4 cách giúp V-League đòi lại ngôi Vương

20:06, 19/01/2013
|

(VnMedia) - Nếu muốn lấy lại vị trí số 1 Đông Nam Á, các đội bóng V-League cần sớm đạt chuẩn AFC và thực sự chuyên tâm thi đấu ở các giải đấu tầm châu lục, mới mong vượt qua các giải nhà nghề của Thái Lan và Malaysia.

1. Cải thiện thành tích ở AFC Cup

Trong hai giải đấu tầm câu lạc bộ của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), thì sân chơi AFC Champion League vẫn quá tầm với các câu lạc bộ ở ta. Đầu trường AFC Cup lại là nơi để các câu lạc bộ của Việt Nam có cơ hội khẳng định mình, khi trình độ giữa các nền bóng đá không quá chênh lệch. Thậm chí còn có thể nói rằng các câu lạc bộ V-League từng gây tiếng vang trong các lần tham dự, như B.Bình Dương từng lọt vào tốp 4 đội mạnh nhất tại AFC Cup 2009

Ảnh minh họa

Việc cải thiện thành tích ở AFC Cup mới giúp các đội bóng V-League
có được nhiều điểm số để giành lại vị trí số 1 khu vực từ tay Thái Lan

Điều này có nghĩa là nếu thực sự chơi chuyên tâm, mạnh dạn ở đấu trường AFC Cup, các đội bóng ở V-League không hề kém cạnh các đối thủ trong khu vực. Nhưng có một thói quen xấu các đội bóng ở ta là không đặt mục tiêu cao ở sân chơi châu lục. Việc phải ra nước ngoài thi đấu tốn kém, nhưng lại như trách nhiệm phải làm, chứ không có ý chí thi đấu thật sự.

Rất nhiều đội bóng sớm buông xuôi ở vòng bảng để tập trung cho mặt trận V-League. Từ những thất bại chóng vánh trong 2 năm qua, thành tích ở đấu trường khu vực của V-League còn kém các câu lạc bộ của Thái Lan và Malaysia. Chính nguyên nhân này tác động không nhỏ việc V-League mất ngôi sao 1 vào tay giải nhà nghề Thái Lan. Không có cách nào khác, các đội bóng ở ta cần thay đổi cách nghĩ và đặt mục tiêu tiến càng xa càng tốt ở giải châu lục trong những năm tới.

2. Cải tổ bộ máy hoạt động theo J-League

Qua 10 năm hoạt động, bóng đá nội vẫn thiếu một hướng đi thích hợp để cải thiện chất lượng, trình độ các đội bóng ở ta. Thời gian vừa qua, cấp quản lý như Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) hay VPF đều rối trong việc lựa chọn hướng hoạt động phù hợp bối cảnh mới. Đầu mùa giải 2013, đã có ý tưởng đưa đội U22 quốc gia chơi tại giải quốc nội như Malaysia, hay không có đội lên xuống hạng như cách Australia đang làm.

Ảnh minh họa

Có lẽ hướng xây dựng giải đấu theo bóng đá Nhật Bản sẽ giúp
các đội bóng ở Việt Nam chuyên nghiệp, hiệu quả hơn trong hoạt động

Nhưng thực tế lúc này, việc đưa V-League theo mô hình hoạt động của giải nhà nghề Nhật Bản (J-League) là thích hợp hơn cả. Bởi mô hình tổ chức, quản lý từ nước Nhật đều phù hợp hoàn cảnh, yêu cầu của bóng đá Việt Nam. Đặc biệt bóng đá Nhật có sự kết hợp hoàn hảo giữa kỹ thuật, chiến thuật và tinh thần để trở thành cường quốc số 1 châu lục. Đa số những cầu thủ người Nhật còn tiến sang châu Âu thi đấu và có chỗ đứng tại Italia, Anh, Đức.

Nếu học theo mô hình quản lý của J-League, giống như VPF đã thuê ông Tanabe về làm Phó tổng giám đốc VPF, cũng nhằm cải tổ việc tổ chức thi đấu, tài trợ, truyền hình... theo hướng người Nhật đang làm. Nếu việc cải tổ này thực hiện nghiêm túc, chọn lọc phù hợp, V-League hoàn toàn có thể lột xác trong 5 năm nữa.

3. Các ông bầu bớt ném tiền bừa bãi

Từ lâu, V-League là giải đấu tốn kém, xa hoa bậc nhất trong các giải đấu tại Đông Nam Á. Dù ném tiền không tiếc tay như thế, nhưng việc đầu tư các ông bầu ở ta lại không khoa học, hiệu quả. Chỉ số ít ông bầu Việt Nam là làm bóng đá bài bản, có căn cơ vì bóng đá nước nhà. Còn đa phần các ông bầu làm ăn chụp giật, thiếu đi một suy nghĩ chín chắn. Hệ quả xấu là đầu mùa giải này, rất nhiều câu lạc bộ ở ta giải thể, cũng vì thói ăn xổi của ông bầu nội.

Ảnh minh họa

Thay vì thói quen ném tiền bừa bãi, các ông bầu ở ta cũng cần chi tiêu hợp
lý, bài bản hơn trong việc xây dựng thương hiệu bên cạnh thành tích

Thay vì cách đầu tư ăn xổi như một số ông bầu thừa nhận, các câu lạc bộ cần chi tiêu hợp lý, tránh lãng phí như vừa qua. Căn bệnh đầu tư theo thành tích, bỏ bê khâu đào tạo trẻ cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự thụt lùi V-League trong 2 năm qua. Cần nhất các đội bóng phải đi sự lệ thuộc từ nhà tài trợ và cân đối thu - chi sao cho hợp lý. Khi ấy vẻ hào nhoáng của V-League không chỉ về hình thức mà còn về chất lượng bên trong của giải đấu lẫn các đội bóng tham dự.

4. Hoàn thiện mô hình theo tiêu chuẩn AFC

Trong đợt kiểm tra đầu năm nay, theo AFC cho biết chỉ có một số đội bóng ở V-League như HA.Gia Lai, SHB.Đà Nẵng, B.Bình Dương, ĐT.Long An là đạt tiêu chuẩn của mình. Còn các đội bóng còn lại vẫn chưa đủ đạt chuẩn chuyên nghiệp theo thang chấm điểm của các chuyên viên liên đoàn. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, nhưng đa phần các câu lạc bộ chưa có điều kiện sân bãi, nhà ở lý tưởng. Hay chuyện đơn giản hơn là thiếu tuyến trẻ, khâu truyền thông, tài chính... có vấn đề.

Trong lúc ấy, giải nhà nghề Thái Lan lại được chấm điểm cao nhất, khi đa số các đội bóng Thai League đều đạt tiêu chuẩn của AFC. Cũng nhờ thế, Thai League là giải đấu duy nhất của Đông Nam Á đủ tư cách tham dự AFC Champion League, điều V-League chưa có được vào lúc này.

Ảnh minh họa

Chỉ có 4 đội bóng ở V-League hiện tại đủ tiêu chuẩn chuyên nghiệp
theo cách tính điểm của AFC trong cuộc kiểm tra vào cuối năm 2012

Điều cần nhất V-League lấy lại vị trí số 1 từ tay người Thái Lan, chính là việc hoàn thiện tất cả các câu lạc bộ theo đúng chuẩn chuyên nghiệp của AFC. Chúng ta cần có thêm những đội bóng đạt chuẩn như HA.Gia Lai đã làm được. Ở phố núi Pleiku, bầu Đức là người sẵn sàng bỏ tiền của, công sức để xây dựng Học viện bóng đá chất lượng, đẳng cấp cùng đội bóng tầm cỡ như Arsenal (Anh). Sau 5 năm hoạt động, Học viện của ông bầu này đã cho ra lò những cầu thủ triển vọng, thực sự là lá cờ đầu cho cả V-League noi theo.

Tóm lại, có nhiều cách để V-League lấy lại vị trí số 1 khu vực, nếu từ cấp Liên đoàn đến câu lạc bộ làm việc thật sự có lộ trình bài bản, nghiêm túc ngay từ lúc này.


Phan Anh

Ý kiến bạn đọc