(VnMedia) - Xung quanh việc thu Quỹ Bảo trì đường bộ, sáng nay (22/3), nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng, không thể có đủ vốn để có thể nộp cùng một lúc mức phí trên và kiến nghị cơ quan chức năng nên thu dần dần, có thể gộp vào giá xăng hoặc thuế.
>>>Mỗi chủ phương tiện gồng mình gánh 9 loại phí
Đề nghị giảm mức thu phí Bảo trì đường bộ
Sáng 22/3, Hiệp hội vận tải Hà Nội đã tổ chức họp tổng kết công tác năm 2011. Một trong những chủ đề lớn được bàn luận nhiều đó là việc các doanh nghiệp này phải nộp phí Bảo trì đường bộ từ 1/6.
Mở màn tại cuộc họp, đại diện hãng taxi Hùng Vương cho biết, hiện nay, tất cả các doanh nghiệp vận tải đã phải chịu quá nhiều phí bao gồm:phí xăng dầu, phí cầu đường đi tới đâu đã phải trả phí tới đấy. Việc thu thêm phí bảo trì đường bộ theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ở mức quá cao như như thế sẽ làm người dân và ngành vận tải không thể chấp nhận được, doanh nghiệp sẽ lụi bại nhanh chóng.
Ông Hoàng Quang Ngọc, Công ty vận tải Hoàng Hà chuyên vận chuyển hàng hóa container cho biết, rất nhiều chính sách trước đây của Bộ Giao thông Vận tải thực hiện quá gấp sẽ ảnh hưởng lập tức đến ngành vận tải như: Bằng FC, thiết bị giám sát hành trình (GPS).
“Chính sách gì cũng phải gắn liền với lợi ích của nhân dân và doanh nghiệp. Khó khăn Nhà nước cứ đổ đầu doanh nghiệp thì không khác gì gây khó khăn cho doanh nghiệp,” ông Ngọc bày tỏ quan điểm.
Đề cập đến số tiền mà doanh nghiệp này sắp phải nộp Quỹ Bảo trì đường bộ, ông Ngọc cho biết, đơn vị vận tải không thể có đủ vốn để có thể nộp cùng một lúc mức phí bảo trì đường bộ.
“Mức phí bảo trì đường bộ phải đóng theo quy định với xe container là 1,4 triệu/tháng. Nhưng không ai có thể đảm bảo xe ôtô có thể chạy 30/30 ngày được. Xe cũng như con người, có lúc ốm đau hỏng hóc và cần phải bảo dưỡng mà vẫn phải nộp phí. Nếu 50 đầu xe 6 tháng phải đi đăng kiểm sẽ phải nộp phí bảo trì số tiền là bao nhiêu?,” ông Ngọc đưa ra câu hỏi.
Theo ông Trịnh Xuân Đức, Giám đốc Công ty Anh Đức, Quỹ Bảo trì đường bộ cần phải có lộ trình về phương thức thu như thế nào, mức phí bao nhiêu bởi doanh nghiệp phải tự bỏ vốn kinh doanh, không được vay ưu đãi nên sẽ gặp khó khăn khi thực hiện.
“Mức phí nên thu dần dần và gộp vào giá xăng hoặc thuế. Nếu thu doanh nghiệp 20 triệu đồng/tháng thì doanh nghiệp không có tiền mà đóng,” ông Đức khẳng định.
Nhiều doanh nghiệp vận tải lo lắng không đủ tiền nộp Quỹ Bảo trì đường bộ. Ảnh: Tùng Nguyễn |
Trước khó khăn trên, tại cuộc họp, hầu hết ý kiến của các doanh nghiệp vận tải tham dự đều kiến nghị, Bộ Giao thông Vận tải nên chậm lại thời hạn việc thu phí bảo trì đồng thời giảm mức thu phí xuống 60% như Hiệp hội đề xuất.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đề xuất, ngành vận tải đang phải gồng mình “gánh” quá nhiều chi phí nên cần phải xem xét tất cả cụ thể các loại phí bảo trì, phí phương tiện. Khi thực hiện, cơ quan chức năng cũng cần phải có lộ trình để doanh nghiệp và người dân làm quen.
Kiến nghị đưa taxi vào loại hình vận tải khách công cộng
Bên cạnh việc thu Quỹ Bảo trì đường bộ, các doanh nghiệp cũng có ý kiến về việc xem xét đưa taxi vào loại hình vận tải hành khách công cộng và làm rõ khái niệm tách biệt giữa xe cá nhân - xe kinh doanh để không cào bằng và đánh đồng chung mức phí.
Theo đại diện taxi Hùng Vương, Bộ Giao thông Vận tải đưa taxi vào diện hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ là không đúng bản chất và tạo áp lực cho doanh nghiệp.
“Một hãng taxi có tới 300 đầu xe và 600 lao động là một tập thể lớn. Khi kinh doanh sẽ phải tính tới tất cả các chi phí vào ăn chia với lái xe. Quy mức phí bảo trì vào taxi thì doanh nghiệp sẽ lụi bại,” đại diện taxi Hùng Vương cho hay.
Đại diện Hợp tác xã taxi Nội Bài kiến nghị, Nhà nước cần xem xét lại và đưa taxi vào diện vận tải hành khách công cộng để có chế độ, ưu đãi bởi taxi không thua kém gì với xe buýt về vận tải khách.
Đưa ra dẫn chứng, tại một số nước Châu Âu đã đưa taxi vào vận tải công công nên giá cước taxi rẻ hơn nhiều bởi khi mua xe được Nhà nước bù giá tới 40% trong khi nước ta hiện phí lại cào bằng đặc biệt là phí trước bạ cao.
Theo các hãng taxi, xe taxi không mong được ưu ái như xe buýt nhưng cũng mong sự công bằng bởi taxi phục vụ chở hàng vạn lượt khách công cộng. Còn ôtô vận tải phục vụ đời sống dân sinh nên cần phải làm tách bạch rõ ràng đâu là xe cá nhân-xe kinh doanh để không cào bằng và quy chụp cùng một mức phí.
Ý kiến bạn đọc