Ngoài đổi giờ, có thể trông vào cầu vượt nhẹ?

07:05, 09/02/2012
|

(VnMedia) - Hà Nội vừa thay đổi giờ làm, giờ học để giảm ùn tắc giao thông, tuy nhiên hiệu quả của biện pháp này hiện nay vẫn phải chờ. Song song với việc đổi giờ, Hà Nội đang tiến hành xây dựng một số cầu vượt nhẹ tại một số ngã tư để giảm ùn tắc nhưng liệu người tham gia giao thông có thể trông chờ vào giải pháp này?

>>>
'Đổi giờ không phải là phép thần để chống ùn tắc'
 
Từ 1/2, Hà Nội tiến hành thay đổi giờ làm, giờ học để giảm ùn tắc giao thông. Theo ghi nhận trong tuần đầu tiên thành phố thực hiện việc đổi giờ này, do nhiều thành phần tham gia giao thông là sinh viên, người lao động tự do… chưa trở lại Thủ đô học tập và kiếm sống nên tại nhiều tuyến đường trước đây thường xuyên ùn tắc: Trường Chinh, Chùa Bộc, Sơn Tây, Nguyễn Lương Bằng… việc đi lại đã dễ dàng hơn các ngày trước đó.
 
Tại các tuyến đường trên mặt dù lượng phương tiện vẫn đông nhưng xe cộ vẫn có thể lưu thông với tốc độ chậm, không phải dừng lại do ùn tắc, khác hẳn những ngày trước đó, trong các giờ cao điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài. Tuy nhiên, đến ngày 6/2 vừa qua, sau khi sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trở lại trường học thì các tuyến phố bớt ùn tắc ở tuần đầu triển khai biện pháp đổi giờ đều ùn tắc trở lại và kéo dài.

Trong khi Sở Giao thông vận tải - đơn vị đề xuất thay đổi giờ làm chưa dám khẳng định, việc đổi giờ có mang lại hiệu quả hay không vì cần thêm thời gian đánh giá thì tại một số ngã tư hay ùn tắc của Thủ đô: Sơn Tây- Thái Hà – Chùa Bộc, Láng - Nguyễn Chí Thanh, Hạ - Huỳnh Thúc Kháng… Hà Nội đang cho xây dựng một số cầu vượt nhẹ được lắp ghép bằng thép cho ô tô, xe máy để giải quyết tại chỗ việc ùn tắc giao thông tại các điểm xây dựng cầu. Tuy nhiên, liệu giải pháp này có phát huy tác dụng?.

 Ảnh minh họa
Mặc dù đã tiến hành đổi giờ làm, giờ học nhưng nhiều tuyến phố của Hà Nội vẫn tắc cứng.

Trở lại thời điểm 21/12/2011, khi lãnh đạo Hà Nội có văn bản đề xuất với Chính phủ một số giải pháp cấp bách trước mắt để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng phức tạp trên địa bàn Thủ đô. Theo đó, trong các giải pháp cấp bách trước mắt: nghiên cứu ngay việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, xây dựng bãi đỗ xe cao tầng ngay trong nội thành...thành phố xin Chính phủ cho phép áp dụng một cơ chế đặc thù để xây cầu vượt hạng nhẹ tại các ngã tư nhằm chống ùn tắc.

Sau đề xuất trên, Hà Nội đã lên kế hoạch xây dựng hàng loạt cầu vượt nhẹ bằng thép cho xe con và xe máy tại một số nút giao có mật độ phương tiện đi lại cao hay xảy ra ùn tắc giao thông: Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, Chùa Bộc - Sơn Tây, đường Láng - Lê Văn Lương, đường Láng - Trần Duy Hưng...

Theo thiết kế, các cây cầu vượt trên được xây dựng bằng kết cấu thép nhẹ, móng cọc bê tông cốt thép đúc sẵn hoặc móng cọc vít thi công ép xoắn, trụ thép hoặc trụ đổ bê tông bên trong, khi cần có thể di dời đến vị trí khác dễ dàng, thuận lợi, ít tốn kém. Mỗi cầu sẽ thiết kế đủ rộng cho 4 làn xe con (12 m), chi phí khoảng 150 tỷ đồng.

Dự kiến thời gian xây dựng các cây cầu vượt nhẹ bằng thép trên sẽ mất 4 tháng, sau đó sẽ được đưa vào sử dụng ngay sẽ góp phần giảm các điểm ùn tắc tại các điểm cầu được triển khai.

 Ảnh minh họa
Mô hình cầu vượt nhẹ bằng thép đang được xây dựng tại một số ngã tư.

Hiện tại các ngã tư: Chùa Bộc- Thái Hà – Sơn Tây, Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng- Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh – Láng…một số cây cầu vượt nhẹ đang được các đơn vị thi công tích cực thực hiện.

Theo PGS. Tiến Sỹ Phạm Huy Khang, đại diện Nhóm nghiên cứu phương án xây dựng cầu vượt nhẹ, theo kinh nghiệm từ Nhật Bản, cầu vượt nhẹ được làm hoàn toàn bằng thép, móng cọc vít thi công ép xoắn, số cọc ít đi, giá thành có cao hơn, nhưng đặc điểm thi công nhanh, sau khi không dùng nữa có thể tháo ra.

Từ kinh nghiệm thực tế xây dựng cầu vượt cho người đi bộ nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Giao thông vận tải dùng kết cấu thép an toàn, và chỉ lắp một đêm là xong, chúng ta nên áp dụng cho cầu vượt nhẹ xe cơ giới tại hai nút trên.

Đáng chú ý, việc xây dựng các cây cầu vượt nhẹ này sẽ không ảnh hưởng đến nhà dân, không phải giải phóng mặt bằng. Cũng theo thiết kế, vị trí mặt bằng cầu ở hai nút trên sẽ theo hướng ưu tiên của đường. Tuy vậy, PGS. TS Khang cũng thừa nhận, đây là giải pháp tức thời chứ không phải lâu dài. Chưa khẳng định thời gian tồn tại và bền vững là bao lâu, nhưng chắc chắn.

Theo quy hoạch, đến năm 2015, Hà Nội sẽ xây dựng cầu vượt tại các nút giao thông Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - đường Láng, Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đông, Bắc Thăng Long - Nam Đồng, Nguyễn Sơn - Nguyễn Văn Cừ và cải tạo, mở rộng các nút Kim Mã - Liễu Giai, đường 69 - Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng...

Thực tế việc xây dựng các cây cầu vựơt ở Hà Nội trong những năm qua cho thấy, sau khi thành phố đổ tiền tỷ vào xây dựng 3 cây cầu vượt tại: Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng và cầu vượt Mai Dịch, đã giảm tải đáng kể việc ùn tắc giao thông tại các nút này.

Trao đổi với VnMedia về hiệu quả của các cây cầu vượt nhẹ Hà Nội đang xây dựng để chống ùn tắc, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng cho biết, giải pháp nào muốn có hiệu quả trong thực tế thì đều phải nằm trong các giải pháp tổng thể, đồng bộ và khách quan. Trong tất cả lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế đều phải theo quy luật đó. Hiện nay, trong vấn đề giao thông cũng đều phải như vậy.

Cùng với giải pháp điều chỉnh giờ làm, mở rộng đường sá… thì việc xây dựng các cây cầu vượt nhẹ để giảm đối đầu trực tiếp giữa các luồng giao thông cũng hết sức cần thiết nhất là những chỗ có mật độ người tham gia giao thông lớn.

Hơn nữa, việc xây dựng các cây cầu vượt nhẹ bằng thép lần này đã được rút kinh nghiệm từ các cây cầu vượt trước đó: Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng…sẽ mang lại kết quả tốt hơn, giá thành rẻ và thiết thực hơn, đáp ứng được nhu cầu hiện tại của sự phát triển kinh tế, xã hội.

“Ở các nước người ta có kinh nghiệm làm cầu vượt thì người ta xây những cây cầu nhiều tầng. Hiện nay chúng ta đang phải giải bài toán ùn tắc giao thông bằng các biện pháp tình thế nên bắt buộc phải xây dựng các cây cầu này. Tuy nhiên, do được xây dựng bằng kết cấu nhẹ khi cần có thể điều chỉnh dễ dàng”, PGS.Ts Hùng cho biết.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc