Bóng đá Việt và vòng luẩn quẩn bạo lực

12:54, 21/01/2014
|

(VnMedia) - Hình ảnh bầu Đức, U19 Việt Nam hay cầu thủ Quách Tân (SHB.Đà Nẵng) nhận giải Fair-Play năm 2013 chưa xóa nhòa vòng luẩn thứ bóng đá bạo lực vẫn bám rễ trong lòng bóng đá Việt.

Bầu Đức, U19 Việt Nam cứu rỗi cả nền bóng đá

Vào tối 15/1 vừa qua, Báo Pháp Luật TP.HCM đứng ra đăng cai tổ chức giải Fair Play năm 2013, để ca ngợi, vinh danh những hành động thể thao đẹp nhất năm vừa qua. Kết quả U19 Việt Nam vượt qua 'Running Man" Vũ Xuân Tiến và cầu thủ Giang Trần Quách Tân để đoạt giải thưởng của ban tổ chức.

Cầu thủ Quách Tân của SHB.Đà Nẵng để lại dấu ấn khi từ chối ghi bàn mà sút bóng ra biên, khi một cầu thủ đội bạn đang nằm trên sân. Một hành động đầy cao thượng giúp ngôi sao trẻ SHB.Đà Nẵng đứng thứ 3 trong cuộc bầu chọn, trong thời điểm bóng đá nội thiếu hẳn những hành động mã thượng như vậy.

Còn 'Running Man' Vũ Xuân Tiến nổi bật hình ảnh chạy miệt mài cả chục cây số theo chân đội Arsenal, khi 'Pháo thủ' thành London sang Việt Nam thi đấu giao hữu vào tháng 7/2013. Một hình ảnh khiến huấn luyện viên Arsene Wenger cho xe chở đội dừng lại đón Tiến, rồi vinh danh cổ động viên này lên trang website của Arsenal, rồi mời 'Running Man' sang nước Anh coi Arsenal thi đấu.

Ảnh minh họa

U19 Việt Nam nhận giải Fair Play nhờ thứ bóng đá đẹp, không tì vết mà bầu Đức
theo đuổi tại Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG suốt 7 năm qua .Ảnh: VNE

Nhưng không có hình ảnh nào nổi bật như dàn cầu thủ U19 Việt Nam, với nòng cốt Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG của bầu Đức, đã làm nức lòng cổ động viên nước nhà. Họ trình diễn thứ bóng đá đẹp mắt, quyến rũ và luôn thể hiện sự lịch thiệp, nhún nhường dù có lúc bị đối phương đá xấu. Chính bầu Đức người rèn rũa các cầu thủ không chỉ giỏi đá bóng mà còn giỏi học vấn cũng nhận vinh danh giải thưởng, bởi đưa ra tôn chỉ 'Fair-Play'' để xây dựng Học viện ở Gia Lai 7 năm trước.

Chỉ có điều những giải thưởng cho bầu Đức, U19 Việt Nam hay Quách Tân chỉ như "muối bỏ bể" trong một nền bóng đá vẫn tràn nhập cái xấu, thứ bóng đá bạo lực vẫn xuất hiện liên tục trên sân cỏ nước nhà. Dù sao hình ảnh bầu Đức lẫn U19 Việt Nam vẫn là sự cứu rỗi cho cả nền bóng đá đang dần bị bạo lực hóa, thiếu hẳn sự cống hiến cho khán giả vào mỗi buổi chiều cuối tuần.

Năm mới vẫn nỗi lo cũ: Bạo lực

Mùa giải mới đã khai màn mang theo bao nhiêu kỳ vọng về cuộc cải tổ, cách tân cho bóng đá nước nhà. Người khai màn chính là U19 Việt Nam với giải U19 quốc tế vừa kết thúc vào ngày 10/1 tại TP.Hồ Chí Minh. Nhưng vẻ đẹp mong manh, dễ vỡ của U19 Việt Nam đã thất thủ trước sự từng trải, lạnh lùng và thực dụng của 3 vị khách mời một cách đầy tiếc nuối.

Nhiều sự cố xảy ra sau giải đấu ấy, khi cầu thủ Văn Khánh bị gạch tên khỏi chuyến tập huấn châu Âu, Nhật Bản vì pha đạp bóng khiến cầu thủ Oduwa (U19 Tottenham - Anh) dính chấn thương nặng. Đó là hình ảnh khác biệt với lối đá như cầu thủ học đường mà U19 Việt Nam theo đuổi, khiến dư luận  khen - chê thổi bùng lên sau quyết định này.

Chưa dừng lại, có những ý kiến đóng góp cho rằng U19 Việt Nam cần học đòn "tiểu xảo" như chơi xấu, ăn vạ mới có thể thành công ở giải đấu tiếp theo. Bóng đá vị nghệ thuật thật đẹp nhưng chẳng thể thành công và U19 Việt Nam cần phải chơi "phi" Fair Play, như tiết lộ huấn luyện viên đội U19 AS Roma (Italia) đã trao đổi một vị quan chức Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).

Nhiều người đã lo U19 Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng từ lời khuyên chẳng đáng khuyên như thế. Nếu U19 Việt Nam cũng biết chơi xấu, sẵn sàng đá bẩn để giành chiến thắng thì hóa danh hiệu họ mới nhận sẽ chẳng còn ý nghĩa gì cả. Danh hiệu quan trọng nhưng cái cần giữ là bản sắc (sự trân trọng khán giả, đá bằng nhiệt huyết) là điều cổ động viên cần ở U19 Việt Nam.

Ảnh minh họa

Sân cỏ V-League vẫn tràn nhập hình ảnh bạo lực khiến bóng đá Việt Nam
chưa thể lấy lại được sự tin yêu, ủng hộ từ chính người hâm mộ nước nhà

Nếu họ bị biến chất như lãnh đạo VFF nói sau giải vừa qua, đó sẽ là bi kịch cho cả nền bóng đá. Hãy nhìn sân chơi V-League là một ví dụ. Biết bao nhiêu tiền của đổ vào nhưng giải đấu càng đi xuống. Bởi cầu thủ ra sân như đánh võ, lối chơi bạo lực được cổ xúy từ việc cầm còi nương nhẹ của trọng tài.

Ở vòng 1, trận đấu Hải Phòng - Thanh Hóa ở sân Lạch Tray như võ đài thật sự, nhưng tổ trọng tài lại thổi nương nhẹ để cầu thủ lấn tới. Vòng 2 vừa qua, đến 4 thẻ đỏ của Bật Hiếu (Than Quảng Ninh), Văn Thắng (Ninh Bình) Ngọc Nguyên (QNK.Quảng Nam)  và Đức Thắng (Đồng Nai). Nếu V-League vẫn giữ nguyên bộ mặt xấu xí, bạo lực như thế, thì khán giả lẫn nhà tài trợ khó có thể yêu và chung tay vực lại nền bóng đá được.

Điều căn bản bóng đá là thành tích, song không có nghĩa là phải có được nó bằng mọi giá. Cái quan trọng nhất là phải chơi đẹp và tôn trọng khán giả, điều duy nhất U19 Việt Nam có được lúc này. Còn có tiền tỉ, cả dàn ngôi sao mà đá đấm phập phù, thiếu tôn trọng người xem lẫn những hình ảnh phản cảm kiểu: chửi trọng tài, khiêu khích khán giả lẫn mập mờ chuyện bán độ, cá độ... thì dù có yêu U19 Việt Nam, khán giả cũng khó có thể chấp nhận.

Vậy nên tất cả mong U19 Việt Nam giữ nguyên bản chấn vốn có, chứ đừng học theo hình ảnh đàn anh xấu xí tạo ra ở giải V-League như 2 vòng vừa qua đã làm.


Nhật Minh

Ý kiến bạn đọc