VPF chưa diệt được 'mafia' bóng đá?

19:19, 01/08/2013
|

(VnMedia) - Trước bầu Đệ, huấn luyện viên Nguyễn Thanh Vinh từng nói bóng đá Việt Nam có "mafia" trong giới trọng tài. Sau phát ngôn gây sốc ấy, ông chủ đội Hòa Phát Hà Nội rút lui khỏi địa hạt bóng đá khi thất vọng đời sống bóng đá nước nhà.
 
Bầu Đệ bỏ giải thật hay đùa?

 
Phải nói rằng V-League 2013, Thanh Hóa cùng đội XMXT.Sài Gòn là 2 đội bóng phản ứng trọng tài nhiều nhất. Nguyên nhân từ việc bầu Đệ của Thanh Hóa hay bầu Thụy, huấn luyện viên Trần Tiến Đại thường đăng đàn phát biểu, phản ứng với trọng tài một cách trực diện. Kết quả trên sân, không ít lần hai đội bóng chịu thiệt, khi trở thành cái gai trong mắt giới cầm còi.
 
Đấy là sự thật để khẳng định rằng trọng tài có quyền lực riêng của mình. Khi một đội bóng hay cá nhân phản ứng, đôi khi trong những quyết định 50/50, giới trọng tài thường nghiêng cho đội bóng có thiện cảm hơn. Song một vấn đề không nhỏ khác là quyết định ấy phục vụ cho lợi ích của một đội bóng khác, khi câu chuyện tổ trọng tài điều khiển trận Thanh Hóa - HA.Gia Lai ở lượt đi từng nhận được 100 triệu từ một cá nhân "bí ẩn" càng làm câu chuyện trở thêm rắc rối.
 
Nhưng cơn ức chế của bầu Đệ lẫn bóng đá xứ Thanh có vẻ đã lên đến tận đỉnh. Lần thứ 3 trong mùa, đội bóng của bầu Đệ gửi đơn khiếu nại lên ban tổ chức về trọng tài. Và sau khi ban tổ chức công nhận bàn thắng của Đức Linh hợp lệ, khi bóng còn trong sân ở trận đấu vòng 17 V-League, cuộc khẩu chiến đã đẩy lên cao trào.

Ảnh minh họa

Cách đây 3 năm, Hòa Phát Hà Nội cũng bỏ bóng đá sau khi huấn luyện viên
Nguyễn Thanh Vinh tố cáo có "mafia" trong giới trọng tài nước nhà

Bầu Đệ khẳng định sẵn sàng bỏ giải, nếu đấy là cách để bóng đá Việt Nam thoát khỏi trì trệ như hiện tại. Mạnh bạo hơn, bầu Đệ lấy tư cách 20 năm làm công an để khẳng định bóng đá Việt Nam có "mafia" đứng sau giật dây. Khi lợi ích nhóm xuất hiện đi ngược lại cái chung, tiếng còi "méo" của trọng tài cũng phục vụ cho những quyết định có lợi như vậy.
 
Chỉ biết rằng ở mùa 2011, huấn luyện viên Nguyễn Thành Vinh của Hòa Phát Hà Nội cũng từng thốt lên lời như vậy, khi nói "giới trọng tài Việt Nam có "mafia" đứng sau lưng giật dây". Bởi lúc ấy, đội bóng của bầu Tuấn, bầu Long bị trọng tài Trần Công Trọng thổi ép giúp XM.Hải Phòng thắng lợi và trụ hạng thành công.
 
Bức bối việc bị thổi ép trắng trợn, hai ông bầu của Hòa Phát Hà Nội chính thức rút lui vào cuối mùa, khi thể hiện sự thất vọng hình ảnh bóng đá nước nhà. Đáng nói là 2 ông bầu này theo bóng đá cả chục năm chủ yếu bởi tình yêu, nhưng khi đời sống bóng đá nội nhuốm màu kim tiền, dàn xếp, họ sẵn sàng từ bỏ cuộc chơi.
 
Và khi nghe bầu Đệ tuyên bộ mạnh mẽ như thế, có thể hiểu bầu Đệ sẵn sàng tiếp bước bầu Long, bầu Tuấn bỏ giải thật chứ chẳng đùa.
 
Khi VPF chưa hoàn thành nhiệm vụ lịch sử

 
Thực ra, chuyện một ông bầu năm lần, bảy lượt dọa bỏ giải, phản ứng trọng tài không chuyên nghiệp gì. Nhưng không có lửa làm sao có khói, bởi chính bầu Đệ của Thanh Hóa từng là người tham gia nhiệt tình thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) thay thế Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) quản lý 2 giải đấu chuyên nghiệp.
 
Nhưng sau 2 năm, VPF đã không vực dậy được nền bóng đá nước nhà như lời hứa. Việc yếu nhân trụ cột của VPF là bầu Kiên dính vòng lao lý đã ảnh hưởng không nhỏ hoạt động của bộ máy của VPF thời gian qua. Bầu Đệ từng có cuộc tranh cãi nảy lửa với bầu Đức, bầu Dũng trong cuộc họp tổng kết mùa giải chuyên nghiệp 2012, khi nói rằng VPF nên rút lui vì không hoàn thành công việc quản lý giải chuyên nghiệp.

Ảnh minh họa

Bầu Đệ của đội Thanh Hóa (vàng) khẳng định có mafia trong bóng đá Việt Nam
và VPF không hoàn thành được nhiệm vụ cải tổ 2 giải chuyên nghiệp

Có nhiều ý kiến bầu Đệ không phải không có lý, khi bóng đá Việt Nam vẫn chưa giải quyết dứt điểm chuyện một ông bầu nhiều đội bóng liên quan đến bầu Hiển. Vừa qua lại thêm chủ tịch Hội đồng quản trị VPF Võ Quốc Thắng rơi thế làm ông bầu ĐT.Long An nhưng lại là nhà tài trợ cho K.Kiên Giang. Dù bầu Thắng có giải thích nhưng tất cả không lọt tai dư luận, khi người chấp pháp lại cũng đi vào con đường như bầu Hiển đang làm.
 
Và những chuyện khác về cung cách quản lý, tổ chức nhất là vấn đề trọng tài gây nhiều bức xúc cho các đội bóng. Chuyện lãnh đạo và cầu thủ XMXT.Sài Gòn có bán độ ở Siêu cúp quốc gia hay không chưa được công bố. Nhóm trọng tài nhận tiền hối lộ 100 triệu do ai chủ mưu sau lưng cũng không thực sự có câu trả lời như mong muốn của dư luận.
 
Cảm giác vai trò của VPF có phần nhạt đi thời gian qua, còn BTC giải V-League 2012 cũng bị phê bình là tuyên bố trọng tài thổi trận Thanh Hóa - XMXT.Sài Gòn làm tốt nhiệm vụ bị xem là quá nhanh, quá sớm. Kết cục sự giận dữ, bức xúc của đội bóng xứ Thanh càng lớn, trong lúc UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cùng Tổng cục Thể dục thể thao để chấn chỉnh công tác trọng tài.
 
Nếu Thanh Hóa bỏ giải thật, uy tín của VPF càng xuống thấp. Nhưng tổ chức nào sẽ đứng ra quản lý 2 giải chuyên nghiệp cũng khó trả lời, khi VFF cũng từng gây nhiều bức xúc tương tự, dẫn đến sự ra đời VPF cách đây 2 năm. Xem ra bóng đá Việt Nam càng cải tổ lại càng lộn xộn, phức tạp hơn, thay vì sự tiến lên, phát triển như mong muốn chung từ xã hội.
 


Phan Anh

Ý kiến bạn đọc