V-League 2013: "Vàng mắt" tìm sao trẻ

17:45, 11/04/2013
|

(VnMedia) - Sự thụt lùi của 2 giải chuyên nghiệp Việt Nam mang lại hy vọng sự xuất hiện nhiều hơn những cầu thủ trẻ. Nhưng qua 4 vòng đấu, dấu ấn các ngôi sao ở độ tuổi U23 là quá ít, khiến giấc mơ vô địch SEA Games vẫn như dấu hỏi chưa có lời giải.
 
Thực trạng đáng buồn ở tuyến trẻ
 
Cho đến lúc này, cơn khát huy chương vàng bóng đá nam ở các kỳ SEA Games vẫn ám ảnh người làm bóng đá nước nhà. Kể từ khi trở lại hội nhập với thể thao khu vực, đội bóng đá nam Việt Nam vẫn thất bại trước cửa thiên đường.
 
Từ thế hệ của Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn, Đỗ Khải... cho đến Văn Quyến, Công Vinh, Minh Phương, Tài Em... đều thất bại trước ngưỡng cửa lịch sử. Kể cả SEA Games 25 tổ chức tại Lào, U23 Việt Nam vẫn thất bại trước U23 Malaysia, dù được đánh giá cao nhất ở giải đấu năm ấy.
 
Và kỳ SEA Games 2011, U23 Việt Nam tiếp tục rơi vào chuỗi trận thất vọng trường kỳ ấy. Sau khi bị loại ở bán kết, thầy trò Falko Goetz chơi trận đấu kém cỏi, rồi thua tan nát U23 Myanmar ở trận tranh huy chương đồng. Nguyên nhân lớn nhất các cầu thủ U23 năm ấy đều non kinh nghiệm trận mạc, lại bị áp lực đè nén, nên càng thi đấu càng đuối.
 
Hiện trạng đáng lo cho bóng đá nước nhà ở chỗ, các tài năng trẻ đang thiếu hụt, do tình trạng các câu lạc bộ bỏ bê sân chơi đào tạo trẻ. Những địa phương từng nổi tiếng có lò đào tạo xuất sắc như Nam Định, Đồng Tháp, Khánh Hòa lần lượt bị xóa sổ khỏi sân chơi chuyên nghiệp vì nhiều lý do khác nhau.

Ảnh minh họa

Các trận đấu ở tầm đội tuyển đang có quá ít cơ hội cho những ngôi sao trẻ
xuất hiện và chứng tỏ được tài năng, phẩm chất của mình

Đến những giải trẻ tầm quốc gia cũng không còn nhiều ngôi sao trẻ xuất hiện rồi tỏa sáng ở sân chơi V-League như trước. Có thể xem trường hợp tiền vệ Nguyễn Văn Quyết từng bùng nổ U19 Thể Công rồi sau chuyển sang chơi cho HN.T&T là trường hợp hiếm hoi tỏa sáng sau khi trình làng ở các giải trẻ. Còn nhiều trường hợp mới nổi như Hữu Khôi, Anh Tuấn, Đình Bảo... lại chìm vào bóng tối sau khi bùng nổ ở các giải đấu ở tầm quốc gia.
 
Đáng báo động trước thềm SEA Games 27 tại Myanmar, bộ khung U23 Việt Nam vẫn bị xem là yếu và thiếu nhiều mặt. Từ kinh nghiệm, bản lĩnh trận mạc lẫn sự tự tin cần thiết khi bước ra đấu trường khu vực. Từ cú sốc giành á quân BTV Cup, số cầu thủ như Minh Tuấn, Đình Bảo, Phi Sơn... không được thử lửa nhiều ở sân chơi châu lục. Kể cả vòng loại Asian Games 2015, huấn luyện viên Hoàng Văn Phúc cũng chủ yếu dùng trụ cột từng đá AFF Cup 2012, chứ chưa tạo nhiều đất cho các "sao" trẻ trình diễn.
 
Đến hình ảnh thất vọng ở V-League
 
V-League 2013 bắt đầu với sự biến mất của nhiều ông bầu, nhiều câu lạc bộ gắn liền với doanh nghiệp. Sàn chuyển nhượng ế ẩm khi các bản hợp đồng bom tấn ít xuất hiện. Thay vào đó, nhiều đội bóng chấp nhận đôn các cầu thủ trẻ lên thay thế, để giảm bớt tiền mua sắm hay trả lương cho các cầu thủ. Thế mới có trường hợp như tuyển thủ quốc gia Lê Công Vinh về Sông Lam Nghệ An với giá 500 triệu, dù mùa trước từng được Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội chi ra không dưới 10 tỷ đồng để có được Vinh "còm".
 
Tất cả hy vọng từ sự thụt lùi của cả V-League, các cầu thủ trẻ được ra sân, thể hiện nhiều hơn. Đó cũng là tín hiệu tốt để các cầu thủ bản địa lên tiếng thay vì sự lấn lướt của các sao ngoại hay những ngôi sao nội đã có phần luống tuổi.
 
Tiếc rằng 4 vòng đấu mở màn đã qua, dấu ấn các ngôi sao trẻ lại quá ít so với sự kỳ vọng của những người làm chuyên môn. Kể cả tiền vệ trẻ Phi Sơn từng được đội U19 Adelaide Utd của Australia đặt lời mời cũng có màn thể hiện khá bình thường trong màu áo Sông Lam Nghệ An. Còn rất lâu Phi Sơn mới có được hình ảnh tốc độ, bản lĩnh như Trọng Hoàng ở câu lạc bộ lẫn đội tuyển.
 
Chính một ngôi sao trẻ khác là Quốc Phương cũng có màn thể hiện dưới sức ở Thanh Hóa. Có cái chân trái khéo léo, cùng những bàn thắng kinh điển ở V-League 2012. Nhưng năm nay, Quốc Phương đang sa đà những pha vào bóng ác ý với đối thủ. Nếu trận gặp HA.Gia Lai, Quốc Phương có pha vào bóng kungfu nguy hiểm với đối thủ, nhưng được trọng tài nương nhẹ. Thì đến trận đấu V.Ninh Bình, Quốc Phương tiếp tục có pha vào bóng thô bạo với Văn Duyệt và nhận thẻ đỏ.

Ảnh minh họa

Ở V-League mùa 2013, cũng có ít những ngôi sao trẻ xuất hiện và
chơi bùng nổ như tiền vệ Văn Quyết (trắng) đã làm ở Hà Nội.T&T

Hoặc ở SHB.Đà Nẵng cũng từng tung nhiều cầu thủ trẻ như Quách Tân, Minh Tuấn, Anh Khoa ở đấu trường AFC Cup khi gặp Kelantan của Malaysia. Cái giá phải trả không hề rẻ khi đương kim vô địch V-League thất bại tan nát 0-5 ở sân khách. Trong lúc những ngôi sao trẻ khác cũng có màn thể hiện khá nhạt, thiếu lửa ở câu lạc bộ.
 
Chợt thấy lo với dàn cầu thủ trẻ hiện tại, U23 Việt Nam sẽ làm được gì ở SEA Games 27. Trong lúc U23 Malaysia để dàn sao trẻ sang Đông Âu tập huấn, liên tục cọ sát để tích lũy kinh nghiệm, thì dàn U23 Việt Nam vẫn chưa biết đi đâu tập huấn. Ở tầm câu lạc bộ, họ cũng không vượt qua được áp lực từ dư luận, để rồi giới chuyên môn "vàng mắt" tìm sao trẻ tài năng ở các câu lạc bộ.
 
Đó cũng là câu trả lời cho lý do vì sao U23 Việt Nam liên tục thất bại ở các giải khu vực gần đây một cách có hệ thống như thế.


Phương Thảo

Ý kiến bạn đọc