Sau hơn 40 năm vợ chồng, mái đầu đã bạc, bà cụ nộp đơn ra tòa quyết ly hôn cho bằng được để “giải thoát” cho mình.
Ly hôn sau 40 năm vợ - chồng
Trong lá đơn xin ly hôn, bà cụ gần 70 tuổi trình bày: bà và ông N.V.L (SN 1941) quen biết, yêu nhau từ năm 1968 – những năm mà cả miền Nam còn chìm trong khói lửa chiến tranh.
Ông là bộ đội, hơn bà bốn tuổi, bà làm nghề buôn bán, do loạn lạc nên sau đó mỗi người một nơi. Năm 1974, sau thời gian lưu lạc dài đằng đằng, ông bà gặp lại nhau và nên nghĩa vợ chồng.
Ba đứa con lần lượt ra đời vào những năm đầu tiên sau giải phóng. Năm 1992, hai người mới làm giấy đăng ký kết hôn.
Thế nhưng, quá trình chung sống, vợ chồng bà thường phát sinh mâu thuẫn, ông L. có người đàn bà khác nên thường đánh đập vợ. Bà đã chịu đựng ông bao nhiêu năm với ý nghĩ mong con cái trưởng thành.
Giờ đây, các con đã lớn, bà xin được ly hôn để tìm lại sự bình yên cho mình trong những năm tháng cuối đời. Về tài sản là căn nhà, bà xin được tự giải quyết nội bộ gia đình.
Sau khi thụ lý đơn xin ly hôn, tòa án đã tổ chức nhiều buổi hòa giải mong hàn gắn quan hệ hôn nhân ở tuổi xế chiều này. Cụ ông không chấp nhận ly hôn, cũng không đồng ý phân chia tài sản là căn nhà.
Do hai bên không thể thỏa thuận, bà tiếp tục làm đơn đề nghị tòa giải quyết phần phân chia tài sản. Bà lý giải mình không thể tiếp tục chung sống trong một mái nhà khi vợ chồng, con cái không có sự tôn trọng lẫn nhau.
Suốt quá trình hòa giải, ông thừa nhận những gì bà trình bày về thời gian, hoàn cảnh kết hôn là đúng còn về mâu thuẫn vợ chồng ông nghĩ đó là chuyện thường “nhà nào chẳng có”, không trầm trọng đến mức phải ly hôn.
Mặt khác, tuổi hai người đã cao, việc ly hôn sẽ tổn hại đến danh dự gia đình và các con, thực tế ông bà đã sống ly thân từ rất lâu, giờ cứ thế “hồn ai nấy giữ, việc ai nấy làm” đâu cần phải ly hôn…
Nếu bà vẫn giữ nguyên yêu cầu, ông đề nghị tòa cho ông giữ lại căn nhà, ông xin được trả lại tiền trị giá ½ căn nhà trong vòng hai năm.
Khi bà nộp đơn ly hôn, hai người con gái ủng hộ mẹ. Vợ chồng người con trai đang ở chung nhà, ngoài việc bày tỏ suy nghĩ ủng hộ bà, họ còn yêu cầu tòa án buộc cha mẹ phải trả lại cho mình 20 triệu đồng họ đã bỏ ra để xây thêm cái kho chứa đồ trong nhà.
Phía sau vụ án
Đến dự phiên tòa ly hôn của ông bà có hai người con gái, người con dâu xuất hiện với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Trình bày trước tòa, bà xin được ly hôn vì cả đời đã chịu đựng, giờ tuổi đã cao, con cái đã lớn, bà muốn được giải thoát về mặt tinh thần.
Bà cho biết trước đây lúc nghèo nàn vợ chồng hạnh phúc nhưng khi ông làm có chút tiền, ông bắt đầu nhậu nhẹt, bồ bịch. Bà đau đớn lắm nhưng sau đó quen dần coi như không biết, bà không muốn làm lớn chuyện vì phải giữ thể diện cho ông trước lãnh đạo, bạn bè, đồng nghiệp.
Vợ chồng cứ thế lục đục, ly thân từ khi nào bà không nhớ rõ. Khi hưu đã lâu, ông lại có nhân tình mới, điều đó không quan trọng nhưng điều làm bà đau khổ nhất là chuyện ông nói xấu bà với các con.
Bà cụ rớm nước mắt kể, sống trong một ngôi nhà nhưng bà ở tầng trên, ăn uống sinh hoạt riêng biệt còn ông, vợ chồng con trai ở tầng dưới như hai thế giới riêng. Do ông lôi kéo con trai và con dâu về phe mình nên dù con dâu có ăn học, là cán bộ nhà nước nhưng không hề tôn trọng mẹ chồng.
Con trai cũng không biết thương mẹ, hai đứa cháu nội do một tay bà chăm sóc thời thơ ấu nhưng giờ con dâu cấm hai đứa không được lại gần bà, không được gọi bà bằng bà nội…
Đó là điều làm bà đau đớn nhất. Bà không muốn tiếp tục ở chung một mái nhà, không muốn mỗi khi nhìn thấy cháu, bà phải vờ làm ngơ để chúng không mẹ bị đánh hoặc la rầy… Được mời lên thẩm vấn, ông giữ nguyên quan điểm không muốn ly hôn. Nếu ly hôn, ông xin lấy nhà, trả lại tiền cho bà trong vòng ít nhất là 2 năm.
“Tôi có ý kiến, việc Hội đồng định giá định giá giá trị căn nhà là 5,5 tỷ đồng là quá cao…”, ông tiếp tục trình bày.
Tuy nhiên, chủ tọa đã bác bỏ ý kiến bởi bà yêu cầu căn nhà mặt tiền một trệt hai lầu trị giá 7 tỷ, ông không đồng ý, Hội đồng định giá đã phải vào cuộc. Mức 5,5 tỷ đồng là giá theo kết quả định giá khách quan, nếu thấy cao ông có thể không mua lại mà đem bán căn nhà để chia đôi.
Ấm ức vì quan điểm của mình bị bác bỏ, cụ ông hậm hực quay sang đưa tay chỉ mặt cụ bà: “Bà là đồ ham tiền, hám lợi” – “Tôi không thể chịu đựng ông thêm được nữa, ông đừng có nói cái chuyện ham tiền ở đây”, cụ bà lại rưng rưng nước mắt.
Mặc vợ ấm ức, với nét mặt khổ sở, ông quay lên Hội đồng xét xử trình bày tiếp: “Tôi già rồi lấy đâu ra tiền mà trả ½ trị giá căn nhà. Thôi thì ráng theo từ đây tới đó, không biết có còn theo được không, hơn 70 tuổi đầu rồi có thể sống nay chết mai, tôi không muốn bán nhà nên mới có ý mua lại”.
Giờ nghị án, dưới ánh đèn sáng trắng của phòng xử, hai cô con gái nắm chặt bàn tay mẹ động viên còn cụ ông ngồi lại cạnh con dâu để bàn bạc điều gì không rõ. Xét thấy tình cảm vợ chồng của ông bà không còn, hôn nhân giữa họ chỉ là hình thức nên Tòa đã chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của bà.
Về phần tài sản chung, HĐXX cũng chấp nhận yêu cầu của bà, chia mỗi bên một nửa giá trị căn nhà. Ông và bà có nghĩa vụ trả lại cho vợ chồng con trai 20 triệu đồng.
Phiên tòa kết thúc, người con dâu xuống trước còn cụ ông đưa bàn tay gân guốc bám vào tay vịn, chậm chạp đặt từng bước chân run run trên bậc cầu thang.
Một lát sau, cụ bà được hai người con gái đứng hai bên nhẹ nhàng đỡ từng bước chân. Trái với thái độ nặng nề của ông, gương mặt bà thanh thản.
Cụ bà cho biết ly hôn, nhất là ly hôn tuổi xế chiều là điều không mong muốn nhưng với tuổi già thì sự thanh thản là điều quan trọng nhất, bà vui vẻ cười như vừa trút xong một gánh nặng.
(Theo VNN)
Ý kiến bạn đọc