Hai mặt đối lập của các ông bầu bóng đá Việt!

18:56, 07/01/2015
|

(VnMedia) - Trong khi bầu Đức gây tiếng vang với dàn cầu thủ trẻ triển vọng ở HAGL, thì bầu Trường âm thầm rút lui khỏi bóng đá nội sau khi bàn giao ba đội trẻ V.Ninh Bình về cho địa phương.

Hết tình yêu thì bầu chia tay bóng đá

Kể từ năm 2001, bóng đá nội bắt tay với các doanh nghiệp cũng là lúc các ông bầu nhảy vào đầu tư cho bóng đá. Có thể kể ra những ông bầu ở thế hệ đầu tiên như bầu Đức của HAGL, bầu Thắng ĐTLA, bầu Tuấn - bầu Long của Hòa Phát HN, bầu Kiên Hà Nội ACB, bầu Hiển SHB.Đà Nẵng và Hà Nội.T&T, ... đến những ông bầu thế hệ tiếp theo bầu Trường của V.Ninh Bình, bầu Thọ của N.Sài Gòn, bầu Thụy của Sài Gòn XT.

Do khó khăn kinh tế, nhiều ông bầu cũng như các doanh nghiệp lần lượt rời khỏi vũ đài bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Không ít trong số đó bỏ đầu tư bóng đá sau nhiều năm cũng vì chán ngán với thực trạng bóng đá Việt Nam và những nỗi buồn mà bóng đá trả lại cho mình dù bỏ tâm huyết và đầu tư vài chục tỷ VNĐ mỗi năm.

Đơn cử vào năm 2011, bầu Long - bầu Tuấn của Hòa Phát HN chính thức rút lui sau 10 năm theo đuổi bóng đá. Bầu Long và bầu Tuấn rút lui không phải vì hết tiền mà vì bức xúc với sự rối ren và mờ ám tại V-League. Người mua lại toàn bộ cơ sở vật chất CLB Hòa Phát HN là bầu Kiên tiết lộ: "Anh Long và anh Tuấn bỏ bóng đá là vì quá uất ức sau khi đội bóng của mình bị trọng tài "đè ngửa ra", ép phải thua khi tới làm khách của V.Hải Phòng ở lượt cuối V-League 2010". Trong một năm qua, đã có nhiều tin đồn bầu Long sẽ trở lại với bóng đá nhưng ông bầu này liên tục phủ nhận, thẳng thừng tuyên bố không bao giờ dính vào bóng đá Việt Nam nữa".

Hai năm sau, đến lượt bầu Nguyễn Vĩnh Thọ của N.Sài Gòn quyết định giải thể đội bóng Sài thành. Đáng nói 4 năm trước, bầu Thọ của ngân hàng Navibank bỏ 13 tỉ để mua đội Quân khu 4 rồi đưa vào phương Nam.

Ảnh minh họa

Ông Hoàng Mạnh Trường là ông bầu thứ 10 rút lui khỏi bóng đá Việt Nam, sau khi
CLB V.Ninh Bình dính sự cố 9 cầu thủ dàn xếp tỉ số tại AFC Cup 2014

Ông bầu ngành ngân hàng quyết tâm đưa đội bóng này trở thành quyền lực tại V-League, chi rất nhiều tiền để chiêu mộ hàng loạt tên tuổi đình đám như Tài Em, Long Giang, Quang Hải.... Trớ trêu thay chỉ sau 3 năm tồn tại, đội bóng chỉ mang lại nỗi buồn cho ông bầu tay ngang này. Bầu Thọ tuyên bố bỏ bóng đá bởi không thể tiếp tục nuôi "cỗ máy đốt tiền" mang tên N.Sài Gòn. Bầu Thọ bán đội bóng mình cho bầu Thụy của Sài Gòn XT, thu về vỏn vẹn 21 tỉ VNĐ.

Nhưng đến một năm sau, bầu Thụy cũng giải thể đội Sài Gòn XT vì hết đam mê, sau ba lần chuyển từ Hà Tĩnh vào Quảng Nam rồi Sài Gòn, mà không mang về lợi nhuận như mong muốn. Còn một số đội bóng mang nặng tính địa phương lại thiếu kinh phí như K.Kiên Giang, An Giang cũng rút lui vì không còn đủ kinh phí hoạt động. Bầu Tiến Anh của K.Khánh Hòa buộc bán đội bóng trước V-League 2013, do tập đoàn Khatoco này chuyển đổi hoạt động theo quy định nhà nước.

Ở giải đấu dựa vào túi tiền doanh nghiệp, khi hết tiền hoặc đam mê, các ông bầu bỏ bóng đá nhẹ như không, trong sự hụt hẫng của người hâm mộ. 

Sắt son với bóng đá nội như bầu Đức

Đến lúc ông bầu thứ 10 là Hoàng Mạnh Trường giải thể đội bóng V.Ninh Bình vào ngày 6/1, cũng không quá nhiều người buồn lòng. Bởi từ khi nhảy vào bóng đá năm 2007, bầu Trường chỉ chăm mua bán cầu thủ chứ chẳng mặn mà làm bóng đá trẻ. ''Thiếu gia'' này khiến bóng đá nội nhiều phen chao đảo khi phá giá chuyển nhượng.

Đến lúc ông bầu này bàn giao ba đội trẻ lại cho tỉnh Ninh Bình, thành tích của V.Ninh Bình ở các giải trẻ đều khiêm tốn. Việc 9 cầu thủ dính vào cá độ, dàn xếp tỉ số ở AFC Cup 2014 khiến bầu Trường chẳng còn tâm trí và quyết định rút lui hoàn toàn khỏi bóng đá nội.

Người hâm mộ vì thế càng yêu, càng đồng cảm hơn với tâm huyết và sự sắt son của bầu Đức ở thời điểm hiện tại. Khi bóng đá nội lệch hướng, rơi vào cuộc đấu "tiền đấu tiền", bầu Đức đi con đường riêng xây dựng Học viện HAGL Arsenal JMG.

Ảnh minh họa

Sự ra đi lũ lượt của các ông bầu đình đám, người hâm mộ càng cảm ơn sự
thủy chung và sắt son của bầu Đức trong suốt nhiều năm qua. Ảnh: VnE.

Chưa ai quên bầu Đức từng chi tiền tấn mua Kiatisak, Dusit, Tawan, Thonglao, Lee Nguyễn... để biến HAGL trở thành quyền lực lúc V-League mới ra đời. Nhưng rồi bầu Đức rũ bỏ thói quen của các ông bầu lắm tiền để xây dựng thứ bóng đá căn bản từ đội trẻ. Nhìn hình ảnh dàn U19 HAGL như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn... tỏa sáng ở giải trẻ và rồi V-League, mới thấy bóng đá nội đang thiếu đi những ông bầu cũng vì cái chung như thế.

Để rồi sau 14 năm ra đời, 10 ông bầu lũ lượt chia tay để lại khoảng trống khó bù đắp khi V-League ngày càng đi chệch hướng. HAGL và có chăng thêm Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng, Sông Lam Nghệ An là những đội bóng kiểu doanh nghiệp phát triển bền vững từ tuyến trẻ thay vì đua tranh mua bán cầu thủ vô tội vạ như V.Ninh Bình, Sài Gòn XT, N.Sài Gòn đã từng làm. Đó là mảng tranh tối, tranh sáng, bức tranh trái ngược mà bầu Đức - bầu Trường tạo ra trong vòng ít ngày, để nói lên thực trạng bóng đá Việt Nam đang gặp vào lúc này. 


Nhật Minh

Ý kiến bạn đọc