Giấc mơ bóng đá Việt trong năm 2013!

06:47, 03/01/2013
|

(VnMedia) - Chứng kiến một năm thảm họa của bóng đá nước nhà, không ít hy vọng được đặt ra trong năm mới 2013. Đa phần dư luận mong muốn sự thay đổi lớn nhất trong bộ máy Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) để giúp bóng đá nội thoát cảnh sa sút như hiện tại.

1. Tân chủ tịch VFF có chuyên môn bóng đá

Trải qua 4 nhiệm kỳ dưới thời chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, vốn chuyên về bóng rổ, bóng đá Việt thụt lui ra sao ai cũng rõ. Giải chuyên nghiệp thiếu định hướng, quy định cụ thể để các ông bầu tự tung, tự tác trong việc quản lý các đội bóng. Còn ở đội tuyển, việc sử dụng nhiều thầy ngoại có triết lý bóng đá khác nhau, đã khiến thành tích của tuyển Việt Nam ngày càng sa sút.

Ảnh minh họa

Đến lúc vị trí chủ tịch VFF cần một lãnh đạo có chuyên môn về bóng đá thật sự

Trách nhiệm về mặt quản lý của chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ là không thể bàn cãi. Nhưng trong suốt thời gian qua, ông Hỷ vẫn không chịu rút lui trước áp lực từ chức từ dư luận. Có cảm tưởng trong 2 nhiệm kỳ ông Hỷ đảm nhiệm, bóng đá Việt Nam giống cái chợ, khi các ông bầu, đội bóng tự làm theo ý mình.

Thế nên, trong năm 2013 khi VFF bầu lại ban chấp hành, dư luận mong rằng chủ tịch VFF phải có chuyên môn về bóng đá, chứ không thể đưa dân bóng rổ, bóng bàn, cờ vua làm chủ tịch VFF thêm một lần nữa. Hoặc ít ra, những ông bầu có tâm huyết, tiếng nói như bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hiển làm chủ tịch VFF. Khi ấy, VFF mới thực sự hoạt động hiệu quả, trách nhiệm, thay vì kiểu quản lý lỏng lẻo như mấy năm vừa qua.

2. Cầu thủ bầu Đức được U18 Arsenal chiêu mộ

Trong năm u ám của bóng đá nội, Học viện HA.Gia Lai Arsenal JMG của bầu Đức tạo nên tiếng vang mang tầm thế giới. Đó là việc 4 cầu thủ trẻ: Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh, Đông Triều được chính huấn luyện viên Arsene Wenger của Arsenal triệu tập sang nước Anh thử việc. Dù chưa có cơ hội ra sân ở giải trẻ của bóng đá Anh, nhưng cơ hội để 4 cầu thủ trẻ này khoác áo U18.Arsenal trong năm tới là rất khả quan.

Ảnh minh họa

Cả làng bóng đá nội đang hy vọng những tài năng từ Học viện bóng đá của
bầu Đức sẽ chính thức sang đầu quân cho U18 Arsenal vào năm 2013

Chỉ cần một trong số 4 học viên của bầu Đức trúng tuyển sang nước Anh đá bóng, nó không chỉ là tin vui cho riêng bầu Đức mà cả bóng đá nước nhà. Đó là tín hiệu khẳng định sự vươn tầm bóng đá nội sau cả chục năm quen ăn xổi, đầu tư hớt ngọn. Học viên HA.Gia Lai JMG sẽ là điểm sáng phong cách đầu tư bài bản, có lộ trình, khác xa cách làm từ VFF cho đến các câu lạc bộ dưới mác doanh nghiệp ở ta lúc này.

3. U23 Việt Nam rinh vàng SEA Games 27

So với nhiều môn thể thao khác, kể cả bóng đá nữ, bóng đá nam luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư cực lớn. Trong lúc bóng đá nữ vốn lép vế cũng nhiều lần mang huy chương vàng SEA Games, vô địch Đông Nam Á, thành tích tuyển nam Việt Nam chỉ ngắn gọn chức vô địch AFF Cup 2008 và chức vô địch Merdeka Cup 2008 của U22 Việt Nam.

Ảnh minh họa

Cơn khát huy chương vàng SEA Games vẫn đeo bám bóng đá Việt Nam
suốt nhiều giải đấu khu vực trong hai mươi năm qua

Còn ở đấu trường SEA Games, từ tuyển Việt Nam đến U23 Việt Nam sau này toàn mang lại cảm giác bẽ bàng, thất vọng cho người hâm mộ. Trong năm 2013, hy vọng giải cơn khát vàng SEA Games 27 tại Myanmar lại được đặt ra. Nếu nhìn màn trình diễn U22 Việt Nam tại BTV Cup tại Bình Dương vừa qua, nhiều kỳ vọng được đặt ra. Không chỉ vì lối chơi máu lửa, khao khát mà các cầu thủ tạo ra, nó cũng là tia hy vọng le lói cho bóng đá Việt Nam sau năm u tối vừa qua.

Nếu được tạo điều kiện cọ xát và thi đấu giao hữu liên tục, có một vị huấn luyện viên tài năng, biết khơi gợi sức mạnh, sự tự tin từ các cầu thủ trẻ, lúc ấy hy vọng tiến vào chung kết và đoạt huy chương vàng đầu tiên tại SEA Games của U23 Việt Nam mới đi vào hiện thực.

4. Các ông bầu thôi không đầu tư "ăn xổi" 

Sự sa sút, suy thoái bóng đá ta cũng do thói chi tiêu xả láng, không suy tính của nhiều ông bầu. Đến khi cạn tiền, hết bạc, đa phần các ông bầu ''phong trào'' đều đồng loạt rút lui. Cũng một phần vì cung cách làm việc chưa minh bạch từ VFF, không ít các ông bầu bất mãn nên từ bỏ vai trò ông bầu bóng đá trong vài năm đã qua.

Ảnh minh họa

Thay cảnh ông bầu ném tiền qua cửa sổ, rồi rủ nhau rút lui đồng loạt như
thời gian qua, tất cả mong muốn các ông bầu có lối đầu tư bài bản, khoa học hơn

Thế nên, ngoài việc VFF rồi sau đó VPF xiết chặt lại luật chơi, tạo môi trường lành mạnh, minh bạch cho các ông bầu an tâm chơi bóng, thì chính các ông bầu cũng phải nghiêm túc trong cung cách làm bóng đá. Nếu các ông bầu cũng chăm chỉ khâu đào tạo trẻ, lấy cái gốc như bầu Đức ở HA.Gia Lai, bầu Thắng ở ĐT.Long An, bà bầu Thái Hương ở Sông Lam Nghệ An... thì không mấy chốc bóng đá nội sẽ lấy lại được sự giàu có như vài năm trước.

5. Cầu thủ ta bớt thói quen nghiệp dư

Dù nhận mức lót tay hàng chục tỷ đồng, khoản lương gấp chục lần thu nhập xã hội, nhưng đạo đức nghề nghiệp, sự chuyên nghiệp cầu thủ ta vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Thói đòi hỏi, bệnh "sao" cùng lối sống thiếu lành mạnh đã khiến giới cầu thủ mất đi sự thiện cảm từ dư luận. Cái giá phải trả lối sống thiếu chuyên nghiệp của họ là tác nhân không nhỏ dẫn đến nhiều ông bầu rút lui, hàng loạt đội bóng giải thể. Cảnh 200 cầu thủ đồng loạt thất nghiệp là bài học cảnh báo cho cảnh ''nghiệp dư lĩnh lương cao'' trong lòng bóng đá nội hàng chục năm qua.


Phan Anh

Ý kiến bạn đọc