Vinalines không bỏ rơi các thủy thủ mất tích?

06:59, 04/01/2012
|

(VnMedia) - Liên quan đến vụ chìm tàu Queen làm 22 thuyền viên vẫn mất tích, chiều 3/1, ông Lê Anh Sơn, Phó Tổng giám đốc Vinalines cho biết, hiện công tác cứu hộ cứu nạn, tìm kiếm các nạn nhân vẫn đang được tích cực triển khai. Không có chuyện, công ty không có sự nỗ lực trong tìm kiếm các nạn nhân và con tàu mất tích.

>>>Mừng rơi nước mắt vì thủy thủ được cứu sống

>>>Nước mắt người thân vụ tàu Vinalines Queen bị chìm
 

Trao đổi với báo chí, ông Lê Anh Sơn cho biết, tàu Queen được đóng mới cách đây khoảng 5 tháng, rất hiện đại. Khi bị nghiêng thì hòm hàng sẽ tự động đóng, khi tàu chìm sẽ tự phát tín hiệu cấp cứu. Cho nên khi tàu mất tích, phía công ty đã đưa ra nhiều phương án, có thể do mất tín hiệu hoặc lạc vào khu vực quân sự, bị bắt giữ niêm phong toàn bộ nên không liên lạc được...
 
Ngay khi tàu mất tín hiệu, Bộ Giao thông vận tải cũng đã chỉ đạo công ty bằng mọi phương án phải tìm lại tín hiệu, liên lạc vệ tinh truy tìm con tàu mất tích. “Chúng tôi đã nỗ lực làm mọi việc có thể để tìm lại tàu. Tuy nhiên, do sự cố ngoài tầm kiểm soát nên mới dẫn đến việc chậm thông báo cho Trrung tâm cứu hộ cứu nạn nạn”, ông Sơn cho biết.
 
Theo đó, ngay khi sự cố xảy ra, công ty đã phối hợp các bên tìm người, tìm tàu dù là còn hay mất. Tổng Công ty cũng đã ký bảo hiểm với 1 nhà bảo hiểm trong nước, với trị giá 27 triệu đô cho con tàu. Ngoài ra, công ty cũng đã mua bảo hiểm tai nạn cho các thuyền viên. Hiện đang cùng với các nhà bảo hiểm và các bên liên quan để xử lý.
 
Ông Phó Tổng giám đốc cho biết, giá trị con tàu tại thời điểm này thấp hơn giá trị bảo hiểm. "Còn với các thủy thủ, mỗi người đều được Vinalines đóng bảo hiểm với mức 25.000 USD, có khả năng lên tới 40.000 USD. Hiện chúng tôi đang làm việc với các đơn vị bảo hiểm, với mục tiêu là chia sẻ với gia đình người thân có mất mát. Ngoài ra, Tổng Công ty còn có quyên góp để chia sẻ mất mát, khả năng mức thủy thủ được hưởng sẽ không dừng ở mức 40.000 USD", ông Sơn nói.

Ảnh minh họa

                                       Tàu Queen trước khi bị chìm.
 
Theo ông Sơn, chi phí tìm kiếm tàu và các thủy thủ do công ty tự ứng ra. Hiện Tổng Công ty đang phối hợp với Trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và các Trung tâm cứu hộ nước ngoài, liên tục tìm kiếm, đến nay vẫn chưa dừng lại.
 
“Không có chuyện, công ty không có sự nỗ lực trong tìm kiếm các nạn nhân và con tàu mất tích. Sở dĩ công tác cứu hộ mấy ngày đầu chậm là do thời tiết khó khăn nên khó tiếp cận hiện trường”, vị Phó Tổng giám đốc Vinalines khẳng định.
 
Có mặt tại buổi họp báo do Bộ Giao thông tổ chức, ông  Nguyễn Anh Vũ, Tổng Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải (Việt Nam MRCC) cũng khẳng định, đến nay công tác tìm kiếm cứu nạn tàu Queen vẫn đang tiếp tục được thực hiện.

Hiện đơn vị  này vẫn đang liên lạc với tàu thuyền trong khu vực, đề nghị phía Đài Loan, Philippine liên lạc với các tàu thuyền cá chạy nội địa, ven bờ tìm kiếm thuyền viên có thể bị trôi dạt vào nội địa các nước này. Trung tâm cũng đã liên lạc với Đại sứ Việt Nam ở Philippine tìm phương tiện biển phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn.

“Đến thời điểm này, Trung tâm đã trực tiếp liên lạc 1 công ty cứu hộ của Philippine, sẽ thuê bằng được tàu, kể cả phải đề xuất Nhà nước hỗ trợ, bằng mọi phương án, phương pháp nghiệp vụ để tìm kiếm các nạn nhân đến bao giờ không còn khả năng thì mới dừng”, ông Vũ nói.
 
Chủ trì cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, ngay khi nhận được tin mất tích tàu Queen, lãnh đạo Bộ đã trực tiếp chỉ đạo Vinalines phối hợp với các bên để có giải pháp quyết liệt tìm kiếm các nạn nhân.
 
“Bộ cũng chỉ đạo bằng mọi cách tốt nhất, tập trung nguồn lực cao nhất để có các giải pháp tiếp tục tìm kiếm người bị nạn, không phụ thuộc vào chi phí hết bao nhiêu. Con người là vốn quý nhất, chỉ khi nào quá thời hạn mà không thể tìm kiếm thì mới dừng lại”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tàu Vinalines Queen mất tích cùng 23 thuyền viên trên đường vận chuyển 54.400 tấn quặng Nikel từ Indonesia sang Trung Quốc, trên vùng biển thuộc Philippines.

Chiều 26/12, thông tin Vinalines Queen mất tích cùng 23 thuyền viên được phát đi. Lực lượng cứu hộ Đài Loan 2 lần điều phương tiện ra hiện trường tìm kiếm nhưng do khu vực đó sóng gió rất lớn nên không hoạt động được.

Sáng 28/12, trực thăng của Cơ quan phòng vệ bờ biển Nhật Bản lại bay suốt 3 giờ quanh khu vực tàu Việt Nam mất tích nhưng vẫn chỉ thấy vệt dầu loang.

Ngày 29/12, việc tìm kiếm bằng trực thăng tạm ngừng. Nhiều chuyên gia cho rằng tàu chìm do quặng hóa lỏng không ổn định, gây mất thăng bằng trong điều kiện thời tiết xấu.

Sáng 30/12, anh Đậu Ngọc Hùng, thủy thủ trên tàu Vinalines Queen bị chìm đã được tàu của Anh cứu vớt. 22 thuyền viên còn lại hiện vẫn chưa có tung tích.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc