Dấu ấn VFF qua các đời chủ tịch tiền nhiệm

13:07, 06/04/2013
|

(VnMedia)Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã trải qua nhiều thăng trầm với 7 đời chủ tịch, trước thềm Đại hội ban chấp hành VFF nhiệm kỳ 7, hãy cùng VnMedia nhìn lại dấu ấn của các vị chủ tịch VFF bắt đầu từ khi làng thể thao nước nhà trở lại hội nhập với thể thao thế giới.
 
1. Chủ tịch Trịnh Ngọc Chữ (1989-1991)
 
Vào năm 1989, khi làng thể thao nước nhà trở lại hội nhập với thể thao thế giới, bóng đá Việt Nam cũng có bước chuyển mình phù hợp với xu thế mới. Trong Đại hội ban chấp hành nhiệm kỳ 1, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể Thao (TDTT) Trịnh Ngọc Chữ đã trúng cử chức chủ tịch VFF. Tuy nhiên 1 năm sau, Tổng cục TDTT sát nhập vào Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, ông Chữ chia tay VFF để đảm nhiệm chức vụ Vụ trưởng Vụ tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao v& Du lịch.
 
2. Chủ tịch Dương Nghiệp Chí (1991-1993)
 
Sau khi ông Chữ chuyển công tác, ban chấp hành VFF đưa phó chủ tịch Dương Nghiệp Chí (Cục trưởng Tổng cục TDTT) lên thay thế. Đây là thời điểm bóng đá Việt Nam dự SEA Games 16 tại Philippines rồi đá vòng loại World Cup 1994. Dưới thời ông Chí, VFF đã tạo được dấu ấn, vị trí trong xã hội khi thông qua kênh thể thao để kết nối Việt Nam với khu vực và thế giới.
 
3. Chủ tịch Đoàn Văn Xê (1993-1997)
 
Đến Đại hội ban chấp hành nhiệm kỳ  2, chủ tịch VFF là người đứng đầu ngành đường sắt: Tổng cục trưởng Đoàn Văn Xê. Vốn không có chuyên môn bóng đá, ông Xê vẫn mạnh tay làm cải tổ nội bộ bóng đá Việt vốn đang tranh tối tranh sáng. Việc mời HLV người Đức Karl Heinz Weigang dẫn tuyển Việt Nam đoạt huy chương bạc SEA Games 18 là dấu son dưới thời ông Xê làm chủ tịch VFF. Tuy nhiên những sự cố xuất hiện sau đó do bất đồng nội bộ VFF, ông Xê rút lui vào tháng 10/1997.
 
4. Chủ tịch Mai Văn Muôn (1997-2001)
 
Tháng 10/1997, ông Mai Văn Muôn, Phó tổng cục trưởng rồi Phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT, trúng cử Chủ tịch VFF khoá 3. 

Ảnh minh họa

Chủ tịch VFF Mai Văn Muôn

Trong nhiệm kỳ này của ông Muôn, tuyển Việt Nam tuột mất danh hiệu vô địch Tiger Cup 1998 (tiền thân AFF Cup) trên sân nhà, dù chơi chói sáng hạ Thái Lan 3-0 ở bán kết.
 
5. Chủ tịch Hồ Đức Việt (2001-2003)
 
Sau khi ông Muôn rời chức, VFF đón nhận vị chủ tịch VFF Hồ Đức Việt rất nhiệt tình với thể thao dù không có nhiều chuyên môn về bóng đá. Trong 2 năm ngắn ngủi làm chủ tịch VFF, nguyên bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên cũng có dấu ấn ngọt ngào khi tuyển Việt Nam dưới thời HLV Henrique Calisto đoạt hạng ba AFF Cup 2002. HLV Henrique Calisto đã cho ra mắt những cầu thủ mới như Trường Giang, Minh Phương, Tài Em là trụ cột tuyển Việt Nam sau này.
 
6. Chủ tịch Mai Liêm Trực (2003-2005):
 
Sau ông Việt, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện,  Thứ Trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực là người tiếp quản “ghế nóng” ở VFF. Ông Trực từng lập bản đề cương cải tổ bộ máy hoạt động của VFF vào năm 2004 hay đưa ra những ý tưởng thay đổi cung cách hoạt động trì trệ của làng bóng đá nội.

Ảnh minh họa

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực (trái) từng có đề
án tâm huyết để cái tổ thượng tầng VFF vào năm 2004

Dù tâm huyết của người từng đoạt giải thưởng "Sao Khuê" cho những đóng góp ở lĩnh vực công nghệ thông tin chưa được như ý muốn, ông Trực cũng đoạt nhiều quả ngọt sau khi U23 Việt Nam đạt huy chương đồng ở SEA Games 22 trên sân nhà, hay Việt Nam đồng đăng cai Asian Cup 2007 đều có dấu ấn lớn của chủ tịch Mai Liêm Trực.
 
7. Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ (2005-2013)
 
Là vị chủ tịch có "tuổi thọ" dài nhất qua 2 nhiệm kỳ 5 và 6, nhưng cựu trưởng bộ môn bóng rổ Nguyễn Trọng Hỷ lại chưa tạo được dấu ấn như dư luận mong đợi. Ngoài chức vô địch tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2008, hay U22 Việt Nam vô địch Merdeka Cup 2008, dấu ấn cải tổ của ông Hỷ là quá ít.

Ảnh minh họa

Là chủ tịch VFF có nhiệm kỳ dài nhất nhưng dấu ấn của ông Nguyễn Trong Hỷ
trong 8 năm đã qua chưa đáp ứng được mong đợi từ phía dư luận

Những thất bại liên tiếp của bóng đá Việt Nam ở SEA Games hay AFF Cup gần nhất, ông Hỷ là người đáng lý gánh trách nhiệm nhiều nhất. Nhưng mãi cuối nhiệm kỳ 6, ông Hỷ mới rút lui trong lúc VFF mất đi vai trò điều hành nền bóng đá về tay VPF.

Cuộc đua tìm chủ tịch VFF thứ 8
 
Trước Đại hội ban chấp hành VFF nhiệm kỳ 7, chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã giới thiệu nhiều gương mặt nổi bật để làm tân chủ tịch VFF, như Trưởng ban nội chính Trung Ương Nguyễn Bá Thanh, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao & Du lịch Lê Khánh Hải, bầu Đoàn Nguyên Đức của HA.Gia Lai, bầu Đỗ Quang Hiển của HN.T&T, hay chủ tịch Hội đồng quản trị VPF Võ Quốc Thắng... Song vì nhiều lí do khác nhau, những ứng viên này đều lần lượt rút lui vào phút cuối.

Ảnh minh họa

Tân chủ tịch VFF nhiệm kỳ 7 của VFF cần người có chuyên môn bóng đá
như Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn (đứng) 

Vì vậy tới lúc này, cuộc chạy đua vào chức chủ tịch VFF diễn ra chủ yếu giữa Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng giỏi làm kinh tế và Phó chủ tịch VFF Phạm Văn Tuấn vốn là người của Tổng cục TDTT lại có chuyên môn về bóng đá. Tất cả đều hy vọng chủ tịch VFF là người được việc và tâm huyết để đưa bóng đá Việt Nam trở lại đúng hướng đi và đáp ứng được sự kỳ vọng của người hâm mộ.


Phan Anh

Ý kiến bạn đọc