Bóng đá Việt Nam không cần khán giả?

12:07, 25/11/2013
|

(VnMedia) - Những thất bại ê trề của tuyển Việt Nam thời gian qua vẫn chưa dừng lại, trong khi khán giả cả nước đang quay lưng dần với chính tình yêu của mình.

Từ chuyện bóng đá bên Tây

Không môn thể thao nào giàu tính đối kháng, tạo bất ngờ lẫn đam mê bằng trái bóng tròn. Cuộc chiến giữa 22 cầu thủ trên sân tạo nên sức hấp dẫn bất tận cho người hâm mộ chỉ bằng những tình huống ghi bàn tài tình, những pha sô lô đi bóng như ở chỗ không người. Thế mới có so sánh cầu thủ chính là những nghệ sĩ khi tài năng của họ mang lại sự hạnh phúc cho cả triệu khán giả xem bóng đá trên sân lẫn màn ảnh nhỏ.

Cũng nhờ sức hút ấy, cầu thủ trở thành "ông hoàng", nhận được sự quan tâm lẫn cả tiền bạc từ tài năng của họ. Lẽ tất nhiên bóng đá phụ thuộc vào khán giả, người mang lại sự giàu có cho chính các câu lạc bộ, cầu thủ cho đến cả Liên đoàn bóng đá. Bởi thế, Liên đoàn bóng đá thế giới mới đưa ra mô hình phát triển bóng đá gồm 2 tiền đạo, chính là khán giả và truyền thông.

Ảnh minh họa

Ban tổ chức sân Emiarates sẵn sàng tạm hoãn trận Arsenal (đỏ) - Southampton
đúng 15 phút chỉ để chờ khán giả đội khách kịp đến sân do chậm giờ tàu

Truyền thông đem mọi tin tức mới nhất về cầu thủ, đội bóng đến người hâm mộ. Còn tình yêu của khán giả lôi kéo nhà tài trợ lẫn bản quyền truyền hình để nuôi sống chính bóng đá. Khi thương hiệu càng lớn tiền đổ về cho các câu lạc bộ, cầu thủ càng nhiều. Thế mới có chuyện những đại gia như Real Madrid, Barcenola, Man Utd, Bayern Munich thu về hàng trăm triệu USD tiền lời từ các dịch vụ xung quanh bóng đá. Để rồi những siêu sao như Lionel Messi, Cristiano Ronaldo, Wayne Rooney... nhận mức lương cả chục triệu đô/năm.

Lẽ dĩ nhiên, các câu lạc bộ đều xem "khách hàng là thượng đế" và họ tôn trọng chính khán giả bỏ tiền vào sân, mua đồ lưu niệm... của đội nhà. Ví dụ như trận đấu Arsenal - Southampton tại vòng 12 giải ngoại hạng Anh mùa 2013/2014. Vì lý do chuyến tàu điện ngầm chở cổ động viên Southampton đến trễ 15 phút, ban tổ chức sân Emirates đã quyết định đẩy lui thời gian trận đấu, để khán giả đội khách ổn định chỗ ngồi.

Một hành động nhỏ nhưng cho thấy sự tôn trọng và trách nhiệm ban tổ chức sân lẫn giải ngoại hạng Anh khi họ không muốn khán giả chịu thiệt thòi. Cũng nhờ sự chuyên nghiệp, xem trọng khán giả từ câu lạc bộ đến ban tổ chức giải tạo nên hình ảnh đẹp, sức hút cho bóng đá Anh suốt nhiều năm qua vì lẽ ấy.

Đến những chuyện buồn bóng đá Việt Nam

Tại sao khán giả trên toàn thế giới đều hâm mộ bóng đá Anh đông đảo hơn so với các giải đấu hàng đầu khác ở châu Âu? Đó là giờ thi đấu các trận Premier League luôn vào giờ đẹp từ 7h tối đến 11h đêm giúp các fan hâm mộ có thể thoải mái xem đá bóng. Ngoài ra, các trận đấu diễn ra quyết liệt sòng phẳng, luôn có chỗ cho bất ngờ. Chỗ ngồi khán giả gần sát sân đấu, không bị ngăn cách bởi hàng rào tạo nên không khí lễ hội trên và ngoài sân cỏ. Tổng hòa những cái nhất ấy, bóng đá Anh đến cầu thủ đều cháy hết mình khi vào sân.

Đây là điều tuyệt vời cho thấy sự hoạt động tổ chức, có lớp lang của bóng đá Anh. Hay như các nhà tổ chức bóng đá Nhật xây dựng mô hình chuẩn mực, lối chơi cho các cầu thủ từ giải bán chuyên nghiệp cho đến đội tuyển. Mô hình đồng nhất, khoa học cùng sự cầu tiến là lý do giải thích vì sao bóng đá Nhật vươn tầm lên đẳng cấp thế giới sau chỉ 20 năm xây dựng J-League.

Còn bóng đá Việt Nam vẫn hỗn độn trong suốt giai đoạn xây dựng V-League từ năm 2001 đến nay. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) thiếu định hướng, xây dựng nền móng mà giao phó cho câu lạc bộ tự định hình xây dựng bóng đá. Chính lối làm việc thiếu chỉ huy ấy tạo nên một giải đấu thiếu vững chắc, một đội tuyển thiếu hẳn ý chí chiến đấu, cống hiến.

Ảnh minh họa

Còn bóng đá Việt Nam đang xây dựng thứ triết lý hời hợt, bỏ quên khán giả
khiến cổ động viên nước nhà đang quay lưng với chính tình yêu của mình

Đội tuyển Việt Nam thua tơi tả ở vòng loại Asian Cup 2015 cứ như chuyện thường ở huyện, khi lãnh đạo VFF không ai chịu trách nhiệm. Rồi cả giải đấu quốc gia vẫn rối như tơ vò VFF cũng phụ thuộc sự quản lý từ Công ty cổ phần bóng đá VPF. Cái giá cho sự thiếu định hướng ấy là bóng đá Việt Nam ngày càng hời hợt, lỏng lẻo. Cầu thủ ra sân thi đấu thiếu nỗ lực, nảy sinh cả những ý tưởng tránh lên tuyển trong suốt vài năm qua.

Cái giá nhãn tiền là khán giả đang quay lưng với việc đến sân cổ vũ, báo hiệu sự xuống cấp và sụp đổ của cả nền bóng đá. Bởi không có khán giả, kéo theo nhà tài trợ cũng quay lưng, bóng đá Việt Nam khó tự nuôi sống mình. Bởi lúc này cầu thủ quá giàu có nhưng thiếu đi sự cống hiến, phục vụ bằng nghệ thuật trên sân cỏ. Thế mới có chuyện những cổ động viên lớn tuổi tiếc cái thời các sân cỏ cả nước chật kín khán giả. Vì lúc ấy, cầu thủ ra sân chơi bóng bằng đam mê, phô diễn hết năng lực, kĩ năng chơi bóng.

Còn hiện tại, bóng đá Việt Nam dưới sự quản lý VFF lại thiếu đi những giá trị mang tính thẩm mĩ như thế. Khán giả chán nản, thất vọng thứ bóng đá ngày càng xấu xí, thì khó cơ cú hích để bóng đá Việt Nam thoát khỏi giai đoạn tăm tối như hiện tại.

Đó là dấu hỏi về trách nhiệm với lãnh đạo VFF, khi họ chưa tận dụng tốt cả truyền thông lẫn khán giả, để vực dậy nền bóng đá ngày càng lão hóa, già cỗi của chúng ta.


Đức Thọ

Ý kiến bạn đọc