Lý giải "cơn địa chấn" tại Allianz Arena

14:54, 24/04/2013
|

(VnMedia) - Đó là lần đầu tiên Barca phải nhận thất bại đau đớn tới vậy kể từ tháng 11/1997. 4 bàn thua đã đẩy Messi và các đồng đội khỏi giấc mơ Wembley. Phải chăng đã tới lúc tiqui-taca không còn là thứ vũ khí hủy diệt?

5 năm qua, tiqui-taca đã trở thành thứ vũ khí lợi hại của bóng đá thế giới. Với lối chơi này, Barca đã giành 14 danh hiệu lớn nhỏ. Còn Tây Ban Nha cũng có tới 2 lần lên đỉnh châu Âu và 1 lần vô địch World Cup. Đêm qua, tại Allianz Arena, Barca vẫn sử dụng chiến thuật ấy, cầm bóng tới 66% nhưng thông số ấy chẳng còn nhiều ý nghĩa…

Địa chấn! Đó là 2 từ mà rất nhiều người đã thốt lên khi nhìn vào bảng tỉ số: 4-0. Tờ Bild đã giật dòng tít khá ngộ nghĩnh rằng “4-0! Đúng là như vậy! Chính xác là như vậy”. Có vẻ như họ không tin nổi vào mắt mình khi Barca đã phải chịu thất bại nặng nề nhất ở trời Âu kể từ tháng 11/1997 (thua Dinamo Kiev 0-4).

Nhưng nếu nhìn vào diễn biến trận đấu và những gì Bayern đã thể hiện, đó không phải là cơn địa chấn. Hay nói đúng hơn, Bayern đã chiến đấu bằng thứ bóng đá tinh hoa nhất mà họ đang sở hữu, từ lực lượng, chiến thuật tới cách tiếp cận trận đấu. Đến đây, người ta mới gợi nhớ lại lời thách thức của HLV Jupp Heynckes trước khi trái bóng nhập cuộc “Tôi đã nắm rõ Barca như lòng bàn tay, thậm chí còn hơn cả Bayern bởi tôi đã theo dõi họ trong nhiều năm qua”.

Ảnh minh họa

Messi nhạt nhòa trong ngày thi đấu thất vọng của Barca

Heynckes biết rằng đây là mùa giải cuối cùng ông còn ngồi trên chiếc ghế nóng tại Allianz Arena. Có cho phép, chiến lược gia lão làng này cũng không cần sự trợ giúp của người kế nhiệm Pep Guardiola. Thay vào đó, ông đã đưa ra một chiến thuật cực kì hợp lí, bóp chết lối chơi tiqui-taca ngay từ khu vực giữa sân.

Áp sát, áp sát và áp sát…Đó là khẩu ngữ mà Heynckes liên tục thét lên phía bên ngoài đường pitch. Ông hiểu rằng đó là rào cản khó khăn nhất đối với Barca. Trong khoảng không gian tù túng, chật hẹp tại Allianz Arena, các siêu tiền vệ xứ Catalan không còn duy trì được tính hiệu quả trong những đường chuyền. Hệ quả, không những Barca không thể áp đặt thế trận tấn công, họ còn liên tục mất bóng.

Sự khác biệt giữa Bayern và Barca nằm ở mặt lực lượng. Heynckes mất 2 quân bài quan trọng là Mandzukic và Kroos nhưng với dàn quân đồng đều trong tay, chiến lược gia lão làng người Đức đã biến sự thiếu hụt đó trở thành sức mạnh của Hùm xám.

Đó là việc sử dụng Martinez trong vai trò đánh chặn cùng Schweinsteiger, đẩy Robben vào đội hình xuất phát và kéo Muller về vị trí số 10 mà đúng ra, tiền vệ này đã thi đấu như một tiền đạo ảo. Trong vai trò ấy, Thomas Muller tiếp tục chứng tỏ cái duyên ghi bàn bằng 2 bàn thắng và 1 đường kiến tạo. Không hiểu Busquets đã ở đâu khi liên tục để Muller cắt đuôi? Hệ quả, Bayern có 2 nắm đấm sẵn sàng tung ra những miếng đánh vỗ mặt mà họ thừa biết hàng thủ của Barca đã trống hoác khi mất cả Puyol, Mascherano lẫn Adriano.

Bayern có quá nhiều phương án tấn công, khi thì trung lộ, lúc đánh biên nhưng hiệu quả nhất lại là những đường bóng bổng. Hai bàn thắng đầu tiên của họ đều đến từ những pha tạt cánh đánh đầu trước khi tạo cơ hội không thể tốt hơn cho Muller và Gomez. Có cảm giác rằng “Hùm xám” vẫn chưa bung hết sức mình trong trận đánh đêm qua. Có thời điểm họ thu quân, nhường thế trận cho Barca trước khi tung ra những cú đấm quyết định.

4 bàn cách biệt là khoảng cách quá lớn. Không ghi được bàn thắng sân khách nào là trở ngại thứ hai. Và bao trùm tất cả là việc Bayern quá đồng đều về lực lượng, chắc chắn và sắc bén trong lối chơi, nhuần nhuyễn trong phối hợp, sung mãn về thể lực và cực thoải mái về tâm lý.

Ảnh minh họa

Siêu tiền vệ của Barca bất lực trước lối chơi khoa học của Bayern Munich

Nếu Barca cần những con số thống kê thì đây. Chưa có đội nào trong lịch sử cúp C1 trước đây hay Champions League hiện nay có thể ngược dòng thành công sau khi để thua 0-4 ở trận lượt đi. Điều thần kỳ chỉ xảy ra 3 lần nhưng là ở những cúp châu Âu khác.

Barca đã tự đẩy mình vào thế chân tường. Họ không còn dám thốt lên 2 từ “hi vọng” như sau trận thua 0-2 trên sân Milan. Chính xác thì mùa giải năm nay là thời điểm tiqui-taca trở nên yếu đuối đến tuyệt vọng. Barca sắp đăng quang La Liga nhưng trong những trận cầu lớn, đội bóng của Tito luôn cạn kiệt ý tưởng. Từ thất bại 0-2 trên sân Milan, 2 trận thua Siêu kinh điển liên tiếp tới màn rượt đuổi “hút chết” trước PSG đều chỉ ra những hạn chế của tiqui-taca.

Thực ra, Barca không phải chưa từng thất bại với tỷ số tương tự và họ còn có những trận thua đậm khác kể từ khi Champions League ra đời. Cay đắng nhất chính là thất bại 0-4 của Barca trước Milan ở chung kết Champions League 1994.

Tỷ số cũng giống hệt trận thua Munich rạng sáng nay nhưng đó là trận chung kết. Barca của Johan Cruyff ngày ấy cũng được kỳ vọng nhiều với những ngôi sao tầm cỡ như Romario, Koeman, Stoichkov nhưng cú đúp của Massaro cùng các bàn thắng của Savisevic và Desailly đã nhấn chìm tất cả.

Ở vòng bảng Champions League 1997-1998, Barca thậm chí còn thảm bại 0-4 trước Dynamo Kiev của Shevchenko ngay tại Camp Nou. Trận thua Munich 0-4 rạng sáng nay chính là thất bại đậm nhất của Barca ở Champions League kể từ sau trận thua Kiev nói trên. Phải chăng đã tới lúc tiqui-taca không còn là thứ vũ khí hủy diệt!?


Hoàng Ngọc

Ý kiến bạn đọc