(VnMedia) - Ngày 10/6 diễn với thành công ngoài sức tưởng tượng với 15 HC vàng giành được ở các môn điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ, boxing, pencak silat.
* Độc giả nhấn phím F5 để cập nhập thông tin mới nhất diễn biến các môn thi đấu.
Vào 1h25 ngày 10/6, võ sĩ Nguyễn Thị Yến thi đấu chung kết boxing hạng cân 51 kg nữ với đối thủ Irish Magno (Philippines). Tại SEA Games 2013, Nguyễn Thị Yến chỉ giành HC bạc sau khi thua Sutumrum của Thái Lan ở trận chung kết.
Võ sĩ Nguyễn Thị Yến (đỏ) chiến thắng chung kết boxing hạng 51 kg nữ.
Kết quả, tổ trọng tài chấm điểm Nguyễn Thị Yến đánh bại đối thủ người Philippines để mang về tấm HC vàng đầu tiên trong ngày 10/6 cho đoàn Việt Nam. Qua 4 hiệp đấu, Nguyễn Thị Yến giành chiến thắng 2-1 trước Irish Magno. Đây cũng là tấm HC vàng đầu tiên của boxing Việt Nam tại SEA Games 28.
Nguyễn Thị Yến trên bục nhận HC vàng SEA Games 2015.
Ngoài ra, boxing Việt Nam còn có 3 trận chung kết nữa của Lê Thị Bằng (54 kg nữ), Nguyễn Văn Hải (60 kg nam) và Trương Đình Hoàng (75 kg nam).
Tay đấm Lê Thị Bằng (xanh) đang áp đảo đối thủ Petecio (Philippines).
Sau khi Thị Yến giành HC vàng, Lê Thị Bằng sẽ tranh tài đối thủ Nesthy Petecio (Philippines) ở chung kết hạng 54 kg nữ. Cách đây 2 năm tại Nay Pyi Taw (Myanmar), Lê Thị Bằng cũng để thua trận chung kết nên tài năng từng giành HC đồng Asiad 17 quyết tâm phục hận ở Đại hội năm nay.
Lê Thị Bằng (đỏ) mang về tấm HC vàng thứ hai cho boxing Việt Nam.
Kết quả, Lê Thị Bằng vượt qua Petecio (Philippines) với lối đánh áp đảo trong 4 hiệp để giành HC vàng thứ hai cho đoàn boxing Việt Nam. Trọng tài chấm tay đấm Việt Nam giành chiến thắng 2-1 trước đối thủ.
Lê Thanh Tùng đoạt HC vàng phần nhảy chống nam. Ảnh: NLĐ.
TDDC Việt Nam tiếp tục áo đảo ở nội dung nhảy chống nam. VĐV Lê Thanh Tùng giành HC vàng với số điểm 15.000, trong khi Hoàng Cường nhận HC bạc với kết quả 14.866.
Hà Thanh có tấm HC vàng thứ ba cho TDDC Việt Nam tại SEA Games 28.
Ngay sau đó, nữ hoàng TDDC Phan Thị Hà Thanh cũng giành HC vàng cầu thăng bằng nữ. VĐV quê Hải Phòng giành tấm HC vàng thứ ba tại Đại hội với số điểm 13.996. Đồng đội Đỗ Thị Vân Anh cũng giành HC bạc với số điểm 13.333.
Đinh Phương Thành mang về tấm HC vàng nội dung xà kép nam.
Nội dung chung kết thứ 3 liên tiếp môn TDDC, đoàn Việt Nam tiếp tục chiếm ưu thế. Vừa vô địch toàn năng nam, VĐV Đinh Phương Thành giành luôn HC vàng xà kép nam với số điểm 15.833, trong khi Phạm Phước Hưng giành HC đồng.
Phần biểu diễn xà lệch cũng vô cùng hoàn hảo của VĐV Phương Thành.
Chỉ tầm 30 phút sau, Đinh Phương Thành tiếp tục là tâm điểm ở môn TDDC. VĐV này giành tấm HC vàng thứ 3 tại Đại hội ở nội dung xà lệch, với số điểm 14,233 điểm.
Nội dung còn lại là bài biểu diễn tự do nữ, Phan Thị Hà Thanh chỉ đứng thứ 3 với tổng điểm 13.433. Hiện tại, Hà Thanh và Minh Thanh đều có 3 tấm HC vàng tại Đại hội năm nay.
Chỉ trong 2 tiếng đồng hồ, đoàn Việt Nam đã có liên tiếp 6 HC vàng để áp sát đối thủ nhì bảng Thái Lan. Riêng môn TDDC đã giành 8 HC vàng và cân bằng thành tích tốt nhất của đoàn đấu kiếm tại SEA Games năm nay. Môn bơi lội đóng góp được 7 HC vàng, wushu 4 HC vàng tính cho đến thời điểm này.
Từ sân vận động quốc gia Singapore, điền kinh Việt Nam cũng có tấm HC vàng thứ 3 tại Đại hội. Chung kết 400 mét rào nữ, VĐV Nguyễn Thị Huyền mang về tấm HC vàng cùng kỷ lục SEA Games tồn tại 20 năm, với thời gian 56 giây 15 .
Kỷ lục cũ 56 giây 78 của VĐV Srithoa (Thái Lan) lập tại SEA Games 1995. Đây cũng là HC vàng thứ 40 của đoàn Việt Nam. Chiến công của Nguyễn Thị Huyền càng hoàn hảo khi cô đạt luôn chuẩn B Olympic để tham dự Olympic Rio 2016 tại Brazil.
Nội dung 400 mét rào nam, VĐV Quách Công Lịch đoạt HC bạc với thời gian 50 giây 29. Đối thủ Philippines Eric Cray phá kỷ lục Đại hội và bảo vệ thành công ngôi vô địch.
Tiếp theo là chung kết 10.000 mét nam, khi ĐKVĐ SEA Games 27 Nguyễn Văn Lai sẽ thi đấu. Ngày thi đấu càng trở nên đặc biệt khi ngày 10/6 cũng là ngày sinh nhật thứ 29 của VĐV Văn Lai. Trước đó 1 ngày, Văn Lai bảo vệ ngôi vô địch cự ly 5.000 mét nam và phá kỷ lục SEA Games tồn tại 22 năm.
Cũng giống cự ly 5.000 mét, Văn Lai áp dụng chiến thuật "núp gió" khi chạy vị trí thứ 3 trong top đua. Dẫn đầu nhóm đua vẫn là Agus Prayboyo (Indonesia) - đối thủ vừa thua Văn Lai ở chung kết 5.000 mét nam. Tuy nhiên, Văn Lai có phần bị căng cơ sau khi bị Ban tổ chức kiểm tra doping quá lâu ngày hôm qua. VĐV Việt Nam sớm bị tụt lại phía sau và Agus dễ dàng giành chức vô địch cự ly này. Dù bị đau, Văn Lai không bỏ cuộc mà nỗ lực hoàn thành phần thi.
Văn Lai (vàng, sau) không bảo vệ thành công ngôi vô địch cự ly 10.000 mét nam.
Võ sĩ Nguyễn Văn Hải cũng dự thi chung kết boxing hạng 60 kg nam với đối thủ Pantancio (Philippines). Tuy nhiên, Văn Hải thua 0-2 trước Pantancio và chỉ nhận HC bạc.
Văn Hải (xanh) thất bại chung kết hạng cân 60 kg nam.
Nội dung nhảy xa nữ, VĐV Bùi Thị Thu Thảo giành HC bạc với thành tích 6,65 mét, trong khi Maria Londa (Indonesia) giành HC vàng với kết quả 6,70 mét.
Kết thúc 10 môn phối hợp, nam VĐV Nguyễn Văn Huệ xuất sắc giành HC vàng với số điểm 7.232, hơn 167 điểm so với đối thủ Philippines. Đây là sự tiếp nối thành công từ VĐV Vũ Văn Huyện - người từng vô địch 10 môn phối hợp 3 kỳ SEA Games 24, 25, 26.
VĐV Nguyễn Văn Huệ giành HC vàng 10 môn phối hợp nam. Ảnh: SG28.
Ngay sau đó, VĐV Đỗ Thị Thảo cũng giành HC vàng cự ly 800 mét nữ. Nhà vô địch SEA Games 2013 bảo vệ thành công ngôi vô địch và lập kỷ lục SEA Games với thời gian 2 phút 05 giây 22.
Tiếp theo chung kết 800 mét nam của VĐV Dương Văn Thái, trong khi Trương Đình Hoàng cũng thi chung kết 75 kg nam môn boxing.
Trương Đình Hoàng (đỏ) chơi chung kết cuối cùng môn boxing.
VĐV điền kinh Dương Văn Thái vô địch chung kết 800 mét nam.
Kết quả Dương Văn Thái về đích đầu tiên cự ly 800 mét nam với thời gian 1 phút 51 giây 43.
Ngay sau đó, VĐV Trương Đình Hoàng giành chức vô địch hạng cân 75 kg nam môn boxing . Đình Hoàng giành chiến thắng áp đảo 3-0 với Aphisit (Thái Lan). Đây cũng là tấm HC vàng thứ 11 của đoàn Việt Nam trong ngày 10/6.
Trương Đình Hoàng (đỏ) mang về chiến thắng thứ 3 trong 4 trận chung kết boxing.
VĐV Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh không thi đấu thành công nội dung chạy 200 mét nữ. Nguyễn Thị Oanh chỉ về thứ ba với thời gian 23 giây 92, trong khi Quách Thị Lan về thứ 4 với thời gian 23 giây 98. VĐV Bùi Thị Xuân đạt thành tích ném lao nữ với thành tích 49,16 mét và giành HC bạc.
Lê Trọng Hinh mang về tấm HC vàng thứ 7 cho điền kinh Việt Nam.
Điền kinh Việt Nam kết thúc một ngày hoàn hảo với tấm HC vàng 200 mét nam của VĐV Lê Trọng Hinh. VĐV Việt Nam cán đích đầu tiên với thời gian 20 giây 89, trong sự ngỡ ngàng của các đối thủ còn lại. Đây là tấm HC vàng thứ 7 của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 28 và tấm HC vàng thứ 5 trong ngày 10/6.
Môn Pencak Silat diễn ra với tấm HC vàng đầu tiên thuộc về VĐV Việt Nam. Võ sĩ Hoàng Thành Trung giành số điểm 464 để đoạt HC vàng đơn nam quyền biểu diễn tunggal.
Trong ngày thi đấu hôm nay, đoàn Việt Nam có HC đồng đầu tiên ở nội dung billiards & snooker. Đội tuyển Việt Nam thất thủ 0-3 trước Thái Lan ở bán kết nội dung billiard đồng đội nam .
Môn bơi cũng thi chung kết các nội dung vào 18h00 chiều tại Aquatic Center. Chung kết 50 mét bướm, VĐV Hoàng Quý Phước chỉ về thứ 6 với thành tích 25 giây 01. Nội dung tiếp theo là VĐV Lâm Quang Nhật - ĐKVĐ SEA Games 2013 - thi đấu cự ly 1.500 mét nam.
Chỉ sau 450 mét đầu tiên, ĐKVĐ Lâm Quang Nhật tạo ra khoảng cách hơn 4
giây so với đối thủ xếp bám đuổi gần nhất phía sau là Prawira của Indonesia.
Kết thúc 30 vòng hồ bơi 50 mét, Lâm Quang Nhật tiến về đích và bảo vệ thành công ngôi vô địch. VĐV Việt Nam về đích với thời gian 15 phút 31 giây 03 - phá sâu kỷ lục 15 phút 37 giây 75 của VĐV Philippines lập tại SEA GAmes 2009. Phá sâu đến 6 giây so với kỷ lục cũ, Lâm Quang Nhật mang về tầm HC vàng thứ 47 cho bơi lội Việt Nam.
Ngay sau đó, kình ngư Ánh Viên thi chung kết 400 mét tự do nữ. Trước đó, Ánh Viên giành 7 kỷ lục SEA Games và 6 HC vàng tại Đại hội.
Không phụ sự kỳ vọng, Ánh Viên giành HC vàng 400 mét tự do nữ với kỷ lục SEA Games mới 4 phút 08 giây 66 - vượt kỷ lục 4 phút 10 giây 75 của Khoo Cai Lin (Malaysia) lập năm 2009. Đây là tấm HC vàng thứ 7 và kỷ lục SEA Games thứ 8 của Ánh Viên. Bơi lội cũng có tấm HC vàng thứ 9 tại Đại hội, vượt trên Thể dục dụng cụ và đấu kiến (8 HC vàng) đóng góp cho thể thao Việt Nam ở giải năm nay.
Đây cũng là tấm HC vàng thứ 15 trong ngày của thể thao Việt Nam. Một ngày thi đấu bùng nổ, thăng hoa nhất của Việt Nam tại giải đấu ở Singapore.
Sự vượt trội của Ánh Viên trên đường bơi chỉ sau 200 mét đầu tiên.
Môn pencak silat trở lại thi đấu với chung kết nội dung đồng đội nữ regu.
Pencak Silat Việt Nam giành HC đồng nội dung đồng đội nữ regu với 461 điểm.
Ngoài ra, kình ngư Trần Duy Khôi thi đấu chung kết 200 mét hỗn hợp cá nhân nam. Nhưng kình ngư Việt Nam chỉ về thứ 5 với thời gian 2 phút 4 giây 07.
VĐV Danh Phương - Quốc Bảo thi chung kết đối luyện đôi nam ganda.
Cặp VĐV Danh Phương - Quốc Bảo đoạt HC bạc nội dung đối luyện đôi nam gan da với số điểm 574. Cặp VĐV pencak silat Indonesia giành HC vàng với 1 điểm nhiều hơn.
Kết thúc ngày thi đấu 10/6, đoàn Việt Nam trở lại vị trí thứ 2 toàn đoàn, sau 1 ngày bị Thái Lan chiếm mất. Kết quả hiện tại của đoàn Việt Nam là 48 HC vàng, 23 HC bạc, 44 HC đồng . Đồng thời thể thao Việt Nam cũng chính thức vượt mốc 110 HC các loại tại SEA Games 2015.
Khi chủ nhà Singapore đã bứt lên rất xa với 60 HC vàng, Việt Nam chủ yếu tranh chấp ngôi nhì bảng với Thái Lan (45 HC vàng, 53 HC bạc, 41 HC đồng).
Danh sách VĐV giành HC vàng tại SEA Games 28:
1. Nguyễn Tiến Nhật (kiếm ba cạnh cá nhân nam).
2. Vũ Thành An (kiếm chém cá nhân nam).
3. Trần Thị Len (kiếm ba cạnh cá nhân nữ)
4. Nguyễn Thị Lệ Dung (kiếm chém cá nhân nữ).
5. Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ 20 km nữ).
6. Đặng Nam - Hoàng Cường - Thanh Tùng - Phước Hưng (TDDC).
7. Hoàng Quý Phước (bơi 200 mét tự do nam).
8. Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi 800 mét tự do nữ).
9. Đồng đội kiếm ba cạnh nam.
10. Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi 400 mét hỗn hợp nữ).
11. Nguyễn Thị Thi (Bi sắt đơn nữ).
12. Nguyễn Thị Thanh Thúy (judo đối kháng 52 kg nữ).
13. Đồng đội kiếm chém nam.
14. Đồng đội bắn súng 10 mét hơi nam.
15. Trần Quốc Cường (bắn súng 10 mét hơi cá nhân nam).
16. Dương Thúy Vi (wushu kiếm thuật nữ).
17. Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi 200 mét ngửa nữ).
18. Đồng đội kiếm ba cạnh nữ.
19. Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi 200 mét hỗn hợp cá nhân nữ).
20. Nguyễn Thị Như Ý (judo đối kháng 70-78 kg nữ).
21. Đồng đội kiếm chém nữ.
22. Đinh Phương Thành (TDDC toàn năng nam).
23.Trần Xuân Hiệp (wushu đao thuật).
24. Phan Thị Hà Thanh (TDDC toàn năng nữ).
25. Hoàng Văn Cao (wushu tán thủ 60 kg nam).
26. Nguyễn Văn Tài (wushu tán thủ 65 kg nam).
27. Trương Thị Phương (canoeing C1 200 mét nữ).
28. Trần Phi Hùng (billiard carom 1 băng nam).
29. Phan Thị Hà Thanh (TDDC nhảy chống nữ).
30. Đặng Nam (TDDC nhảy vòng treo nam)
31. Nguyễn Văn Lai (điền kinh 5.000 mét nam).
32. Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi 200 mét bướm nữ).
33. Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi 200 mét tự do nữ).
34. Nguyễn Thị Yến (boxing 51 kg nữ).
35. Lê Thanh Tùng (TDDC nhảy chống nam).
36. Lê Thị Bằng (boxing 54 kg nữ).
37. Phan Thị Hà Thanh (TDDC nhảy cầu thăng bằng nữ).
38. Đinh Phương Thành (TDDC xà kép nam).
39. Đinh Phương Thành (TDDC xà lệch nam).
40. Nguyễn Thị Huyền (điền kinh 400 mét rào nữ).
41. Nguyễn Văn Huệ (điền kinh 10 môn phối hợp nam).
42. Đỗ Thị Thảo (điền kinh chạy 800 mét nữ).
43. Dương Văn Thái (điền kinh chạy 800 mét nam).
44. Trương Đình Hoàng (boxing hạng cân 75 kg nam).
45. Hoàng Thanh Trung (pencak silat quyền biểu diễn tunggal đơn nam).
46. Lê Trọng Hinh (điền kinh 200 mét nam).
47. Lâm Quang Nhật (bơi 1.500 mét nam).
48. Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi 400 mét tự do nữ).
Ý kiến bạn đọc