(VnMedia) - Hà Nội vừa có hàng loạt chỉ đạo đến các Sở, ban, ngành, quận huyện xung quanh việc giao đất cũng như công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất…
Thanh tra lại công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hồng Khanh, kết quả thanh tra công vụ và việc chấp hành các quy định của pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN) cho hộ gia đình, cá nhân tại một số quận, huyện như Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Gia Lâm, Sóc Sơn, Từ Liêm, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Ba Vì, Thanh Oai, Ứng Hòa, Thường Tín, Mỹ Đức, Mê Linh và thị xã Sơn Tây theo hình thức tự thanh tra và xử lý theo thẩm quyền quy định của pháp luật cho thấy, tất cả các quận, huyện thị xã đều không đảm bảo tiến độ kế hoạch thanh tra, nội dung thanh tra không sâu, không cụ thể. Kết quả mới chỉ rà soát, báo cáo tình hình thực hiện mà không làm rõ được các vi phạm, tồn tại của công tác này trên địa bàn nên không có giải pháp xử lý, khắc phục, không đáp ứng được yêu cầu, mục đích của Thành phố.
Nguyên nhân được ông Vũ Hồng Khanh chỉ ra rằng, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, lãnh đạo UBND các phường, xã thị trấn nhìn chung chưa nhận thức sâu sắc về công tác cấp GCN, chưa có biện pháp quyết liệt chỉ đạo công tác này.
Vì vậy, UBND TP giao Sở TN&MT hoàn thiện báo cáo kết quả thanh tra công vụ và việc chấp hành các quy định của pháp luật về cấp GCN, đề xuất các biện pháp xử lý, khắc phục tồn tại. Giao Sở TN&MT thanh tra lại một số quận huyện, phường, xã có kết quả cấp GCN yếu kém, có kết quả thanh tra công vụ không đạt yêu cầu, báo cáo UBND TP trước ngày 15/3/2012.
Hồ sơ địa chính là công cụ quan trọng trong quản lý đất đai, tuy nhiên, Theo UBND TP, việc hồ sơ địa chính tại địa phương chưa đầy đủ, chưa được cập nhật biến động thường xuyên đã ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai nói chung và công tác cấp GCN nói riêng. Trong khi đó, TP cần có thời gian để hoàn thiện hồ sơ địa chính theo dự án được duyệt, do đó trước mắt TP giao Sở TN&MT nghiên cứu, xây dựng, chuẩn hóa hồ sơ số liệu địa chính tối thiểu tại cấp xã để phục vụ yêu cầu quản lý đất đai, báo cáo UBND TP trong tháng 3/2012.
Về hạn mức công nhận đất ở, TP giao Sở TN&MT khẩn trương làm thủ tục bổ sung, điều chỉnh Quyết định số 58/2009-QĐ-UBND ngày 30/3/2009 của UBND TP về hạn mức giao đất ở mới, hạn mức công nhận đất ở đối với thửa đất có vườn ao, liềnkề cho phù hợp với đặc thù tại một số địa phương, báo cáo UBND TP trong tháng 2.
Giao Sở TN&MT chủ trì cùng với Sở Tư pháp nghiên cứu đề xuất UBND TP chỉ đạo việc chia tách thửa đối với những thửa đất chưa có GCN quyền sử dụng đất khi chủ hộ chia cho các con sử dụng (không phải là trường hợp chuyển nhượng), làm cơ sở lập hồ sơ cấp GCN theo quy định, báo cáo kết quả về UBND TP.
Sở TN&MT cùng với Sở QH&KT, Sở NN&PTNT kiểm tra, đề xuất việc xác định hành lang bảo vệ đê đã xác định theo pháp luật đê điều, thay cho hành lang bảo vệ đê đã xác định theo Pháp lệnh đê điều, báo cáo UBND TP xem xét, chỉ đạo, làm căn cứ cho các địa phương xét cấp GCN quyền sử dụng đất.
Lãnh đạo các địa phương chưa nhận thức sâu sắc về công tác cấp GCN - ảnh minh hoạ |
TP giao Cục thuế chủ trì, phối hợp cùng Sở Tài chính, Sở TN&MT khẩn trương nghiên cứu, đề xuất văn bản hướng dẫn, chỉ đạo việc xác định hạn mức giao đất và thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp vượt hạn mức theo quy định tại Nghị định 120/2010-NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ khi cấp GCN; nghiên cứu, đề xuất chế tài xử lý đối với các trường hợp đã được cấp GCN nhưng hộ dân không đến nhận và thực hiện nghĩa vụ tài chính (sau khi cơ quan có thẩm quyền thông báo nhiều lần).
Đối với nhà tự quản, TP giao Sở Xây dựng tiếp tục kiểm tra, rà soát và làm thủ tục tiếp nhận nhà tự quản để quản lý, thực hiện Nghị định 61/CP theo quy định. Đối với các trường hợp không còn cơ quan quản lý thì thông báo công khai về việc nhà nước sẽ tiếp quản, quản lý khu nhà theo quy định và tổ chức quản lý thực hiện Nghị định 61/CP theo quy định.
Chấn chỉnh, rà soát việc cưỡng chế thu hồi đất
Cũng trong ngày 28/2, UBND TP đã có văn bản yêu cầu chấn chỉnh, rà soát công tác quản lý nhà nước về đất đai, về thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất.
Theo đó, TP giao Sở TN&MT chủ trì cùng Sở Tư pháp, Thanh tra TP kiểm tra, rà soát, đề xuất xử lý, báo cáo UBND TP ngay trong tháng 3 về việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đấ theo quy định tại các Điều 38, 39, 40 Luật đất đai năm 2003 và thu hồi đất khi thực hiện các kiến nghị, quyết định tại bản án có hiệu lực pháp luật của toà án, báo cáo, đề xuất xử lý các trường hợp vướng mắc, bất cập; kiểm tra, rà soát các thủ tục về xử phạt hành chính, cưỡng chế thu hồi đất đối với các trường hợp thu hồi đất nêu trên đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân, hộ gia đình không chấp hành quyết định thu hồi đất.
Sở TN&MT cũng đồng thời chủ trì cùng UBND các quận, huyện và thị xã Sơn Tây (nơi có các tuyến sông) kiểm tra, rà soát việc giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất tại khu vực bãi bồi ven sông, trên sông, đề xuất biện pháp chấn chỉnh, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, báo cáo UBND TP trước ngày 10/3.
Thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng thu hồi đất phục vụ triển khai các dự án trên địa bàn.
Tạo điều kiện có lợi nhất cho người bị thu hồi đất
Liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Hồng Khanh vừa chỉ đạo: Kết quả thực hiện nhiệm vụ về giải phóng mặt bằng là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá thi đua, khen thưởng hàng năm của địa phương, đơn vị. Trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thu hồi đất, phải đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng, đúng trình tự, thủ tục, vận dụng tối đa các chính sách của Nhà nước đảm bảo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có lợi nhất cho người bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật, tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dânhiểu và tự nguyện chấp hành bàn giao đất theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho các cơ quan thông tin đại chúng các nội dung liên quan về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thu hồi đất để tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội.”
Đối với trường hợp phải cưỡng chế để thu hồi đất theo quy định, UBND cấp huyện chỉ đạo phòng, ngành chuyên môn tập trung phối hợp với các cơ quan nội chính rà soát các quy trình, thủ tục, hồ sơ liên quan đảm bảo chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, trao đổi ý kiến với các Sở, ngành chuyên môn về các vướng mắc vượt thẩm quyền. Báo cáo cấp uỷ Đảng để chỉ đạo, giám sát các tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục thực hiện các biện pháp về tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dân tự nguyện bàn giao đất cho Nhà nước.
Trong quá trình thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, đồng thời tiếp tục thực hiện tuyên truyền, vận động, thuyết phục cá biệt đối với người có đất bị thu hồi; sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ, hỗ trợ di chuyển… khi người dân hợp tác, tự nguyện bàn giao đất.
Ý kiến bạn đọc