(VnMedia)- Cuối những năm 1960, với việc phát minh ra máy nội soi dùng sợi quang học, ngành y học nội soi đã ra đời như một “cuộc cách mạng” trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Người có công đưa về và phát triển kỹ thuật hiện đại này tại Việt Nam là cố GS. TSKH. Đặng Ngọc Ký.
Giải thưởng 400 cây vàng và những thiết bị nội soi đầu tiên ở Việt Nam
Giáo sư Đặng Ngọc Ký sinh năm 1930 trong một gia đình nghèo hiếu học tại xã Hoằng Cát, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. 17 tuổi, ông tham gia khóa học sư phạm cao cấp. 19 tuổi ông trở thành giáo viên toán cấp 3 thuộc Ty giáo dục Thanh Hóa. Cuộc đời ông có lẽ sẽ gắn bó với nghề giáo nếu như ông vẫn không nguôi đau đáu trong mình mong muốn trở thành một bác sỹ để góp sức mình giảm bớt nỗi đau của đồng bào, đồng chí do chiến tranh và bệnh tật mang lại. Cơ hội thực hiện mong muốn đến với ông năm 1954, khi tỉnh Thanh Hóa được lựa chọn một số cán bộ đào tạo Đại học Y để tăng cường bác sỹ chiến trường. Ông trúng tuyển và tham gia khóa đào tạo bác sỹ. Năm 1959, ông tốt nghiệp, ra trường, được phân công làm Đội trưởng Đội cấp cứu phòng không không quân, sau đó làm Trưởng phòng chuyên môn của Viện Sốt rét Trung ương. Ông cùng các y bác sỹ của viện đi hầu hết các chiến trường, cấp cứu và điều trị cho hàng nghìn thương binh và nhân dân địa phương, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về người bác sỹ chiến trường hết lòng vì người bệnh.
Rồi cuộc đời ông lại có bước ngoặt lớn, năm 1965, theo yêu cầu việc đào tạo bác sỹ trình độ cao phục vụ đất nước, bác sỹ trẻ Đặng Ngọc Ký được cử đi học nghiên cứu sinh tại CHDC Đức, năm 1971, ông bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học chuyên ngành nội soi đạt kết quả xuất sắc, trở thành một trong những tiến sỹ khoa học y học đầu tiên của Việt Nam.
GS-TSKH Đặng Ngọc Ký (bên trái)- Ảnh gia đình cung cấp. |
Trong thời gian làm nghiên cứu sinh và sau này làm chuyên gia cho nước bạn, TS. Đặng Ngọc Ký đã trực tiếp thực hiện các kỹ thuật nội soi chẩn đoán, phẫu thuật và các thủ thuật thông tim mạch cho hơn 3.000 bệnh nhân, được các nhà khoa học nước bạn đánh giá cao về trình độ tinh thông kỹ thuật. Giáo sư Gutz, Giám đốc Bệnh viện đa khoa - Viện Hàn lâm khoa học CHDC Đức nhận định: "Về nội soi, anh Ký, người bạn và người đồng nghiệp quý mến của chúng tôi rất tinh thông kỹ thuật, xác định và chẩn đoán một cách chính xác. Ở lĩnh vực này, anh hoàn toàn là một chuyên gia". Còn GS. Porstmann, Viện trưởng Viện Tim mạch - Trường Đại học Humboldt - Berlin nhận xét: “Anh Ký là một đồng nghiệp rất chân thành và được mọi người quý mến. Tại đây anh đã nghiên cứu cơ bản phương pháp thông tim mạch, đã tự một mình thực hiện hầu hết các thủ thuật một cách vượt mức và đã có kiến thức rộng lớn chỉ định phương pháp thông tim và thông mạch”.
GS Đặng Ngọc Ký và vợ- Ảnh gia đình cung cấp. |
Quá trình nhiều năm khám và chữa bệnh ở Đức, ông đã làm việc tận tụy, chu đáo, chính xác không để xảy ra một tai biến nào. Với những cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân Đức, ông được Nhà nước CHDC Đức tặng hai giải thưởng với số tiền tương đương 400 cây vàng. Số tiền đó quá lớn đối với ông, nhưng điều lạ là ông đã không dành phần nào cho mình. Ông đã dùng toàn bộ số tiền thưởng để mua các thiết bị nội soi dạ dày, đại tràng ống mềm, trực tràng, khí quản, ổ bụng nguồn sáng lạnh, những thiết bị mà thời điểm đó bất kỳ một bệnh viện lớn nào cũng mong muốn có được, mang về nước với ước mơ xây dựng một Trung tâm Nội soi hiện đại cho quê hương. Từ thời điểm đó, ông đã “ký thác” cuộc đời mình cho việc xây dựng và phát triển ngành y học nội soi ở nước ta.
Chặng đường một phần ba thế kỷ và một quyết tâm xuyên suốt: “Đề cao y đức, phát triển chuyên môn, tận tâm, tận lực vì người bệnh”.
TS. Đặng Ngọc Ký về nước 1973, theo lời mời của cố Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Trần Quốc Hoàn, ông về công tác trong ngành y tế Công an nhân dân.
GS Đặng Ngọc Ký cùng kíp mổ- Ảnh gia đình cung cấp. |
Lúc đó kỹ thuật nội soi quá mới, quá “thần kỳ” khiến ngay cả các bác sĩ trong nước cũng thấy vừa khó tin, vừa tò mò háo hức. Thời gian đầu, TS Đặng Ngọc Ký phải mất khá nhiều công sức để giải thích thế nào là nội soi, từng bước xây dựng giáo trình và giảng dạy nội soi cho các y, bác sỹ. Niềm say mê của ông truyền cảm hứng cho nhiều đồng nghiệp và các lứa học trò, họ cùng ông “rồng rắn” vác máy soi đi nhiều nơi trong cả nước, mang những tiến bộ của nội soi để thăm khám và điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân. Và ông đánh dấu những mốc đáng nhớ trong lịch sử ngành nội soi Việt Nam khi tháng 11-1973, ông triển khai ca nội soi đầu tiên trong ngành y tế Công an tại Bệnh viện 367 (nay là Bệnh viện 198) và năm 1974 ứng dụng kỹ thuật nội soi lần đầu trong ngành y tế Quân đội tại Viện Quân y 108, Quân y 103, Quân y 354, Bệnh viện phòng không không quân. Năm 1979, với vai trò là thành viên hội chẩn của Ban bảo vệ sức khỏe Trung ương, ông triển khai lần đầu tiên kỹ thuật nội soi tại Bệnh viện Việt Xô.
Năm 1985, ông hoàn thành hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng đối với sự ra đời và phát triển ngành nội soi tại Việt Nam: “Dị biến tiền ung thư dạ dày” và “Phương pháp cắt bỏ polyp đại tràng qua ống soi”. Trong văn bản đề nghị giải thưởng quốc gia năm 1985, Hội đồng nghiệm thu hai đề tài đánh giá: “Đây là hai công trình đầu tiên ở nước ta có tầm cỡ khoa học sáng tạo cao, mang tính thời đại, đã được kiểm chứng trong thực tiễn lâm sang với độ chính xác cấp 3 trên cơ sở nhiều phương pháp chẩn đoán hiện đại”.
GS Đặng Ngọc Ký và Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng- Ảnh gia đình cung cấp |
Năm 1987, hạnh phúc lớn lao đến với ông, được sự nhất trí và ủng hộ của Hội đồng Bộ trưởng, Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ, Ủy ban khoa học Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ra quyết định thành lập Trung tâm Nội soi do ông làm giám đốc Hội đồng khoa học của Trung tâm với 82 giáo sư, bác sỹ đầu ngành thuộc nhiều lĩnh vực do GS. Phạm Song - Bộ trưởng Bộ Y tế làm Chủ tịch Hội đồng. Cũng trong năm đó, dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Nội soi do ông khởi xướng đã được phê duyệt đưa vào danh sách viện trợ của Liên hợp quốc và một ngôi nhà 3 tầng khang trang với nhiều trang thiết bị hiện đại đã được xây dựng.
Trên cơ sở đó, ông đã cùng các giáo sư, bác sỹ Hội đồng khoa học và cán bộ nhân viên của Trung tâm nghiên cứu, triển khai nhiều kỹ thuật nội soi hiện đại cho hàng vạn bệnh nhân, mở nhiều lớp đào tạo bác sỹ chuyên khoa nội soi cho ngành y tế quân dân y, hướng dẫn, giúp mở nhiều đơn vị nội soi, khoa nội soi cho các bệnh viện. Ông luôn quán triệt cho nhân viên của mình phương châm phục vụ người bệnh: “Đề cao y đức, phát triển chuyên môn, tận tâm, tận lực”.
Năm 1992, nhân dịp tổng kết 5 năm xây dựng và phát triển Trung tâm Nội soi, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã đánh giá: “Quá trình xây dựng và phát triển Trung tâm Nội soi của GS. TS. Đặng Ngọc Ký và tập thể cán bộ nhân viên Trung tâm Nội soi cũng như sự hợp tác đông đảo của giáo sư và chuyên viên các ngành y tế quân dân y đã góp phần cống hiến quan trọng cho sự nghiệp y học nước ta. Đảng và Nhà nước đánh giá cao lòng nhân ái, đức tính cần cù lao động và thành tựu khoa học kỹ thuật của tập thể cán bộ nhân viên Trung tâm Nội soi”.
Năm 1993, trong văn bản gửi các Bộ, ngành, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã chỉ thị: “Đây là một ngành khoa học mới, có tác dụng tốt phục vụ yêu cầu bảo vệ sức khỏe của cán bộ nhân dân và lực lượng vũ trang trong cả nước. Ban Tổ chức cán bộ cùng các cơ quan có liên quan nghiên cứu đề nghị của GS. Đặng Ngọc Ký để giúp cho ngành Nội soi đủ đáp ứng yêu cầu trong nước và từng bước mở rộng quan hệ hợp tác với nước ngoài, làm tờ trình để HĐBT xem xét quyết định”.
Năm 1995, Trung tâm Nội soi Bộ Nội vụ được chuyển sang Bộ Quốc phòng để thành lập Viện Nội soi quân đội, ông được điều động sang giữ chức vụ Viện trưởng. Năm 2000, Viện Nội soi quân đội được chuyển sang trực thuộc Bộ Y tế để xây dựng thành Viện Nội soi quốc gia đúng mong ước của Giáo sư.
Hơn 1/3 thế kỷ, ngoài việc đã hoàn thành mục tiêu của cuộc đời mình là xây dựng nền móng cho ngành nội soi tại Việt Nam, Giáo sư Đặng Ngọc Ký đã hoàn thành một khối lượng nghiên cứu đồ sộ với 87 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó 02 đề tài khoa học cấp Nhà nước được đánh giá là một trong những thành tựu y học xuất sắc, 13 đề tài khoa học cấp Bộ, 35 đề tài được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, báo cáo trong các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế, được Ủy ban khoa học Nhà nước cấp 11 bản quyền tác giả cho 11 công trình nghiên cứu, 2 lần được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng Huy hiệu và Bằng lao động sáng tạo cho 12 công trình, vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đến nay, ngành y học nội soi ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, đồng nghiệp và những thế hệ học trò của ông đang tiếp tục học tập, nghiên cứu, phát triển kỹ thuật nội soi hiện đại phục vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân. Có những người thầy thuốc như thế, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào tương lai tươi sáng của ngành y học nội soi tại Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc