Chuyên gia Nhật Tanabe sốc với bóng đá Việt?

18:27, 26/02/2013
|

(VnMedia) - Lãnh đạo VPF chỉ ký hợp đồng ngắn hạn 1 năm, song nhiệm vụ của chuyên gia Kazuyoshi Tanabe là cải tổ, điều chỉnh hướng đi cho giải chuyên nghiệp Việt Nam vốn còn chưa chuyên nghiệp trong cách hoạt động.

Trông chờ vào tư duy bóng đá Nhật

Từ lâu, bóng đá Nhật Bản đã được xem là con rồng mới của bóng đá châu Á. Tính từ khi giải nhà nghề Nhật Bản (J-League) ra đời vào năm 1992, bóng đá xứ Phù Tang đã phát triển chóng mặt. Không chỉ 4 lần vô địch châu Á, họ còn sản sinh nhiều ngôi sao đủ đẳng cấp thi đấu ở châu Âu như Nakata, Kagawa, Honda, Uchida, Okazaki, Nagatomo... Thời điểm gần đây, hàng loạt tài năng trẻ khác như Usami, Kiyotake, Yoshida... cũng lần lượt sang Anh, Đức, Hà Lan để thi đấu và chứng tỏ hướng đi đúng đắn của người Nhật. Chưa bao giờ, làn sóng cầu thủ Nhật lại ồ ạt sang châu Âu và thu về kết quả ấn tượng như lúc này.

Còn về mặt cơ cấu tổ chức, phát triển, giải nhà nghề Nhật cùng Hàn Quốc đang là 2 giải VĐQG hàng đầu châu lục. Không chỉ thu về thương quyền truyền hình, chất lượng, sự cuồng nhiệt từ khán đài... đã tạo nên sức hút mạnh mẽ cho J-League.

Cũng từ bước phát triển thần tốc, đúng đắn của nước bạn, C.ty cổ phần bóng đá VPF mới bắt tay với ban tổ chức J-League để học hỏi mô hình kinh nghiệm, quản lý. Rõ ràng cách tiếp cận, làm bóng đá Nhật Bản là mô hình tốt để chúng ta học hỏi theo. Thực tế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ra đời 10 năm, nhưng thứ tư duy ăn xổi, ở thì, bóng đá bàn giấy... vẫn ăn sâu trong tiềm thức của lãnh đạo, cầu thủ Việt.

Ảnh minh họa

Sự có mặt chuyên gia Nhật Kazuyoshi Tanabe (áo trắng) mang theo niềm tin
về sự phục hưng của bóng đá nội sau 10 năm phát triển quá nóng đã qua

Để rồi sự thiếu hụt nền tảng bền vững, chắc chắn, giải chuyên nghiệp rơi cảnh sa sút có hệ thống như lúc này. Rõ ràng việc phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp, lối đầu tư ngẫu hứng từ các ông bầu, cung cách làm việc nghiệp dư lĩnh lương cao, đã đẩy mùa giải 2012 trở thành thảm họa với chúng ta.

Trong lúc chúng ta đang vẽ lại con đường chuyên nghiệp theo kiểu "Nhật hóa", lãnh đạo VPF cũng mời chuyên gia K.Tanabe sang hỗ trợ khâu xây dựng lại giải nhà nghề Việt Nam. Rất nhiều kỳ vọng, tin tưởng được đưa ra, khi ông Tanabe từng đóng vai trò giám đốc điều hành thành công tại Nhật Bản, Pháp. Vốn kiến thức, cộng sự cần cù, hiệu quả của Tanabe như chất xúc tác bóng đá Việt Nam đang còn thiếu, khi chúng ta vẫn thấy cảnh các ông bầu (trong bộ máy VPF) vừa cầm còi vừa đá bóng trong suốt thời gian qua.

Những mệnh đề cần Tanabe xử lý

Sau khi nhận lời sang Việt Nam, ông Tanabe tất bật những chuyến bay sang đất nước hình chữ S. Đầu tiên ông tham khảo những trận đấu các giải trẻ, rồi dự Siêu cúp QG 2012 vừa qua. Chuyên gia vừa được VPF ký hợp đồng 1 năm đã tranh thủ tìm hiểu cơ sở hạ tầng, cung cách quản lý của các câu lạc bộ chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Nhiều người kỳ vọng nhưng cũng không ít người nghi ngờ khả năng của chuyên gia người Nhật Bản. Bởi thay đổi cung cách, quan điểm làm bóng đá Việt Nam lâu nay đã ăn vào máu. Giống như cách các ông bầu thích thì đầu tư, chán thì bỏ bóng đá giữa chừng. Sự thiếu chuyên nghiệp đến đội bóng như XMXT.Sài Gòn một năm đổi tên đến 4 lần, đòi một lúc mang hai tên XMXT.Sài Gòn ở V-League rồi Sài Gòn.XT tại AFC Cup 2013 thì cũng đến độ bó tay.

Ảnh minh họa

Để chuyên gia Tanabe giải cứu thành công bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam
cũng cần sự chung tay chính người trong cuộc từ VFF, VPF đến các CLB

Rồi cảnh cầu thủ đá nhau như múa võ trên sân, khán giả chặn trọng tài trên đường để hành hung ở mùa giải vừa rồi. Thứ văn hóa bóng đá cho - xin điểm, bán độ, cá độ vẫn lẩn khuất sau cánh gà, như vụ nghi án cầu thủ XMXT.Sài Gòn bán độ ở Siêu cúp QG vừa qua là một minh chứng rõ nét.

Chính lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) từng thả gà ra đuổi, vẫn nhân nhượng bóng đá tình cảm. Làm gì có chuyện một ông bầu cắp nách nhiều đội bóng cùng một hạng mà lãnh đạo VFF cứ coi như chuyện đặc thù phải có ở Việt Nam, bóng đá Việt phải vậy. Đấy là mầm mống nguy hiểm tạo ra những tiền lệ "thượng bất chính, hạ tắc loạn" đang xảy ra...

Chưa khi nào sự tồn tại các câu lạc bộ ở ta mong manh như thế, khi 1 đêm đội bóng bị giải thể, chuyển giao theo ý thích các ông bầu. Ở nước ngoài việc thay đổi phiên hiệu câu lạc bộ là cấm kỵ, nhưng ở ta chuyện này giống như chuyện thường ở huyện. Tình yêu bóng đá không được coi trọng, các ông bầu chỉ cần vung nắm tiền là xong chuyện. Đấy là chuyện không mới, nhưng với con người vốn quen sống môi trường chuyên nghiệp, bài bản có sẵn như ông Tanabe cũng sốc không ít khi tham quan các địa điểm bóng đá ở ta.

Rõ ràng nhiệm vụ giải cứu bóng đá Việt Nam không dễ cho ông Tanabe, nếu chính người trong cuộc vẫn duy trì lối sống thiếu chuyên nghiệp như cũ. 


Phương Thảo

Ý kiến bạn đọc