Phút cuối sinh tử khi sóng biển "nuốt" tàu Queen

07:03, 05/01/2012
|

(VnMedia)Chiều tối ngày 4/1, thủy thủ Đậu Ngọc Hùng, người duy nhất may mắn sống sót trong vụ chìm tàu Queen làm 22 người hiện vẫn đang mất tích đã về tới Hà Nội. Chàng thủy thủ trẻ 32 tuổi, quê Nghệ An đã kể lại vụ chìm tàu kinh hoàng làm 22 người mất tích.

>>Vinalines không bỏ rơi các thủy thủ mất tích?
 
Ngay từ 3h30 phút chiều ngày 4/1, được tin hôm nay thủy thủ Đậu Ngọc Hùng, người duy nhất may mắn sống sót đến giờ phút này trong vụ chìm tàu Queen ngày 25/12/2011, làm 22 người mất tích về nước, cả trăm phóng viên đã vây kín sân bay Nội Bài (Hà Nội) để chờ đón và nhìn gương mặt chàng thủy thủ may mắn thoát khỏi lưỡi hái của tử thần trở về với quê hương bình an, vô sự.
 
Sau những thủ tục nhập cảnh, anh Hùng được đại diện Vinalines đưa lên chiếc ô tô 4 chỗ về trụ sở Vinalines ở Hà Nội để họp báo. Mặc dù vậy, trước đó anh Hùng cũng kịp chia sẻ với phóng viên báo đài rằng: “Tôi vừa như từ cõi chết trở về".
 
20h30 phút, mặc dù, buổi họp báo diễn ra khá muộn và trong tiết trời mưa gió, rét buốt dưới 10 độ nhưng được tin anh Hùng trở về, gần trăm phóng viên báo đài đã có mặt tại trụ sở Vinalines trên phố Đào Duy Anh từ rất sớm, ngồi chờ đón anh Hùng trở về. Tại cuộc họp báo, mặc dù bị phóng viên hỏi dồn dập nhưng anh Hùng trả lời vẫn hết sức bình tĩnh và luôn khẳng định những câu trả lời của anh là đúng sự thật.

Ảnh minh họa

      Chàng thủy thủ may mắn thoát chết trở về nước trong vòng vây của phóng viên báo chí.
 
Anh Hùng cho biết, khi tàu chìm anh đã lặn một hơi dài rồi may mắn ngoi lên được bè tàu. Sau một ngày lênh đênh trên biển, sóng lại đánh hỏng bè tàu nhưng sau đó anh lại may mắn bám được vào xuồng cứu sinh của tàu.
 
Mặc dù xuồng cứu sinh cũng bị sóng đánh và va đập làm hư hỏng nhưng trên xuồng vẫn có đầy đủ lương thực, thuốc men nên đã may mắn cứu thoát anh trong những ngày lênh đênh trên biển. Sau 5 ngày trôi dạt vô định trên biển, anh được một tàu của Anh tên London Courage phát hiện, cứu sống tại địa điểm cách vị trí tàu chìm khoảng 350km. 
 
Kể lại sự cố chìm tàu, chàng thủy thủ may mắn thoát chết cho biết, hôm đó, tàu Vinalines Queen đang chạy thì bị nghiêng về phía bên trái rồi chìm xuống nước. Lúc phát hiện tàu nghiêng, Ban chỉ huy tàu đã thông báo rộng rãi trên hệ thống loa công cộng cho các thuyền viên và các thủy thủ biết và tất cả đều mặc áo phao đứng trên bong tàu.
 
“Sau đó tàu chìm xuống, tôi hoảng loạn và không biết gì nữa. Khi tàu nghiêng và chìm rất nhanh. Lúc đó do quá hoảng loạn nên tôi không nhớ là từ khi tàu nghiêng đến khi chìm diễn ra trong thời gian bao lâu, tôi chỉ biết là rất nhanh", anh Hùng kể.

Theo chàng thủy thủ này, do lúc đó sóng rất cao, to tới 4-5 mét cho nên việc hạ xuồng cứu sinh rất khó”, anh Hùng giải thích lý do tại sao tàu chìm mà không hạ các xuồng cứu sinh. Đề cập đến việc tại sao tàu chuẩn bị chìm mà các thủy thủ không nhảy xuống nước để cứu mình, anh Hùng cho biết, lúc xảy ra sự việc tàu đang chạy nên nếu nhảy xuống nước sẽ bị cabin hút vào nên không ai dám nhảy.
 
Anh Hùng cho biết, suốt 5 ngày trôi dạt lênh đênh trên biển, anh vẫn hy vọng mình sẽ được cứu sống. “Thật may mắn cho tôi là xuồng cứu sinh tuy có bị hư hỏng nhưng vẫn đủ lương thực và thuốc men. Cảm xúc của tôi lúc này là rất sung sướng khi được trở về quê hương, trở về đoàn tụ với gia đình”, anh Hùng nói.

Ảnh minh họa

              Thủy thủ Đậu Ngọc Hùng (bên trái), trong buổi họp báo tại trụ sở Vinalines.
 
Tiếp xúc với phóng viên VnMedia bên ngoài hanh lang trụ sở Vinalines khi cuộc họp báo kết thúc, trước câu hỏi của chúng tôi về số phận 22 thuyền viên còn lại trong đoàn, anh Hùng chỉ biết lắc đầu: “Tôi không biết. Tôi hy vọng họ vẫn còn sống”.
 
Có mặt tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Việt Cảnh, Tổng Giám đốc Vinalines cho biết, đến giờ phút này việc tìm kiếm các thuyền viên mất tích vẫn đang được Vinalines và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện.
 
Đại diện Vinalines một lần nữa nhắc lại việc mỗi thủy thủ đi trên tàu đều đã được mua bảo hiểm với mức 40.000 USD. Cũng theo vị đại diện này, tàu Queen bị chìm đã được đóng cách đây hơn 5 năm và đây không phải là chuyến hàng đầu tiên con tàu này chở chất Nikel. Mặt hàng này đã được tàu chờ cách đây 8 tháng.
 
Lý giải về việc chậm cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân mất tích, đại diện Vinalines cho biết, đối với các chuyến tàu đi biển, việc mất liên lạc có thể xảy ra thường xuyên, nếu khi mất liên lạc tàu phát tín hiệu SOS thì sẽ tổ chức tìm kiếm ngay, còn với tàu Queen thì hoàn toàn mất tích mà không dấu vết cũng như không có tín hiệu gì nên sau khi tìm thấy anh Hùng mới tổ chức tìm kiếm.
 
“Với những vụ chìm tàu như thế này, thiệt hại hàng hải là điều không muốn. Tuy nhiên, đây là vụ chìm tàu gây thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực vận tải biển của Việt Nam”, đại diện Vinalines khẳng định.
 
Cũng theo vị đại diện này, để nói chính xác nguyên nhân của vụ chìm tàu là do đâu thì phải chờ kết quả điều tra của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hàng hải, nếu cần có thể thuê chuyên gia của các nước trong khu vực để tìm hiểu nguyên nhân.
 
Tàu Vinalines Queen mất tích cùng 23 thuyền viên trên đường vận chuyển 54.400 tấn quặng Nikel từ Indonesia sang Trung Quốc, trên vùng biển thuộc Philippines.

Chiều 26/12, thông tin Vinalines Queen mất tích cùng 23 thuyền viên được phát đi. Lực lượng cứu hộ Đài Loan 2 lần điều phương tiện ra hiện trường tìm kiếm nhưng do khu vực đó sóng gió rất lớn nên không hoạt động được.

Sáng 28/12, trực thăng của Cơ quan phòng vệ bờ biển Nhật Bản lại bay suốt 3 giờ quanh khu vực tàu Việt Nam mất tích nhưng vẫn chỉ thấy vệt dầu loang.

Ngày 29/12, việc tìm kiếm bằng trực thăng tạm ngừng. Nhiều chuyên gia cho rằng tàu chìm do quặng hóa lỏng không ổn định, gây mất thăng bằng trong điều kiện thời tiết xấu.

Sáng 30/12, anh Đậu Ngọc Hùng, thủy thủ trên tàu Vinalines Queen bị chìm đã được tàu của Anh cứu vớt. 22 thuyền viên còn lại hiện vẫn chưa có tung tích.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc