Uẩn khúc bố mẹ già "khoe" bị con ngược đãi

07:21, 10/02/2012
|

(VnMedia) - Người dân địa phương từ chỗ cảm thông, chia sẻ bây giờ nhiều người đã thay đổi thái độ và tỏ ra bức xúc khi nói về trường hợp ông bà Quý Chén. Họ cho rằng hai ông bà đang “lợi dụng” lòng tốt của xã hội…

 

Vụ việc hai cụ già bị 7 người con ngược đãi phải sống nhờ đình làng 8 năm trời luôn là tâm điểm của dư luận trong nhiều tháng qua. Những tưởng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sức ép dư luận, đôi vợ chồng già sẽ được hưởng một kết thúc có hậu. Tuy nhiên, sau nhiều lần hòa giải, ông bà Quý Chén vẫn không tìm được tiếng nói chung với con cái. Thậm chí, ông Nguyễn Văn Quý còn tuyên bố: “Dù có chết cũng không ở với các con”.

 

Trong khi đó, những người con trai của ông bà thì vẫn một mực không chịu nhận lỗi. Anh Nguyễn Văn Đại cho rằng: “Bản thân đã làm hết trách nhiệm của người con, tôi đã nhiều lần xin lỗi, đón ông bà về phụng dưỡng nhưng luôn bị từ chối...”.Đại diện chính quyền xã Đồng Quang cũng xác nhận thông tin và cho biết thêm, bản thân những người con của ông bà Quý Chén còn nhiều lần làm đơn đề nghị chính quyền giúp đỡ để đón ông bà về ở. Tuy nhiên, trong suốt những năm qua, tất cả các yêu cầu của con cháu đều bị ông bà từ chối.

 

Phải chăng giữa ông bà và con cái còn có uẩn khúc gì khiến cho mâu thuẫn không thể hàn gắn? Trong câu chuyện này, mọi nguyên nhân có phải chỉ bắt nguồn từ phía con cái? Chúng tôi đã quay trở lại thôn Đồng Lư, nơi hai ông bà già đang tá túc để tìm câu trả lời xác đáng nhất về vấn đề này.

 

Có một điều lạ, là người dân địa phương từ chỗ cảm thông, chia sẻ bây giờ đều thay đổi thái độ và tỏ ra bức xúc khi nói về trường hợp ông bà Quý Chén. Ông Đ.V.H (hàng xóm với ông bà Quý Chén) lắc đầu chia sẻ: “Tôi thấy ông bà Quý Chén quá cố chấp, bây giờ con cái đã biết quay đầu xin lỗi thì cũng nên tha thứ. Hơn nữa, đình làng là của chung làm sao cứ ở đấy mãi cho được”. Ông H. cũng không ngần ngại phân tích: “Các nhà hảo tâm nhiều quá, ngày nào cũng hàng đoàn kéo nhau về, chính điều này làm cho ông bà thấy lợi mà không muốn quay về. Người dân ở đây bức xúc lắm, xã tôi còn nhiều trường hợp khó khăn hơn ông bà Quý Chén nhiều...”

 

Còn chị N.T.L bán hàng ở gần đình làng Đồng Lư, thẳng thắn: “Nói thật là các cụ đang “lợi dụng” lòng tốt của mọi người.” Là người ở làng, lại là hàng xóm với các con ông bà Quý Chén nên chị L. tỏ ra khá hiểu chuyện: “Ban đầu cũng có thể là có mâu thuẫn thật nhưng con cái dẫu có sai thì vẫn là con mình dứt ruột đẻ ra. Bố mẹ phải biết mở lòng chứ không phải là cố tình đẩy con mình vào đường cùng”.

 

Chị L cũng không đồng tình với cách hành xử của ông bà Quý Chén, chị cho biết thêm, các con của hai cụ không phải ai cũng xấu xa cả và hoàn cảnh của ông bà cũng không quá bi đát như một số báo đã đưa.

 

Trước những thông tin trái chiều, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Đạt Thi - Phó chủ tịch hội Người cao tuổi xã Đồng Quang đồng thời cũng là họ hàng của ông Nguyễn Văn Quý. Đề cập đến trường hợp của hai ông bà Quý Chén, ông Thi cũng tỏ ra bức xúc: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức có thể, ngay cả con trai ông bà cũng đã cố gắng sửa sai, tuy nhiên cả hai cụ đều rất “ngang”. Ông Thi cho biết, trong cuộc hòa giải mới đấy nhất mặc dù chính quyền tỉnh, xã, anh em họ hàng hai bên đã dùng mọi lý lẽ để phân tích nhưng cả ông và bà đều kiên quyết không chấp nhận. Cuộc họp đã phải kéo dài từ sáng đến tận 3h chiều mà không đạt được kết quả mong đợi.

 

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, ông Thi cho rằng: Không thể đổ tất cả lỗi lầm lên đầu các con ông bà Quý Chén. Cả 7 người con của ông bà đều là người không được học hành tử tế. 4 người con gái không biết chữ, chỉ có duy nhất ba anh con trai là được “phổ cập” cấp 1. Nhận thức hạn chế lại thêm cách dạy dỗ “chưa đến nơi, đến chốn” của ông bà có thể là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa con cái với bố mẹ.


 Ảnh minh họa

 Phải chăng vì nhận được quá nhiều quà từ các nhà hảo tâm mà ông bà Quý Chén không muốn về ở với con cái?

 

Chuyện cũ bây giờ mới kể

 

Cũng theo ông Thi, năm 1985 xã có chủ trương đưa người dân vào một số tỉnh miền Nam và Hòa Bình xây dựng vùng kinh tế mới. Ông bà Quý Chén cũng hăng hái tham gia khai khẩn ở xã Tiến Xuân, Lương Sơn, Hòa Bình. Trước khi đi, ông giao lại nhà cho con cái và cắt hộ khẩu tại đây. Thời điểm bấy giờ, các con ông bà đều còn khá nhỏ. Thiếu thốn tình cảm và sự dạy dỗ của cha mẹ lại thêm phải ở với người anh cả Nguyễn Văn Trượng (có tiền sử bệnh trầm cảm) luôn đánh đập, quát mắng khiến cho tình cảm anh em trong gia đình bị sứt mẻ. Đây có thể là lý do khiến những người con của ông bà quay sang “hận” cha mẹ, tình cảm gia đình cứ thế rạn nứt dần.

 

Thêm vào đó, cuộc sống khó khăn, miếng cơm manh áo làm cho họ phải bươn chải và “vập” vào đời sớm. Lo toan thường nhật khiến cho mối quan hệ gia đình, con cái vốn đã có vấn đề lại càng trở nên xa cách, mờ nhạt.

 

Khi chúng tôi đề cập đến chuyện ông bà Quý Chén lo sợ khi về sống cùng bị con dâu trả thù, đánh đập, ông Thi gay gắt phản đối: “Đây là suy nghĩ không có cơ sở và không thể chấp nhận. Bản thân tôi hiểu rất rõ tính cách của từng người con ông bà. Tất nhiên, chúng có những điểm không tốt nhưng không đến mức độ “côn đồ” như vậy. Ngoài người con trai trưởng có vấn đề thần kinh, tính tình cục cằn thì về cơ bản những người con còn lại đều chăm chỉ và thật thà”.

 

Ông Thi cũng cho biết, cuộc sống ông bà Quý Chén hiện n ay không đến mức quá khó khăn. Cả hai ông bà đều được hưởng trợ cấp người nghèo và chế độ của người cao tuổi. Chính vì thế việc cho đến nay ông bà vẫn phải đi cất vó, cấy hái là điều không có thật. Mặt khác, việc các nhà hảo tâm tìm đến quá nhiều khiến các cụ có tâm lý ỷ lại và không muốn quay về ở với con cháu.

 

Tìm đến gia đình ông bà Quý Chén khi cả hai ông bà đang bận rộn nhận quà từ thiện từ khắp mọi nơi gửi về, chúng tôi chứng kiến rất nhiều hộp quà được bọc cẩn thận nằm la liệt trên nền nhà. Thấy tôi bước vào, ông Quý vội giải thích: “Tôi đã kiên quyết không nhận quà từ thiện nhưng đây là quà họ gửi qua xã nên không còn cách nào khác...”


Tuy nhiên, bà Chén tưởng tôi là nhà từ thiện nên chỉ nhắc đi nhắc lại: “Quý hóa quá, trời phật phù hộ cho các bác...”. Theo chị Nguyễn Thị Thoa (con gái út ông bà) thì từ lâu, bà Quý đã không còn minh mẫn, “quên quên nhớ nhớ” thậm chí là nhầm lẫn những câu chuyện đã xảy ra với nhau.

 

Rõ ràng, trong vụ việc này còn nhiều uẩn khúc không dễ lý giải, bởi cũng có người còn nói, giờ ông bà nhận được nhiều quà từ thiện nên con cái cũng muốn... có phần (!?). Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chỉ là phỏng đoán. Chỉ người ở trong cuộc mới thực sự biết rõ nguyên nhân từ đâu và họ đang nghĩ gì. Chỉ có điều, dù có mâu thuẫn lớn đến đâu nhưng thiết nghĩ những người trong cuộc cũng nên mở lòng bỏ qua những chuyện buồn đã xảy ra. Đồ của thiên hạ cho dù có nhiều thế nào cũng không thể sánh bằng tình cảm ấm áp bên con cháu ruột thịt.


Hà Trang

Ý kiến bạn đọc