(VnMedia) - Dư chấn từ khủng hoảng kinh tế khiến tất cả các đội bóng ở Việt Nam đều điêu đứng. Lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) lẫn VPF đều nói cứng còn 10 đội vẫn tổ chức giải đấu, nhưng diễn biến khó lường hậu trường bóng đá nội, có thể khiến V-League 2013 phải hoãn lại bất ngờ.
Hỗn loạn mua bán suất V-League
Điều giới chuyên môn lo lắng nhất lúc này là V-League 2013 vẫn chưa thể định rõ ngày tổ chức giải. Tất cả bắt nguồn từ việc nhiều đội bóng chậm trễ đăng ký tham dự giải, khiến lãnh đạo VFF, VPF đau đầu. Nếu lịch hết hạn đăng ký là ngày 25-10, Ban tổ chức V-League 2013 cuối cùng phải chờ đến hội thảo bóng đá ngày 3-11 tại TP.Hà Nội, để chờ các đội bóng hoàn tất các thủ tục.
Chỉ còn 2 ngày nữa là cuộc hội thảo diễn ra, nhưng các suất tham dự V-League vẫn chưa có chủ. Bởi bối cảnh lúc này, không nhiều doanh nghiệp, địa phương sẵn sàng tiếp nhận một đội bóng chuyên nghiệp, cho dù có nhiều ông bầu sẵn sàng cho không, biếu không.
Trường hợp của bầu Thụy là một ví dụ điển hình. Khi ông bầu đất Bắc chi ra 21 tỷ để mua lại đội Navibank.SG. Có ý định chuyển giao cho tỉnh Hà Tĩnh nhưng cuối cùng bị lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh từ chối. Lúc này, bầu Thụy cũng lúng túng không biết sang nhượng cho ai, buộc phải tính giải thể đội bóng trước mùa giải 2013.
Do khó khăn về kinh tế, nhiều ông bầu từ bỏ bóng đá dẫn đến việc nhiều
suất tham dự V-League vẫn bị bỏ ngỏ cho đến sát ngày đăng ký dự V-League
Đội bóng thứ 2 ở V-League đang đứng trước nguy cơ vắng mặt chính là Trẻ Hà Nội.T&T của bầu Hiển. Sau khi thăng hạng, đội bóng Thủ đô không thể dự giải cùng đội Hà Nội.T&T, mà buộc phải bán cho một đối tác khác. Nhưng hai đơn vị là V.Hải Phòng, QNK.Quảng Nam đều không mặn mà với việc này. Nhiều khả năng, Trẻ Hà Nội.T&T đứng trước nguy cơ phải bỏ giải V-League 2013 vì không tìm được đối tác chuyển giao.
Hai đội bóng Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội và Trẻ Hà Nội FC cũng rơi bối cảnh khó khăn, do ông chủ dính vòng lao lý. Hiện tại, hai đội bóng này chỉ đăng ký dự giải bằng miệng, do thiếu chữ ký chính thức của ông chủ trước ngày hết hạn 3-11.
Ở giải hạng Nhất, còn có thêm Trẻ SHB.Đà Nẵng cũng chưa tìm được người tiếp nhận. Dù có đến 5 tỉnh Dăk Lăk, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên... quan tâm. Nhưng do khó khăn kinh phí, vẫn chưa có một tỉnh nào đưa ra ý định tiếp nhận đội bóng này. Một bối cảnh hỗn loạn trong việc mua bán các đội bóng như thế, V-League 2013 lấp lửng nguy cơ tạm dừng giải cũng vì thế.
Vẫn lo ông bầu bỏ giải
Nếu theo lịch cũ thì V-League 2013 chỉ còn đúng 1 tháng nữa là chuẩn bị khởi tranh. Nhưng năm nay, không khí chuẩn bị của các đội im ắng hơn cả. Không còn cảnh tranh mua bán trên sàn chuyển nhượng, thay vì vào đó là sự im ắng kỳ lạ của tất cả các đội bóng. Kéo theo đó là những bản hợp đồng bom tấn, kiểu Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội bỏ 15 tỷ mùa Công Vinh, cũng chẳng xuất hiện. Trong 11 mùa giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ra đời, chưa lúc này đời sống bóng đá Việt Nam lại ảm đạm như vậy.
Bóng đá nội lâu nay quen sống nhờ dựa hơi doanh nghiệp, các ông bầu. Nên khi các doanh nghiệp sa sút, hệ lụy dẫn đến việc các đội bóng cũng lay lắt vì thiếu tiền. Thế mới có hiện tượng nhiều đội bóng đồng loạt giảm lương, giảm thưởng, thậm chí không mua cầu thủ ngoại, để cân bằng thu - chi trước thềm mùa giải mới. Nhiều đội còn giảm bớt nhân viên, cầu thủ để đối chọi cơn khủng hoảng không có điểm dừng ở V-League lúc này.
VFF, VPF chẳng thể cấm các ông bầu nổi hứng bỏ giải giữa chừng, đồng
nghĩa nguy cơ giải đấu có thể bị tạm dừng giữa chừng vào bất cứ lúc nào
Những biện pháp thắt lưng, buộc bụng ấy không thể ngăn chặn sự sa sút của bóng đá Việt Nam. Mà việc thay đổi quan niệm, cách nghĩ cách làm từ VFF cho đến VPF, các câu lạc bộ mới là quan trọng. Việc Tổng cục Thể dục thể thao vừa có công văn yêu cầu VFF thay đổi Quy chế bóng đá chuyên nghiệp cũng nhằm thay đổi đời sống bóng nội.
Người ta đang lo việc quá dễ dàng mua bán một đội bóng sẽ ảnh hưởng sự ổn định của cả giải đấu. Chẳng phải 3 năm trước, đội bóng STN.Quảng Ngãi bất ngờ bỏ giải hạng Nhất, cũng chứng minh sự bất hợp lý, thiếu chuyên nghiệp của người làm bóng đá ở ta. Hay việc nhiều doanh nghiệp, ông bầu bỏ bóng đá cũng vì sự thiếu trong sạch, trung thực của đời sống bóng đá nội đấy thôi.
Cho nên, cuộc hội thảo ngày 3-11 cũng gửi gắm nhiều hy vọng về cuộc cải tổ quy chế, hoạt động, cách làm của cả một nền bóng đá. Sẽ không còn là cuộc đấu đá giữa các ông bầu như Hội nghị tổng kết mùa giải vừa qua, thay vào đó là sự đoàn kết tháo gỡ những bất cập đang tồn tại ở V-League lúc này. Nếu không xóa bỏ lối suy nghĩ tiêu cực, vụ lợi theo kiểu chụp giật như những năm qua, sẽ còn nhiều đội bóng bị xóa sổ, nhiều ông bầu bỏ giải diễn ra.
VFF, VPF yêu cầu các ông bầu, câu lạc bộ cam kết không bỏ giải, nhưng chẳng ai ngăn cản được việc đó, khi họ đã quá thất vọng những gì đang diễn ra ở thượng tầng bóng đá Việt Nam. Vậy nên, cuộc hội thảo ngày 3-11 cần sự cải tổ quyết liệt, để ngăn cản hiện tượng có ông bầu bỏ giải tái diễn. Lúc ấy, nguy cơ V-League 2013 bị tạm dừng mới không trở thành hiện thực.
Ý kiến bạn đọc