'Đổi giờ không phải là phép thần để chống ùn tắc'

16:58, 07/02/2012
|

(VnMedia) - “Đổi giờ là giải pháp mang tính chất tình thế trong các giải pháp tổng thể để chống ùn tắc giao thông. Việc đổi giờ hiện có tác dụng nhưng không thể là phép thần để chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội trao đổi.

>>>Học sinh Hà Nội mệt mỏi vì đổi giờ

>>>Nhiều phố ùn tắc trở lại ngày sinh viên tựu trường
 

Chiều 7/2, trao đổi với báo chí tại cuộc giao ban thường kỳ hàng tuần do Thành uỷ Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, việc điều chỉnh giờ làm, giờ học là một giải pháp mang tính tình thế trong tổng thể các giải pháp về chống ùn tắc giao thông của thành phố như: xây dựng cầu vượt, mở mang đường sá, phát triển giao thông công cộng, xây dựng tàu điện ngầm… vì thế giải pháp này không thể là phép thần để có thể giải quyết ùn tắc giao thông.
 
Theo ông Giám đốc Sở Giao thông vận tải, nếu thành phố chỉ triển khai một giải pháp đổi giờ làm, giờ học để chống ùn tắc thì sẽ không thể thay thế được cho các giải pháp khác. Muốn giải quyết bài toán ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô cần phải kết hợp tất cả các giải pháp trên.
 
Người đứng đầu Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, việc thay đổi, điều chỉnh giờ làm, giờ học đã được đơn vị này nghiên cứu kỹ và có tiếp thu ý kiến của các ban, ngành liên quan cùng ý kiến của người dân trước khi thực hiện. Tuy nhiên, khi thực hiện vẫn ảnh hưởng tới một bộ phận người dân.
 
“Hiện Thành uỷ Hà Nội đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu các hạn chế, tiến hành điều chỉnh những bất cập, để hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng tới đời sống người dân từ việc thay đổi giờ làm này”, ông Hùng cho biết.

 Ảnh minh họa
Mặc dù đã thay đổi giờ làm, giờ học, gây xáo trộn đời sống người dân Thủ đô nhưng nhiều tuyến phố Hà Nội vẫn ùn tắc như thường ngày. Ảnh: Xuân Tùng

Về việc tổ chức thực hiện, ông Hùng cho biết, sau khi Hà Nội đưa biện pháp đổi giờ vào thực hiện, mặc dù hiện có nhiều ý kiến khác nhau về hiệu quả của biện pháp đổi giờ nhưng việc đổi giờ đã có tác dụng tích cực trong việc giảm ùn tắc giao thông.
 
“Tuy không thể giải quyết hết các điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố nhưng số điểm ùn tắc giao thông có giảm. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi để đánh giá chính xác hiệu quả cũng như khắc phục những hạn chế”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải khẳng định.
 
Trước kiến nghị của một số trường đại học về việc điều chỉnh giờ tan trường sớm lên 18h cho học sinh, sinh viên đỡ vất vả, ông Hùng cho biết, việc này thành phố đã giao Sở Giáo dục đào tạo nghiên cứu, báo cáo thành phố để thống nhất quan điểm. Riêng Sở Giao thông vận tải tán thành việc điều chỉnh giờ của học sinh, sinh viên để phù hợp hơn với từng đối tượng liên quan.
 
Trước chất vấn của VnMedia về việc theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, việc thay đổi giờ làm, giờ học do Hà Nội đang áp dụng nếu hiệu quả tốt nhất cũng chỉ giảm được 5% số vụ ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, ông Giám đốc Sở Giao thông vận tải khẳng định, Sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học.
 
“Hiệu quả của giải pháp đổi giờ này thế nào thì chúng tôi còn đang theo dõi và sẽ đưa ra đánh giá trong thời gian tới. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá cao ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia. Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo với các chuyên gia, nhà khoa học để đánh giá lại hiệu quả của biện pháp đổi giờ này”, ông Giám đốc Sở Giao thông vận tải trả lời câu hỏi của
VnMedia.
 
Tại cuộc giao ban báo chí, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, sơ bộ sau 5 ngày thành phố thực hiện biện pháp thay đổi giờ làm, giờ học, tình hình đi lại trên các tuyến đường của Thủ đô bước đầu đã có những cải thiện rõ rệt. Trên một số tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc, mật độ giao thông trong giờ cao điểm đã giảm đáng kể: Trường Chinh, Chùa Bộc, Tây Sơn, Phạm Ngọc Thạch, Đại La, Trương Định, Nguyễn Trãi, Nguyễn Lương Bằng, Xuân Thuỷ, Cầu Giấy….
 
Theo ông Tân, trong những ngày thành phố đổi giờ làm, mạng lưới vận tải hành khách công cộng hoạt định ổn định đúng theo kế hoạch vận hành, lưu lượng người đi xe buýt được giãn ra, vì thế các xe buýt không bị qúa tải như trước, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân; đồng thời góp một phần lớn trong công tác giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
 
“Vào các buổi sáng giao thông thành phố thông suốt, các phương tiện lưu thông ổn định. Tuy nhiên, vào các buổi chiều vẫn xảy ra ùn tắc cục bộ tại một số tuyến phố chạy qua các trường tiểu học, trung học cơ sở do bố mẹ chờ đón học sinh đứng tràn xuống lấn chiếm lòng đường”, ông Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội khẳng định.

Theo quyết định của thành phố, từ ngày 1/2, 10 quận nội thành và 2 huyện Từ Liêm, Thanh Trì bắt đầu thực hiện đổi giờ học, giờ làm. Theo đó, các trường ĐH, CĐ, THCC, dạy nghề, THPT bắt đầu học từ trước 7h, kết thúc sau 19h. Các trường mầm non, tiểu học, THCS học từ 8h và kết thúc vào 17h (phải bố trí người tiếp nhận học sinh từ 7h30 và quản lý học sinh đến 17h30).


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc