(VnMedia) - Nói rằng bóng đá Việt thời điểm này láo nháo như một cái chợ, với những món hàng ế là không hề quá lời.
Loạn thông tin giải tán đội, chuyển nhượng suất chơi
Chưa bao giờ, bóng đá quốc nội cấp CLB của Việt Nam lại láo nháo và nhiễu loạn thông tin, đồng thời lại u ám và ảm đạm như bây giờ.
Chuẩn bị cho mùa giải mới nhưng chưa thể biết được liệu có đủ số đội bóng tham gia hay không, khiến cả VFF và VPF đều rơi vào thế bị động. Thông tin phát đi từ lãnh đạo bóng đá Việt Nam rằng có bao nhiêu chơi bấy nhiêu, nhưng chẳng lẽ lại đá V-League với con số 7-8 đội tham gia, vậy thì lấy đâu tính quyết liệt cạnh tranh và lên xuống hạng tính kiểu gì?
Vẫn chưa thể xác định rõ V-League mùa tới có đủ số đội tham gia hay không
Hàng loạt đội bóng chưa biết có tồn tại hay không, giải tán vĩnh viễn hoặc tiếp tục tồn tại và chơi ở đâu đều chưa có câu trả lời. Kèm theo đó là dấu hỏi về số phận của cả vài trăm con người, vài trăm cầu thủ. Thời này, ngôi sao có số má vẫn cứ thất nghiệp như thường. Rõ rệt nhất là hai đội bóng CLB bóng đá Hà Nội chơi ở V-League và CLB Trẻ bóng đá Hà Nội ở giải hạng Nhất, chưa biết hai đội bóng này có tiếp tục chơi ở mùa giải năm sau hay không. Cầu thủ đã được bật đèn xanh cho đi tìm bến đỗ mới, nhưng đến như Công Vinh còn công khải phát biểu nếu đi thì phải kiếm đủ số tiền 20 tỷ để đền bù, nên đành…chịu chết.
Vụ mua bán của Navibank Sài Gòn cũng chẳng khiến tương lai của đội bóng đóng quân ở đất Sài thành này khá khẩm hơn. VFF đã nhanh chóng nhận ra rằng người mua đội bóng này là em trai của bầu Thụy và sau chuyện một ông bầu hai đội bóng thì cũng chẳng có thể có chuyện đội của “ông anh” và đội của “chú em” đá cùng một giải.
V Hải Phòng tuyên bố ở lại hạng Nhất, không “thèm” mua suất V-League, thành ra đối tác có thông tin muốn chuyển giao suất là Navibank Sài Gòn lẫn CLB Hà Nội đều lâm vào cảnh dở khóc dở cười.CLB Hà Nội của bầu Hiển không thể lên hạng, cũng không thể chuyển giao suất chơi, nên đã có thông tin rằng đội bóng này có thể cũng giải tán nốt.
Cho không không ai thèm lấy
Trước kia, khi những thông tin ban đầu V Hải Phòng muốn mua suất chơi để ở lại V-League thì suất chơi này có mức giá không tưởng tận 70 tỷ đồng, sau giảm xuống 30 - 40 tỷ đồng, và giờ đây thì cho không biếu không khéo chẳng còn ai muốn nhận.
Các ông bầu, doanh nghiệp đều công khai ý định bỏ của chạy lấy người, bởi kinh tế thì vẫn khó khăn mà nuôi 1 đội bóng mỗi năm tốn đến vài chục tỉ. Ông bầu Nguyễn Vĩnh Thọ của Navibank Sài Gòn đã “thoát” được khi bán tống bán tháo đội bóng với cái giá rẻ là 21 tỉ, chỉ tương đương tiền đội bóng này mua 2 - 3 cầu thủ ngôi sao xịn trước kia. Hàng loạt đội bóng muốn chuyển giao suất chơi, muốn sang nhượng luôn cả đội, gồm Trẻ SHB Đà Nẵng, CLB bóng đá Hà Nội, CLB trẻ bóng đá Hà Nội, CLB Hà Nội, Navibank Sài Gòn. Nhưng tìm đâu ra ông chủ, ra doanh nghiệp máu mê nhận đội lúc này. Tương lai cả loạt đội bóng để ngỏ, đồng nghĩa với một mùa giải mới sẽ thế nào vẫn cứ chưa có câu trả lời, bởi biết có đủ đội tham gia hay không? Qủa là nan giải và bất ổn, mà hướng ra vẫn chưa có.
Đã có những thông tin rằng bầu Long bầu Tuấn của Hòa Phát Hà Nội trước đây sẽ nhận lại CLB Hà Nội, nhưng rút cuộc, đây chỉ là dạng tin đồn cho vui, khiến cầu thủ mừng hụt. SLNA cũng gặp khó, khi phía Ngân hàng Bắc Á rõ rằng đang bớt mặn mà dần trong việc rót tiền đầu tư.
Nhìn lại, bóng đá đã quá phụ thuộc vào các ông bầu và giờ đây chúng ta đang gánh chịu hệ quả. Các ông bầu thích thì nhảy vào, thích thì chơi, khi còn chơi thì nổi hứng “chém gió” đủ thứ nào tình yêu, nào sự đam mê, nào quyết tâm gắn bó, nhưng rồi chán thì bỏ, chẳng ai cấm được. Một đội bóng, với truyền thống, với những thứ giá trị tinh thần khó đong đếm bằng vật chất, có thể vụt “lên” rồi đột ngột trở thành món hàng bỏ đi khi rơi vào tay một ông bầu. Cái sự thích-chán tùy hứng của các ông bầu cũng đặt VFF, BTC giải vào thế khó, thế bị động, đặt giải đấu trước nguy cơ “vỡ”, nguy cơ bất ổn, thiếu định hướng phát triển lâu dài. Nhưng mà… làm gì được nhau, chẳng thể nào mà xử lí những ông bầu chán là bỏ, làm bóng đá kiểu “phá hoại” này.
Bóng đá Việt giờ chả khác nào cái chợ, với những món hàng chẳng hạn như suất chơi, hay đội bóng là những món hàng ế nặng. Hướng ra ở đâu, giải quyết thế nào, là câu hỏi vẫn chưa có lời đáp.
Ý kiến bạn đọc