(VnMedia) - Trước ý kiến cho rằng việc thu phí Bảo trì đường bộ và phí lưu hành phương tiện cá nhân sẽ khiến cho phí bị chồng phí, Bộ Giao thông vận tải đã lên tiếng khẳng định, việc thu 2 loại phí trên là dùng cho 2 mục đích khác nhau và không có chuyện phí chồng phí.
>>>Mỗi chủ phương tiện gồng mình gánh 9 loại phí
>>>Doanh nghiệp vận tải “kêu” không đủ tiền nộp… “thuế đường”
2 loại phí có chung một mục đích?
Cuối tháng 12/2011, cho rằng sự gia tăng quá nhanh của các phương tiện giao thông cá nhân tại một số thành phố và đô thị lớn là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất với Chính phủ đề án thu phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm tại 5 thành phố: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng. Mới đây, có lẽ do bị phản ứng vì tên gọi phí lưu hành phương tiện cá nhân, Bộ Giao thông vận tải đã đổi tên thành phí hạn chế phương tiện cá nhân.
Cụ thể, theo phương án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân đã được Bộ Giao thông trình Chính phủ, tới đây, chủ sở hữu xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi chở xuống (kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng), có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 trở xuống mức phí 20 triệu đồng/năm. Dung tích trên 2.000 - 3.000 cm3 mức phí 30 triệu đồng/năm, dung tích trên 3.000 cm3 mức phí 50 triệu đồng/năm. Với xe máy Bộ Giao thông cũng đề xuất thu loại xe có dung tích dưới 175 cm3 mức phí 500.000 đồng/năm, loại dung tích từ 175 cm3 trở lên mức phí 1 triệu đồng/năm.
Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất mức thu phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm (miễn thu phí với các loại xe công và xe buýt), dự kiến 30.000 đồng/lượt với ô tô chở người đến 7 chỗ ngồi và 50.000 đồng/lượt với các loại ô tô còn lại.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là một loại thuế. Mới đây nhất, trung tuần tháng 3 vừa qua, cũng theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định về việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ. Theo đó, Chính phủ cho phép Bộ Giao thông vận tải được thu Quỹ Bảo trì đường bộ từ 1/6.
Theo Nghị định vừa được phê chuẩn, nguồn hình thành quỹ từ phí sử dụng đường bộ thu được hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới, bao gồm: ôtô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ôtô, máy kéo và môtô hai bánh, môtô ba bánh. Quỹ cũng được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước cấp bổ sung hàng năm.
Theo Nghị định của Chính phủ, từ 1/6, chủ sở hữu ô tô, xe máy
sẽ phải đóng Quỹ Bảo trì đường bộ. Ảnh: Ngọc Lân
Theo nghị định trên, phí sử dụng đường bộ thu được đối với ôtô được phân chia cho quỹ trung ương 65% và cho các địa phương là 35%. Mặc dù, Chính phủ chưa quy định loại phí là bao nhiêu nhưng theo dự thảo tờ trình Quỹ Bảo trì đường bộ do Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất mức thu phí ôtô theo bảy nhóm. Mức thấp nhất đối với ôtô dưới 12 ghế, xe tải dưới 2 tấn là 180.000 đồng/tháng; mức cao nhất đối với xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet là 1,44 triệu đồng/tháng. Đối với môtô, xe gắn máy mức thu 80.000-120.000 đồng/năm (tùy theo dung tích xilanh).
Trước việc Bộ Giao thông vận tải đề xuất thu hai loại phí trên cùng một đầu phương tiện, nhiều ý kiến cho rằng, việc thu hai loại phí như vậy sẽ dẫn đến việc phí trùng phí. Xung quanh vấn đề này, Bộ Giao thông vừa lên tiếng khẳng định, không có việc phí trùng phí.
Không có chuyện phí chồng phí
Trả lời ý kiến của Bộ Tư pháp về việc chồng lấn giữa phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ với phí sử dụng đường bộ, Bộ GTVT khẳng định, hai loại phí này hoàn toàn khác nhau cả về mục tiêu thu và đối tượng thu.
Theo Bộ Giao thông vận tải, việc đơn vị này đề xuất thu phí sử dụng đường bộ là để tạo nguồn quản lý bảo trì đường bộ (đối với đường do Nhà nước đầu tư) và hoàn vốn đầu tư, chỉ quản lý bảo trì (đối với đường đầu tư theo hình thức BOT).
Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ nhằm hạn chế sự gia tăng số lượng phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông; tạo nguồn chi đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và đầu tư cho các công trình đảm bảo an toàn giao thông.
Về đối tượng, phí sử dụng đường bộ thu với tất cả phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bao gồm xe ô tô, máy kéo, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy... Trong khi đó, phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ chỉ nhắm vào một số đối tượng trong số đó.
Theo Bộ Giao thông vận tải, việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm sẽ hạn chế đáng kể việc phát triển số lượng phương tiện cá nhân đường bộ và việc ô tô đi vào trung tâm thành phố trong các giờ cao điểm.
"Việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân là để khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng; giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông tại các thành phố đồng thời tạo nguồn chi đầu tư nâng cao năng lực của hạ tầng giao thông đường bộ và đầu tư cho các công trình đảm bảo an toàn giao thông. Khi đó, người dân sẽ được hưởng lợi (tiết kiệm thời gian, nhiên liệu, hao mòn phương tiện khi tham gia giao thông) do lưu thông thông thoáng hơn", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải Quỹ Bảo trì đường bộ là tổ chức tài chính của nhà nước, quản lý theo quy định của Luật Ngân sách, thực hiện chế độ lập dự toán, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, quyết toán theo quy định hiện hành. |
Ý kiến bạn đọc