(VnMedia)- Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan này sẽ trình dự thảo Luật Đất đai sửa đổi để trình Chính phủ vào tháng 6 tới, trước khi dự thảo chính thức được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8. Nhưng, tại sao cần sửa đổi Luật Đất đai.
Theo đó, trước khi hoàn tất dự thảo này, Bộ sẽ tập trung tổng kết việc thi hành Luật Đất đai hiện hành cũng như tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các báo cáo tổng kết này sẽ được hoàn tất và báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến trong tháng 3/2012.
Vậy vì sao cần phải sửa đổi Luật Đất đai?
Chủ trương "đổi mới" đất nước đã được Nhà nước Việt Nam quyết định vào năm 1986 trên nguyên tắc tiếp nhận mô hình kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước với 5 thành phần kinh tế. Điểm đột phá của quá trình đổi mới là điều chỉnh lại chính sách đất đai nông nghiệp dựa trên chủ trương Nhà nước giao đất nông nghiệp của hợp tác xã nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định lâu dài mà không thu tiền sử dụng đất.
Từ đó, Việt
Luật Đất đai đã được đổi mới từng bước, chuyển dần từ cơ chế Nhà nước bao cấp hoàn toàn về đất đai (năm 1988) tới cơ chế chỉ cho thị trường tác động vào khu vực hộ gia đình, cá nhân (năm 1993), tới cơ chế cho tiếp thị trường tác động vào tổ chức kinh tế sử dụng một số loại đất (năm 1998) và tới cơ chế hiện nay cho thị trường tác động vào toàn bộ khu vực tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân (năm 2003). Nói chung, quá trình đổi mới chính sách, pháp luật đất đai luôn chậm hơn quá trình đổi mới kinh tế.
Trước năm 2003, trung bình khoảng 2,5 năm lại sửa luật và pháp lệnh một lần. Trong giai đoạn sau năm 2003, trung bình khoảng 2 năm lại sửa nghị định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một lần. Mặt khác, tính thống nhất trong chỉ đạo thực thi pháp luật giữa các Bộ cũng không được bảo đảm. Ví dụ, riêng việc thống nhất một hệ thống đăng ký, một loại giấy chứng nhận cho đất đai và tài sản gắn liền cũng phải mất tới 15 năm thảo luận để quyết định. Việc thực thi pháp luật đất đai ở các địa phương chưa tốt, nhất là ở cấp huyện và cấp xã. Vụ việc ở Tiên Lãng vừa qua cho thấy ở cấp huyện đã vi phạm pháp luật từ giao đất, thu hồi đất, giải quyết khiếu nại, cho tới cưỡng chế thu hồi đất.
Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2011, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất 2011-2020, trong đó Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ “khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai để sớm trình Quốc hội thời gian tới”.
Sau 8 năm được áp dụng trong thực tế, Luật Đất đai 2003 đã bộc lộ một số khiếm khuyết nhất định. Một trong những vấn đề mấu chốt đã và đang được thảo luận rộng rãi là vấn đề sở hữu đất đai, theo đó đất đai có tiếp tục được coi là "sở hữu toàn dân" như hiện nay hay không.
Mối quan hệ giữa Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai với người sử dụng đất cũng như vấn đề quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất cũng là những nội dung được quan tâm nhất trong việc sửa đổi Luật Đất đai lần này.
Để rộng đường dư luận, giúp bạn đọc có thể hiểu tường tận về những bất cập của tình trạng sử dụng đất hiện tại, bất cập của Luật Đất đai và phân tích lý do vì sao cần phải sửa Luật, những kinh nghiệm quản lý đất đai của các nước… Từ hôm nay, VnMedia sẽ mở chuyên đề “Tại sao phải sửa Luật Đất đai”. Mọi thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về địa chỉ mail toasoan@vnmedia.vn hoặc thanhhuong@vnmedia. vn.
Ý kiến bạn đọc