Mùa giải mới 2013: Lượng giảm, hi vọng chất sẽ tăng

07:17, 28/02/2013
|

(VnMedia) - Cuối tuần này, V-League mùa giải 2013 chính thức bắt đầu. Sau những sự khó khăn, khủng hoảng, hi vọng mùa giải mới sẽ có nhiều khởi sắc.

 

Khó khăn sẽ vẫn còn kéo dài

 

Ngày 2/3 tới, Giải bóng đá chuyên nghiệp vô địch Quốc gia V-League 2013 sẽ chính thức khởi tranh.

 

V-League trở lại sau 6 tháng, và trong quãng thời gian nửa năm vừa qua, có không biết bao nhiêu những khó khăn, và nói không quá, đó là một cơn khủng hoảng thực sự. Bầu Kiên vướng vòng lao lý, 2 đội bóng của ông bầu này là CLB BĐ Hà Nội và CLB Trẻ BĐ Hà Nội không tham dự mùa giải 2013. Nhiều ông bầu, nhiều đội bóng biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam: đội bóng giàu truyền thống K Khánh Hòa giải tán chỉ trong không đầy một tuần, Navibank Sài Gòn giải thể, hàng loạt đội bóng hạng Nhất khác cũng biến mất. V-League tưởng chừng đã không thể diễn ra, Đồng Nai được đôn lên hạng, V-League lùi ngày khai mạc, với con số đội bóng được chốt lại là 12 đội.


         Ảnh minh họa 
                                V-League chính thức trở lại vào cuối tuần này



Hàng trăm cầu thủ ra đường thất nghiệp, vật lộn mưu sinh. Gía chuyển nhượng giảm, thị trường chuyển nhượng có nhiều thời điểm đóng băng. Lương thưởng cầu thủ bị nợ, những đôi chân tiền tỉ trước kia giờ ngẩng mặt lên trời kêu “chết đói” theo đúng nghĩa đen. Vẫn còn đó những nguy cơ, khi bóng đá Việt lộ rõ việc quá phụ thuộc vào ông bầu, doanh nghiệp, và khi doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, thì nguy cơ bóng đá “đói” về tài chính vẫn còn lơ lửng.

 

Ngay đầu mùa giải, sau khi SHB Đà Nẵng thể hiện bộ mặt tích cực và lên ngôi một cách xứng đáng, thì lập tức một vụ lùm xùm đi kèm theo sau trận chung kết Cup QG. Chỉ bởi 1 tin nhắn rác, lại có nguy cơ một đội bóng giải tán khi bầu Thụy, ông bầu vốn nổi tiếng chẳng giống ai của đội bóng XM XT Sài Gòn lại lần thứ 3 “dọa” giải tán đội bóng. Ban tư vấn đạo đức vừa thành lập, nhưng người ta đã thấy ngay sự bất cập, hơi có chút thiếu xót của ban này trong “sự vụ” đầu tiên. Lập luận của Ban lãnh đạo CLB XM XT Sài Gòn chẳng phải không có lý, khi họ phát biểu rằng Ban tư vấn đạo đức được lập ra để phòng chống tiêu cực, nhưng tại sao khi trước thời điểm trận đấu diễn ra đã nhận được tin nhắn rác, thì đã không báo cáo ngay cho BTC trận đấu mà sau đó thông tin mới vỡ lở qua các kênh khác.

Tìm hướng đi trong khó khăn

 

V-League chỉ còn 12 đội, nhưng đó đều là những thực thể còn tồn tại được sau những sự khó khăn của bóng đá Việt. ĐT Long An cùng bầu Thắng trở lại V-League. V Ninh Bình với quyết tâm mới hay XM Vicem Hải Phòng với những sự tái cơ cấu về lực lượng. SLNA vẫn sống khỏe nhờ vào truyền thống địa phương hay một HN T&T đi tìm lại hình ảnh đã phần nào bị sứt mẻ. Những yếu tố này, là cái đáng để chờ đợi. Hi vọng, lượng đã giảm, ở cả giải hạng Nhất lẫn V-League, nhưng chất sẽ tăng.

 

VPF sau mùa giải đầu tiên điều hành bóng đá Việt Nam cũng đã rút ra thêm nhiều bài học kinh nghiệm cho công tác điều hành và tổ chức, nhìn nhận cặn kẽ thêm hướng đi và sự vận động của chính tổ chức này, trong việc tìm ra định hướng và kế sách để thúc đẩy thêm sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Việc VPF mời cố vấn người Nhật, rồi việc Ban trọng tài sau khi sát hạch đã cho “rớt” những trọng tài “yếu tim”, kém thể lực, là những điều rất đáng ghi nhận.

 

Khủng hoảng, khó khăn cũng có những mặt tích cực, khi cầu thủ trở về với giá trị thực. Cầu thủ không còn là một “nghề” mà giá trị thu nhập vượt quá tới mức vô lí, gấp đến cả vài trăm lần những ngành nghề khác. Đã không còn những con số chục tỉ cho những cầu thủ nội, V-League cũng không còn là mảnh đất mà những cầu thủ ngoại binh chỉ khỏe chạy ẩu, sút bừa là kiếm tiền dễ dàng. Cầu thủ phải ý thức hơn với nghề, trân trọng hơn cái nghiệp, đá vì khán giả, vì lòng tự trọng, vì màu cờ sắc áo đội bóng và sau đó mới là vì “cái nồi cơm” của cá nhân mình.

 

Cuối tuần này, V-League 2013 chính thức bắt đầu, trong sự hồi hộp, lo âu, cũng có nhiều cái để chờ đợi và hi vọng.

 

 

 

 


Quang Anh

Ý kiến bạn đọc