Đầu năm đội mưa đi chợ đánh nhau để... cầu may

19:31, 28/01/2012
|

(VnMedia) - Sáng nay (mùng 6 Tết Nhâm Thìn), chợ Chuộng – phiên chợ độc đáo nhất xứ Thanh lại được tổ chức trên bờ sông nông giang thuộc làng Ráng, xã Đông Hoàng (Đông Sơn, Thanh Hóa). Ngoài việc bán rủi, mua may, phiên chợ còn có những màn đánh nhau để lấy lộc...
 
Bí ẩn nguồn gốc phiên chợ quê

Bắt đầu từ ngày mùng 5 Tết, người dân quanh vùng sẽ cùng nhau góp tre, nứa để bắc một cây cầu khỉ qua sông. Cầu tre này sau khi chợ tan (khoảng 1 giờ chiều cùng ngày) sẽ được dỡ bỏ. Sang năm đến phiên chợ, người ta lại góp tre bắc cầu.

 Ảnh minh họa

 Bắt đầu từ ngày mùng 5 Tết, người dân quanh vùng sẽ cùng nhau góp tre, nứa để bắc một cây cầu khỉ qua sông.


Hỏi vì sao lại phải dỡ cầu mà không để cố định cho người dân hai làng có cái đi lại, thì một cụ cao niên cho biết, “dải đất bồi hình cánh cung, kéo dài hơn hai trăm mét này được xem là đất chợ của các Thánh. Ngày xưa, các Thánh đến họp chợ rồi đi, không để lại dấu tích thì nay con cháu làm sao dám để lại gì trên mảnh đất của Thánh? Của tự nhiên, tích cũ, chuyện xưa hãy cứ theo tự nhiên mà làm...”.
 
Có người kể rằng, xưa kia vào ngày mùng 6 Tết có ba ông quan không rõ chức lẫn danh xuôi thuyền theo dòng sông, khi ngang qua bãi bồi làng Ráng thì dừng lại, lên bờ mua thực phẩm của bà con nhân dân. Sau khi các quan đi, dân làng ở đây không ai bảo ai, hàng năm cứ đến ngày mùng 6 Tết Nguyên Đán lại tụ nhau bày hàng, quà ra bán vọng cho các quan nhằm cầu tài, cầu lộc cho gia đình.
 
 Ảnh minh họa

 Từ tờ mờ sáng, không hề hẹn trước nhưng hàng nghìn người đã rủ nhau về bãi bồi ven sông Hoàng để họp chợ cầu may


Lại có tích kể rằng, cũng vào đúng ngày mùng 6 Tết, Lê Lợi cùng với binh lính của mình chạy giặc qua khúc sông này thì gần như sức cùng, lực kiệt. Nhân dân biết Lê Lợi là người vì dân, vì nước nên rất mực kính trọng và nể phục. Trước mối nguy nan cận kề, nhân dân đã giúp Lê Lợi thay đồ, giấu vũ khí, tổ chức trao đổi mua bán như một phiên chợ nhằm che mắt giặc...
 
Tuy nhiên, cả hai câu chuyện liên quan đến nguồn gốc ra đời của chợ Chuộng theo như các cụ cao niên trong làng cho biết hiện không tìm thấy tài liệu nào ghi chép cả.
 
Phiên chợ thể hiện tinh thần thượng võ đã bị biến tướng
 
Cụ Lê Anh Sơn, (60 tuổi, xã Đông Hoàng) cho biết, “xưa kia, các cụ đến phiên chợ Chuộng lịch sự, nho nhã lắm. Cụ nào biết võ đến chợ “mới dám gây gổ” với nhau. Các cụ người vào vai giặc, người vào vai tướng, người khác vào vai lính tráng, đánh nhau loạn xạ. Vũ khí chiến đấu chỉ độc rau, củ quả như cà chua, bắp cải, su hào... chứ không có gậy gộc, gạch, đá, dao, kiếm như bây giờ...”.

 Ảnh minh họa

Người dân từ các làng lân cận còn chèo thuyền nan đến để mua may bán rủi đầu năm mới


Khi được hỏi tại sao đánh nhau toác đầu mẻ trán mà cũng có lộc? cụ Sơn giải thích, “xưa kia chiến tranh giặc giã triền miên, người dân nơi đây chỉ tập trung vào hai việc, làm mùa tốt và luyện võ giỏi.
 
Làng có nhiều người giỏi võ thì mới chiến đấu, chiến thắng được quân giặc, bảo vệ được mùa màng, dân làng mới no ấm, thịnh vượng... Đó chính là lộc, là giá trị tinh thần của phiên chợ Chuộng. Người biết võ đến chợ để biểu diễn, nêu cao tinh thần thượng võ chứ không phải để gây thù, chuốc oán, chém giết lẫn nhau như nhiều người đã hiểu nhầm”.

 Ảnh minh họa

 Hàng quà bày bán ở đây là những sản vật do nông dân địa phương trồng cấy được. Giá bán cũng rất rẻ, nên người mua không cần trả giá


Giờ đây, những người tinh thông võ nghệ không còn nhiều và cũng ít khi tham gia nên phần nào đó chợ Chuộng đã biến tướng đi rất nhiều. Đặc biệt, những năm gần đây, chợ Chuộng nhuốm màu bạo lực bởi nhiều thanh niên dựa vào đặc trưng của phiên chợ để “báo thù, rửa hận” gây náo loạn cả vùng quê vốn yên bình.
 
 Ảnh minh họa

 Những năm gần đây, chợ Chuộng nhuốm màu bạo lực bởi nhiều thanh niên dựa vào đặc trưng của phiên chợ để “báo thù, rửa hận” gây náo loạn cả vùng quê vốn yên bình.


Anh Lê Văn Hải, một người dân tham gia phiên chợ tâm sự, “không hiểu từ xuất xứ nào mà nhiều năm nay, mỗi khi phiên chợ khai mạc, người đến dự chợ thường tạo cớ gây sự đánh nhau. Chủ lực trong các đám xung kích gây sự đánh nhau là đám thanh thiếu nhi, những người khác không tham gia thì hò hét cổ vũ cho một bên nhưng nhiều khi cũng là nạn nhân bị thương tích.
 
Người dân địa phương mong muốn duy trì và phát huy một tập tục tôn vinh tinh thần thượng võ, một phiên chợ xuân đầy chất nhân văn. Nhưng, con người đến chợ phải thân thiện, đoàn kết và cầu chúc một năm mới may mắn, an bình.


Hoàng Sơn

Ý kiến bạn đọc