Có ai hận bố mẹ như tôi không?

19:41, 11/02/2012
|

(VnMedia) - Phận làm con phải giữ chữ hiếu làm đầu. Thế nhưng, nhiều người đã không thể hiếu kính với cha mẹ của mình, mặc dù họ không phải là những kẻ tồi tệ. Mang nỗi hận cha mẹ là một điều đau đớn, là một gánh nặng mà muốn xóa nó đi không phải là điều dễ làm…

 

Mỗi khi báo chí đưa tin về một trường hợp con cháu bất hiếu đối với bố mẹ, ông bà, dư luận ngay lập tức lên tiếng phản ứng dữ dội với những lời lẽ hết sức nặng nề. Đây là một phản ứng tốt, chứng tỏ giá trị đạo đức vẫn đang được hầu hết mọi người coi trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những uẩn khúc mà chỉ người trong cuộc mới biết được.

 

Là người Việt Nam, không ai không biết những câu như “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”; hoặc “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”; rồi: “Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ, Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”… Có lẽ, đây chính là câu nói góp phần dẫn dắt tư tưởng và tình cảm của những người con đối với đấng sinh thành, giúp cho những người con hiểu được công ơn trời bể của cha mẹ. Có điều, thực tế không phải người cha, người mẹ nào cũng làm được như vậy.

 

Chúng ta đã từng thấy rất nhiều trường hợp bố mẹ bạo hành con cái mà báo chí đã đưa tin, hay những vụ bố mẹ lợi dụng con cái, bắt đi ăn xin để nuôi bố mẹ, thậm chí có người bán cả con vào động quỷ hay hãm hiếp ngay chính con ruột của mình.... Vậy thì, khi lớn lên những đứa con ấy sẽ ra sao? liệu chúng có thể “báo hiếu” cha mẹ với một lòng thành kính?

 

Tuy nhiên, đó là những trường hợp điển hình và rất rõ ràng. Nhưng còn nhiều trường hợp mà những người trong cuộc không dễ gì bày tỏ. Những vết thương lòng mà hầu như không có thuốc gì chữa được, cứ chờ có cơ hội là rỉ máu. Nó cứ như những lưỡi dao, dù rất nhỏ, nhưng mỗi ngày cứ cứa vào tim những người trong cuộc.


 Ảnh minh họa
 

M. là con gái của một vị có chức sắc, nhưng mẹ cô vì không chịu được cảnh chồng suốt ngày đi công tác nên đã bỏ con đi theo người đàn ông khác, để 2 anh em tự trông nhau. Rồi một ngày, cô bị chính người anh trai của mình chiếm đoạt. M đem chuyện kể với bố, nhưng ông không tin, cho rằng cô bịa đặt. Đau khổ, chán chường, M bỏ nhà lang thang, rồi có con với một người đàn ông. Cô đem con về nhà bố, ông này liền mang đứa trẻ đem cho người khác nuôi. Từ đó, M bỏ đi làm gái, rồi lừa đảo, vào tù ra tội.

 

Bố M về già mắc đủ thứ bệnh, nào tiểu đường, xơ gan… quanh năm nằm viện, nhưng M chẳng bao giờ về thăm bố. Ông bố, cũng chưa từng ân hận vì đã đẩy con gái vào đời, chỉ biết kể lể với mọi người là con gái bất hiếu. Và vì ông từng là cán bộ cấp cao nên ai cũng tin ông chứ không bao giờ tin lời đứa con, một kẻ đang sống dưới đáy xã hội như M.

 

Cách đây 3 năm, M lại sinh một đứa con trai nữa. Lần này, cô quyết định giữ lại và tự mình nuôi con. Rồi M bị bắt vào trại 05-06 vì tội đứng đường. Cô mang theo cả đứa con vào trại. Lần đầu tiên trong đời, M kể chuyện mình cho cán bộ quản giáo nghe. Được khuyên nhủ, M bỏ nghề để làm lại cuộc đời. Cô xin ở lại luôn trong trại làm cấp dưỡng. Con của cô cũng được đi học. Cuộc đời M đã sang trang khác, cô đã biết yêu thương, và đem tình thương san sẻ cho những người bất hạnh khác. Nhưng M không bao giờ tha thứ cho người anh, người bố của mình. Cô nói rằng, ngay cả khi ông ta chết, cô cũng sẽ không bao giờ trở về.

 

Trong khi đó, chia sẻ trên một diễn đàn, một phụ đã kể về nỗi hận đối với bà ngoại của mình bằng một câu mở đầu đầy đau khổ như thế này: “Chắc tôi là một đứa cháu bất hiếu với bà ngoại của tôi, vì mỗi lần tôi mở miệng kêu bà bằng bà ngọai thì tôi lại thấy khinh bản thân mình, rằng sao có thể lừa dối bản thân như thế” và kết thúc như thế này: “Đã rất nhiều lần tôi tự hỏi, có nên tha thứ cho bà?, thôi thì dù sao bà cũng đã sinh ra mẹ tôi. Nhưng cứ nhớ đến cảnh bà phân biệt đối xử, nhớ cảnh con em tôi mới mùng 3 tết bắt xích lô chạy về, nước mắt như mưa vì bị bà chửi rủa… nhớ cảnh bà từ Sài Gòn về chơi, mua biết bao là quà cho các cháu cưng của bà, còn 2 chị em tôi đứng đó nhìn thèm thuồng... là lòng tôi lài tràn lên nỗi oán ghét bà. Những kí ức buồn, muốn quên mà sao khó quá”!.

 

Đây là một phụ nữ mà những năm tuổi thơ đã phải chứng kiến cảnh mẹ mình bị chính mẹ ruột (tức là bà ngoại của chị) phân biệt đối xử với những đứa con riêng của bà với người chồng trước. Rồi chính chị em của chị cũng bị đối xử như vậy. Những hành động thiếu công bằng, những câu chửi rủa, chì chiết… của bà ngoại cứ đeo đẳng chị suốt bao nhiêu năm qua, đến nỗi chị quay sang ghét cả mẹ của mình vì mẹ tuy hận bà mà vẫn qua lại chăm sóc bà.

 

Bất hiếu là một tội rất lớn và chẳng ai muốn mang cái tội tày đình này. Có lẽ vì vậy mà trong đa số trường hợp, dù có những điều ngang trái khiến người nào đó không thể thực tâm yêu kính bố mẹ, ông bà thì họ vẫn cố gắng làm tròn bổn phận làm con, làm cháu

 

Một bạn gái kể, cô đã phải sống suốt những năm thơ ấu với lời chửi rủa của chính mẹ đẻ của mình. Mỗi miếng cơm đều chan đầy nước mắt, khi mẹ toàn dùng những từ như “hốc” hay cho ăn, con đĩ thay cho “con”, rồi thì ăn nọ ăn kia… với những lời hết sức tục tĩu và hằn học. Có lần, chỉ vì cô bị điểm kém mà mẹ cô đã lột trần truồng, bắt cô đứng ra giữa đường để làm nhục mặc dù khi đó cô đã là học sinh cấp III. “Trong sâu thẳm tôi biết mình vẫn hận mẹ dù biết suy nghĩ đó là tội lỗi, vì bà vẫn là người sinh ra tôi, nuôi tôi ăn học cho dù tôi từng thấy mỗi miếng ăn là miếng nhục. Giờ đây tôi đã trưởng thành, và tôi vẫn chăm sóc mẹ chu đáo. Nhưng tôi không bao giờ có thể thương yêu mẹ như những người khác thương yêu mẹ của mình. Có điều, chính bản thân tôi đến giờ vẫn không ngừng đau khổ. Đau khổ vì không được mẹ thương yêu và đau khổ vì không thể thương yêu mẹ” – cô tâm sự.

 

Tình cảm ruột thịt, đặc biệt là tình mẫu tử hay phụ tử là điều mà nhiều người đã thiệt thòi không có được. Cảm giác thiếu thốn, thèm muốn thứ tình cảm thiêng liêng này đã khiến nhiều người đau khổ, có khi còn đầu độc cả cuộc sống sau này của họ. Tha thứ là điều khó, nhưng nếu học, người ta vẫn có thể làm được. Và nếu làm được, lòng sẽ thanh thản hơn để có thể sống tốt hơn.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc