Real đè bẹp Bayern: Khi phòng ngự, phản công lên ngôi!

16:12, 30/04/2014
|

(VnMedia) - Vốn là 1 đội bóng tấn công phóng khoáng nhưng Real Madrid lại áp dụng đấu pháp phòng ngự - phản công để vượt qua Bayern Munich. Đó là yếu tốt cốt lõi đưa “Kền kền” tiệm cận giấc mơ Decima và cũng là trào lưu đang thịnh hành ở lục địa già...

Cách đây chỉ 2 ngày, Chelsea với đội hình dự bị đã khiến làng bóng đá châu Âu ngỡ ngàng khi đánh bại Liverpool 2-0 ngay tại Anfield. Khó có thể tin rằng 1 đội bóng đang có phong độ cực cao, lại lấn lướt vượt trội như Lữ đoàn đỏ lại có thể thua đau tới vậy ngay tại thánh địa của mình. Đó là chiến thắng của Jose Mourinho với đấu pháp phòng ngự phản công quá hoàn hảo!

Với lối chơi ấy, dựa trên 1 hàng thủ khoa học, kiên cố, Chelsea cũng đang thành công ở Champions League khi có mặt ở vòng bán kết. Ở trận lượt đi tại Vicente Calderon, Mouteam đã xuất sắc cầm hòa Rojiblancos với tỉ số hòa 0-0 và đang nắm trong tay lợi thế trước trận lượt về.

Nói về lối chơi phòng ngự phản công ở mùa giải năm nay, không thể không kể tới Atletico Madrid. Ở La Liga, thầy trò Diego Simeone đang dẫn đầu và nắm quyền định đoạt ngai vàng bóng đá Tây Ban Nha. Còn ở Champions League, đội bóng thủ đô Madrid cũng từng vượt qua Barca với lối chơi sở trường của mình.

Ảnh minh họa
Bayern không thể vượt qua "lời nguyền" của Champions League

Đêm qua, chính xác là ở cả 2 trận đụng độ Bayern Munich, Real Madrid cũng áp dụng đấu pháp phòng ngự - phản công và phần thưởng cho họ là tấm vé dự trận chung kết một cách quá xứng đáng. Nếu chỉ nhìn vào tỉ số của 2 lượt trận (5-0), khó ai có thể nghĩ rằng bại tướng của Real lại là Bayern Munich, đội bóng đã từng đăng quang Champions League mùa trước và đang được ngợi ca là tập thể không có điểm yếu.

Với những người duy tâm, họ xem thất bại của Bayern là sự thực thi của “lời nguyền” Champions League, giải đấu mà chưa nhà vô địch nào bảo vệ thành công ngai vàng. Nhưng với những ai theo dõi tỉ mỉ 2 trận đấu vừa qua ở 2 địa điểm cách nhau khoảng 1600 km thì đây lại là sự thất bại toàn diện của lối chơi tiki-taka. Nói như huyền thoại người Đức, Paul Breitner “Một khi Bayern đã bộc lộ điểm yếu, bất cứ đội bóng nào cũng có thể đánh bại họ!”.

Đúng vậy! Bayern rất mạnh, họ đã đứng trên đỉnh châu Âu trong suốt 1 năm qua nhưng không phải là đội bóng không có điểm yếu. Nếu “Hùm xám” vẫn duy trì chất Đức truyền thống như mùa giải trước, có thể họ sẽ hoàn hảo hơn. Nhưng đằng này, kể từ khi bổ nhiệm Pep Guardiola, Die Roten lại bỗng nhiên trở thành một phiên bản khác của Barca với chất liệu là tiki-taka.

Không nói, ai cũng biết tiki-taka đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Minh chứng là việc đội tuyển Tây Ban Nha đã từng để thua toàn diện 0-3 trước Brazil ở chung kết Confed Cup 2013. Rồi ở mùa giải này, Barca cũng thất thế ở La Liga. Ở Champions League, đoàn quân xứ Catalan cũng để thua Atletico trong 2 trận đấu mà thứ đặc sản tiki-taka của họ không có đất diễn.

Bayern không có siêu tiền đạo cỡ Lionel Messi nhưng Pep Guardiola vẫn quyết định áp dụng lối chơi tiki-taka. Đôi cánh Ribery – Robben có thể là phương án không tồi nhưng một khi bộ đôi này bị phong tỏa với lối chơi phòng thủ khu vực, “Hùm xám” gần như bị bắt bài toàn diện. Đó chính là hình ảnh của Bayern trong 2 cuộc đụng độ vừa qua với Real Madrid.

Trước trận lượt về với Real đêm qua, Pep đã nhận được nhiều lời khuyên từ những nhân vật cấp cao của Bayern như Franz Beckenbauer, Matthias Sammer nhưng ông tỏ ra quá bảo thủ trong việc duy trì đấu pháp và chiến thuật. Ông tiếp tục duy trì lối chơi ở trận lượt đi nhưng lại không sử dụng 1 tiền vệ phòng ngự đơn thuần như Javi Martinez. Hệ quả, Bayern tấn công nhưng lại mở nguyên con đường dẫn tới khung thành Manuel Neuer. Đứng trước 1 đội bóng có quá nhiều cầu thủ tốc độ như Real, đây có thể xem là điểm chết của “Hùm xám”.

Ảnh minh họa
Real đã áp dụng đấu pháp phòng ngự - phản công quá hợp lý để vượt qua Bayern

Không chỉ yếu trong việc chống phản công, Bayern còn tỏ ra yếu kém trong việc chống bóng bổng và các tình huống cố định. Kết quả, họ đã để thua 3 bàn từ các tình huống cố định, trong đó có 2 bàn được thực hiện bằng đầu (Sergio Ramos). Với 1 hàng thủ lỏng lẻo như vậy, Bayern khó có thể làm nên điều thần kì ngay cả khi họ tấn công tốt. Đằng này, ngay tại Allianz Arena, “Hùm xám” cũng bế tắc toàn diện trước lối chơi phòng thủ khu vực quá chặt chẽ của Real Madrid.

Nhân vật được nhắc tới nhiều nhất bên phía Real Madrid ở vòng bán kết chính là Carlo Ancelotti. Vốn là nhà cầm quân người Italia nhưng Carletto thích lối chơi tấn công phóng khoáng. Ông tới Real và có đủ nguồn lực để biến “Kền kền” trở thành đội bóng siêu công. Thực tế, ở La Liga mùa này, Real đang là đội bóng có hàng công mạnh nhất (98 bàn thắng).

Tuy nhiên, trong 2 cuộc đụng độ Bayern vừa qua, Ancelotti lại nhún mình, áp dụng lối chơi phòng ngự phản công. Ở trận lượt đi tại Bernabeu, đã có một bộ phận CĐV Los Blancos không hài lòng với đấu pháp của Carletto nhưng nó lại mang tới sự hiệu quả. Ở trận lượt về đêm qua ở Allianz Arena, đấu pháp của Carletto còn trở nên lợi hại hơn khi Bayern ra sân với cái đầu nóng, vội vàng và mắc sai lầm.

Thực tế, Ancelotti đã rút ra nhiều bài học để đối phó tiki-taka. Ông đã từng thất bại đau đớn trước Barca ở 2 trận tại La Liga. Nhưng tới trận thứ 3 (chung kết cúp Nhà Vua), Carletto đã buộc phải chuyển lối chơi tấn công sang phòng ngự - phản công. Phần thưởng cho nhà cầm quân người Italia là danh hiệu đầu tiên cùng Real Madrid.

Từ chiến thuật chống Barca, Carletto đã biến hóa và áp dụng cho 2 cuộc đối đầu với Bayern Munich. Thứ mà Bayern sợ nhất lại là thứ mà Real Madrid đang sở hữu, đó là những “ông vua tốc độ” như Cristiano Ronaldo hay Gareth Bale.

Từ một đội bóng tấn công, Real Madrid đã chấp nhận chơi phòng ngự - phản công. Đó là bước tiến dài thể hiện cái đầu chiến thuật của HLV Carlo Ancelotti. Đây là sự tính toán cần thiết để đội bóng Hoàng gia tiến gần tới giấc mơ La Decima...


Hoàng Ngọc

Ý kiến bạn đọc