(VnMedia) - Vì là những người đổ tiền làm bóng đá nên dường như các ông bầu cho mình cái quyền sinh quyền sát, thích thì chơi không thích thì nghỉ, chẳng cần quan tâm đến hậu quả để lại.
Khi đội bóng thành “món đồ chơi” của ông bầu
Không thể phủ nhận được công lao của các ông bầu, trong bước phát triển của bóng đá Việt
Cầu thủ chỉ là những người làm công ăn lương, họ cũng phải sống
Tuy nhiên, ngay từ thời điểm cách đây rất lâu, rất nhiều những chuyên gia bóng đá lão làng, những người tâm huyết gắn bó thực sự với bóng đá Việt đã bày tỏ mối lo ngại khi cuộc chơi, khi số mệnh của một đội bóng, của cả nền bóng đá quá phụ thuộc vào những ông bầu, thì hệ quả để lại khi các ông bầu chán bóng đá sẽ là rất lớn. Đội bóng trở thành “món đồ chơi” của ông bầu, khi ông bầu hứng thì cái món đồ chơi đó được trang hoàng đẹp đẽ hoành tráng, nhưng khi ông bầu đã chán, thì chỉ một cái phủi tay, nói không quá, đội bóng trở thành một thứ “mớ rau” rẻ tiền được đem bán bỏ, hoặc giải tán không thương tiếc. Bao con người bị vứt ra đường, truyền thống, linh hồn của một đội bóng, trách nhiệm với người hâm mộ, với tình yêu của hàng vạn CĐV bóng đá địa phương, những thứ đó, chẳng là cái gì hết.
Sòng phẳng với nhau đi, ai đó đã nói rằng “đừng nói đến tình yêu với những con buôn”. Những ông bầu đều là những doanh nhân thành đạt, quyền lực cả, là những người dày dạn trên thương trường. Chẳng ai bỏ hàng chục, hàng trăm tỉ mỗi năm, chỉ để “cho tình yêu” cả, để “vứt xuống sông” và thu lại những giá trị tinh thần rất mơ hồ. Ông bầu đổ tiền vào bóng đá, thì cũng thu lại được những ưu đãi từ địa phương, những mảnh đất vàng cho những dự án làm ăn, hoặc là sự quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp hoặc của cá nhân ông bầu. Đùng một cái, bầu huỵch toẹt: “giải tán”, thì có công bằng, và đúng cách hành xử của người quân tử hay không?
Chán tung bom, chém gió thì chuyển qua đe dọa
Qua rồi cái “thời” mà các ông bầu cứ đăng đàn là tung ra những phát biểu kiểu “chém gió, tung bom” nghe rất hoành tráng. Giờ thì bầu nhẹ nhàng, dịu dàng hơn, cứ thỉnh thoảng lại thấy một ông bầu phát biểu một câu xanh rờn, nhưng đầy tính dọa dẫm: “Tôi sẽ bỏ bóng đá”.
Vâng, tiền rất cần, không có tiền từ túi ông bầu, thì rất khó để làm bóng đá, nhưng không phải là không có ông bầu thì cái nền bóng đá này chết luôn. Với những ông bầu thích “dọa” kiểu ấy, làm bóng đá không đến đầu đến đũa, như một cuộc chơi, thì có khi ông bầu bỏ luôn, lại là cái tích cực cho nền bóng đá. Ông không chơi nữa, xin mời, cứ bỏ, khỏi phải dọa.
Như ở đội bóng V Ninh Bình, cần phải đặt lại vấn đề rằng tại sao đòi hỏi ở cầu thủ sự chuyên nghiệp, trong khi các ông bầu đã chuyên nghiệp chưa ?.
Không thể nói đây là một vụ “nổi loạn”, chống đối được. Cầu thủ “sợ” ông bầu đến nỗi giờ không ai dám lên tiếng, nhưng một cầu thủ xin giấu tên cho biết: “Tại sao không thông cảm cho bọn em, bọn em chỉ là người lao động làm thuê, còn phải sống chứ. Ba tháng đi đá, đi tập, không một đồng xu tiền công, không một lời đồng viên chia sẻ, hỏi ai còn kiên nhẫn được. Bọn em cũng không đình công, chỉ là sau nhiều lần nhờ cán sự đội kiến nghị trực tiếp, không hề được phản hồi, bất đắc dĩ quá phải làm thế.”
Cũng thay vì có một động thái để đôi bên xích lại nhau hơn, ông bầu tuyên bố “truy tìm thủ phạm”, thẳng tay trảm HLV, trảm cầu thủ, rồi dọa giải tán luôn đội. Ông bầu nào cũng chơi bài chậm lương, nợ thưởng, nợ tiền lót tay, rồi khi cầu thủ nêu ý kiến chính đáng thì đe dọa “giải tán, ra đường hết”, thế thì hỏi còn đâu là chuyên nghiệp, còn đâu cả sự trách nhiệm và tình người ở đây nữa. Một đội bóng như V Ninh Bình, liệu có còn là đội bóng của người hâm mộ Ninh Bình, hay nó chỉ là của một cá nhân, tôi không thích nữa thì tôi vứt luôn.
Bóng đá từ khi có ông bầu, chưa thấy phát triển mạnh mẽ, có gốc rễ thực sự, chuyên nghiệp thực sự, chỉ thấy bóng đá là sặc mùi tiền hơn, và thậm chí là láo nháo như một cái chợ, phải đánh đu theo những cái sự thích hay không thích rất tùy hứng và tùy tiện của ông bầu. Nhưng xin lỗi, vì tôi chỉ là…ông bầu.
Ý kiến bạn đọc