“Thu phí xe máy để nâng cấp, cải tạo đường”

06:55, 04/01/2012
|

(VnMedia) - Xung quanh đề xuất về việc thu phí lưu hành với xe máy từ 500-1000.000 đồng/năm, chiều 3/1, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc thu phí là để hạn chế phương tiện cá nhân và lấy nguồn kinh phí nâng cấp, cải tạo đường.

>>>Đề xuất thu 1 triệu/năm với người đi xe máy
 

Trao đổi với báo chí, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, căn cứ pháp lý để Bộ Giao thông vận tải đề nghị thu phí này là từ các nghị quyết của Chính phủ từ 2002, Chỉ thị của TW Đảng 2003, và các nghị quyết gần đây của Chính phủ, Quốc hội…
 
Theo đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, thực tiễn, những năm qua, mặc dù Đảng, Chính phủ và ngành giao thông vận tải đã có nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông, song số vụ tai nạn và ùn tắc giao thông vẫn hết sức nghiêm trọng nhất là ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Do đó, cần phải đưa ra các giải pháp hết sức mạnh mẽ để kiềm chế và tiến tới giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông.
 
Một loạt các giải pháp đồng bộ, trong đó có đề xuất thu phí lưu hành phương tiện và phí ra vào nội đô là những biện pháp Bộ Giao thông vận tải đang làm để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trong thời gian tới.
 
Theo đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, phí lưu hành xe máy này hoàn toàn khác với phí Quỹ Bảo trì đường bộ trước đây. Quỹ Bảo trì được bộ là để duy tu, bảo dưỡng đường. Tuy nhiên, nếu Chính phủ thông qua cũng mới đáp ứng 70-75% nhu cầu về vốn cần có để duy tu.

Ảnh minh họa

                    Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, việc đề xuất thu phí lưu thông
                                   với xe máy là để hạn chế xe cá nhân và lấy
                                    kinh phí sửa đường. Ảnh: Xuân Tùng
 
Do vậy, việc đề xuất thu phí lưu hành với xe máy, ô tô, ngoài mục tiêu để giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân thì còn dùng tiền phí này để đầu tư nâng cấp cải tạo và nghiên cứu các giải pháp chống ùn tắc giao thông.
 
Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, về biện pháp thu phí lưu hành với xe máy, thực tiễn các nước trên thế giới đã thực hiện rất lâu. Điển hình như Anh, Singagpore, Mỹ, Thụy Điển… Anh thu 8 bảng cho giờ cao điểm, Mỹ là 6-8 đô la/xe, xe tải thu 21 đô.
 
“Thu phí lưu hành với xe máy và ra vào nội đô giờ cao điểm với ô tô cũng có thể coi là giải pháp nhằm đảm bảo sự công bằng trong xã hội. Những người đi xe máy, ô tô phải nộp phí để cùng nhà nước đầu tư, tái tạo hạ tầng giao thông. Người nghèo hơn thì sử dụng phương tiện công cộng”, đại diện Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
 
Trước ý kiến cho rằng, nếu thu phí lưu hành với xe máy là đẩy khó khăn cho người nghèo, đại diện Bộ Giao thông vận tải lập luận rằng, vì xe máy là của người nghèo nên Bộ chỉ đề xuất thu có 500.000/ một năm, còn xe trên 175 phân khối chỉ dành cho dân chơi, còn người bình thường không đi xe như vậy nên Bộ đề xuất thu 1 triệu đồng/năm.
 
Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, mức thu với ô tô sẽ do Cục Đăng kiểm thực hiện còn với xe máy sẽ giao cho các địa phương thực hiện.
 
Đánh giá về hoạt động năm 2011, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong năm qua, ngành giao thông còn nhiều vấn đề tồn tại, tiến độ và chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng công trình giao thông còn kém. Tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn còn nghiêm trọng, trong đó nhiều vụ tai nạn thảm khốc vẫn xảy ra. 
 
Trong năm 2012 này, Bộ phấn đấu sẽ đảm bảo tiến độ và chất lượng các công trình xây dựng giao thông, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông. Đẩy mạnh tuyên truyền, nhưng vẫn nâng cao mức xử phạt để đảm bảo nghiêm minh của pháp luật..
 
“Thông điệp của ngành giao thông là hành động, hành động và hành động. Không thể chỉ nêu các giải pháp mà không hành động, quan điểm là khẩn trương quyết liêtu và hiệu quả”, đại diện Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có Tờ trình số 8868/TTr-BGTVT trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân ở Việt Nam và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vào danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo pháp lệnh số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001.

Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đề xuất mức thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ dự kiến như sau: Xe mô tô 2, 3 bánh của các thành phố Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng, loại có dung tích xy lanh dưới 175 cm3 mức phí 500.000 đồng/năm. Loại có dung tích xy lanh từ 175 cm3 trở lên, mức phí 1.000.000 đồng/năm…


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc