình tĩnh tính toán, tổ chức vận tải hợp lý để tiết kiệm chi phí,” ông Hùng đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp vận tải.
 
Theo dự đoán của ông Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam, với mức tăng giá xăng dầu hôm 7/3 vừa qua, nếu giá cước phải điều chỉnh thì nhanh nhất là các hãng taxi nhưng việc này cũng phải mất nửa tháng nữa mới có thể thực hiện được bởi các doanh nghiệp cần báo cáo, đề xuất mức tăng và thực hiện điều chỉnh đồng hồ tính cước với sự giám sát của các cơ quan chức năng.
 
“Hiệp hội đã khuyến cáo các đơn vị thành viên về việc xăng, dầu có thể tăng giá từ cách đây một tháng, để các đơn vị chủ động phương án thay đổi cước vận tải,” ông Hùng cho hay.
 
Trao đổi với báo chí tại cuộc họp về báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2012 của Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định: “Việc tăng giá cước vận tải lâu nay vẫn do Hiệp hội Vận tải đề xuất, sau khi căn cứ vào thực tiễn tăng giá phí đầu vào. Sau khi Hiệp hội đã tập hợp ý kiến của các thành viên sẽ quyết định mức tăng giá cước. Bộ Giao thông Vận tải sẽ chấp nhận theo đề xuất của Hiệp hội vì đây là vấn đề đã được xã hội hóa từ lâu”.


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc