Hà Nội: Người đi bộ khó “đòi” được vỉa hè

16:24, 27/02/2012
|

(VnMedia) - Thời gian gần đây, Hà Nội đang quyết liệt với tình trạng trông giữ xe trên vỉa hè và dưới lòng đường, đồng thời, Chủ tịch UBND Thành phố cũng kêu gọi báo chí và người dân cùng vào cuộc lập lại kỷ cương đô thị. Tuy nhiên…

 

Bắt đầu kể từ ngày 1/2/2012, Hà Nội đã quyết định cấm trông giữ xe trên vỉa hè và dưới lòng đường nhằm thiết lập lại trật tự, kỷ cương đô thị theo hướng “lòng đường cho phương tiện, vỉa hè cho người đi bộ”. Dù vẫn còn nhiều bất cập, thậm chí gây phản ứng của người dân vì chưa có sự chuẩn bị kỹ càng cho phương án thay thế chỗ để xe, tuy nhiên đây vẫn thực sự là một chủ trương đúng đã được đa số người dân mong đợi từ lâu. Đúng như kiến trúc sư Trần Huy Ánh đã nói, đây là một biện pháp “sốc” nhưng cần thiết.

 

Tuy nhiên, với cách mà Hà Nội đang làm, nhiều người đã tỏ ra hoài nghi về kết quả mà Thành phố đang “quyết tâm” thực hiện, bởi, quan sát trên đường phố, ai cũng có thể thấy rằng, ngay cả những tuyến phố không hề được cấp phép để trông giữ xe thì vỉa hè cũng hầu như chưa từng là của người đi bộ.

 

Thói quen tùy tiện của người dân, kiểu tận dụng “tấc đất tấc vàng” của những nhà mặt phố, cách quản lý “bắt cóc bỏ đĩa” của chính quyền phường, quận… đã khiến từ lâu, vỉa hè công cộng trở thành “của riêng”.

 

Điển hình ở Hà Nội, và có lẽ không ai không thấy “nhức mắt”, đó là phố Đê La Thành. Nếu có một câu đố khó nhất cho người Hà Nội, thì đó là “đố bạn đi bộ được trên vỉa hè phố Đê La Thành”. Con phố này nằm trong diện “cấm để xe, buôn bán trên vỉa hè” ngay từ đợt đầu tiên của Hà Nội (năm 2008) và tiếp tục được liệt vào “danh sách đen” của lần cấm này.

 

Tuy nhiên, mọi lệnh cấm dường như đã bị vô hiệu hóa ở con phố mà từ sáng đến đêm, nếu đi qua đây mà không bị tắc đường thì quả là một sự may mắn lớn. Các chủ cửa hàng kinh doanh ở đây không chỉ dùng vỉa hè để xe, bầy hàng, mà họ còn dùng nó như một phần của “xưởng sản xuất”. Và để phục vụ cho các xưởng sản xuất này, những chiếc xe ba bánh, loại xe đã bị Hà Nội cấm từ lâu, cũng ùn ùn chở hàng đi và đến. Đã thế, cứ tối đến thì không biết ở đâu bỗng xuất hiện hàng trăm người bày bán đủ mọi mặt hàng, và cảnh mua bán diễn ra tấp nập cứ như ở một khu chợ đêm chính thống vậy.

 

Hay như con phố được mệnh danh là “đắt nhất hành tinh” – phố Kim Liên mới, thì cho dù người ta có không trông xe đi nữa, nhưng những hàng rửa xe nhếch nhác suốt ngày phun nước ngập đường, không hiểu rồi đây có bị cấm?

 

Nếu kể ra thì nhiều lắm. Ví dụ như phố Hàm Long, nhiều năm nay đâu có dùng làm bãi gửi xe, nhưng vỉa hè thì lúc nào cũng được bịt kín bởi bàn ghế, lọ, bình… Rồi thì phố Lương Văn Can, phố Hàng Cân… đồ chơi lúc nào cũng bày ra sát tận lòng đường; Phố Cầu Gỗ với những hàng giày dép, phố Kim Ngưu với những hàng chậu hoa cây cảnh; phố Phùng Hưng với những hàng lẩu bình dân lúc nào cũng đông nghịt khách, phố Lý Quốc Sư với hàng bánh gối và rất, rất nhiều hàng trà chanh; phố Đinh Liệt lúc nào cũng ngồn ngộn những khăn và áo…

 

Trên đây chỉ là vài con phố điển hình về tình trạng lộn xộn, lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ mà chẳng liên quan gì đến việc giữ hay không giữ, trông hay không trông xe đạp, xe máy, ô tô. Và người ta cũng đồ rằng, với những phố đang có các bãi gửi xe sắp được dẹp đi, rồi đây nó sẽ lại có thể bị thay thế bởi những thứ mà sự cản trở giao thông cũng chẳng kém gì những chiếc xe máy.

 

Đó là chưa kể, với kiểu “cấm chỗ nọ, phình chỗ kia”, “bịt chỗ nọ, tắc chỗ kia”, những chiếc ô tô, xe máy bị lấy mất chỗ mà chúng vẫn đỗ trước đây, chắc chắn phải đi tìm những “bến đỗ mới”, chẳng đâu khác, chính là những con phố không nằm trong diện cấm lần này.

 

Tất nhiên, điều đó sẽ được khắc phục nếu như lần này, Hà Nội vừa cương quyết, vừa có cách làm khoa học. Bởi nếu không, đúng như KTS Trần Huy Ánh trao đổi với VnMedia: “Với những vấn nạn giao thông ngày một gia tăng, nếu ta cứ đối phó bằng những giải pháp cũ rích, con người, công cụ... mà trong quá khứ đã không giải quyết được thì đừng hy vọng lặp lại với quyết tâm cao, cực đoan hơn mà lại có kết quả tốt hơn”.

Sau đây là một số hình ảnh do PV VnMedia ghi lại về tình trạng lộn xộn thường thấy ở các vỉa hè của Hà Nội nhưng không liên quan gì đến việc trông giữ hay để xe máy, ô tô:

 Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa
 
 Ảnh minh họa
 
 Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa
 
 Ảnh minh họa


Xuân Hưng - (ảnh: Ngọc Lân)

Ý kiến bạn đọc