Bóng đá Việt: Thay đổi hoặc là chết!

07:35, 07/10/2012
|

(VnMedia) - Kinh tế suy thoái, các ông bầu chán nản, nền bóng đá Việt Nam đang có dấu hiệu vỡ từ cấp thượng tầng. Nếu Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và liên minh các ông bầu không có biện pháp cải tổ, cả nền bóng đá Việt Nam sẽ sụp đổ trong thời gian tới đây là điều chắc chắn.

Dấu hỏi tính hiệu quả từ VFF

Với vị trí tổng quản lý nền bóng đá Việt Nam, VFF đang đánh mất đi hình ảnh và sức ảnh hưởng của mình. Từ việc quản lý nhiêu khê, thiếu đồng bộ và định hướng, VFF đánh mất chính lòng tin từ các ông bầu, dẫn đến việc ra đời công ty cổ phần bóng đá VPF. Việc VFF phải nhường quyền điều hành 2 giải chuyên nghiệp vừa qua cho VPF, cũng thấy sự xuống cấp của VFF như thế nào.

Chính VFF cũng tạo tiền lệ nguy hiểm, một ông bầu quản lý hai đội bóng, dẫn đến tình trạng thiếu chuyên nghiệp ở V-League trong 3 năm đã qua. Ai cũng hiểu bầu Hiển đang sở hữu cả Hà Nội.T&T và SHB.Đà Nẵng, trong sự bàng quan của VFF. Để đến giờ, khi bầu Hiển bị buộc phải từ bỏ một trong hai đội bóng, chính bầu Hiển thể hiện sự thất vọng của mình, bằng ý định muốn rút lui khỏi bóng đá.

Cổ nhân xưa từng nói: ''Thượng bất chính, hạ tắc loạn'' và bóng đá Việt Nam đang chịu những hậu quả kiểu cách làm việc của VFF. Một giải quốc nội tràn ngập ông bầu chăm chăm đi mua cầu thủ, không chăm lo cho khâu đào tạo trẻ. Để rồi cấp đội tuyển thiếu vắng hẳn cầu thủ giỏi, còn giải quốc nội tràn ngập ngoại binh. Do không kiểm soát được tình hình, dẫn đến việc các đội bóng vỡ như bong bóng xà phòng, khi kinh tế lạm phát trầm trọng.

Ảnh minh họa

Sự xuống cấp trầm trọng của bóng đá nội cũng từ việc VFF đã thả lỏng
quản lý và thiếu đi sự định hướng với các ông bầu trong nhiều năm qua

Việc nhiều ông bầu rủ nhau rút lui khỏi bóng đá, lỗi lớn nhất từ chính VFF, khi họ thiếu định hướng, tạo sự ổn định để giúp cho giải chuyên nghiệp Việt Nam phát triển từ gốc. Nguy hiểm hơn VFF lại cổ xúy thứ bóng đá chạy theo thành tích, thích ăn xổi trong suốt nhiều năm qua.

Đại hội ban chấp hành VFF và Hội nghị thường niên VFF được tổ chức vào ngày 6,7/10, đáng lý lãnh đạo VFF phải hoạch định lại con đường phát triển, lộ trình ổn định lại nền bóng đá, nhất là kế sách đối mặt việc nhiều đội bóng ở V-League bỏ giải. Tiếc thay VFF lại tính tăng thêm một ông phó chủ tịch nữa vào bộ máy, hay mời Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn trở lại làm việc. Chuyện tăng thêm nhân sự cho bộ máy hoạt động VFF vào lúc này chẳng giải quyết được việc gì, trong khi nguy cơ hoãn giải chuyên nghiệp 2013 đang có nguy cơ xuất hiện.

Gần đây, VFF còn can thiệp quá sâu vào hoạt động Ban trọng tài, với yêu cầu thay đổi nhân sự, hạ tuổi giám sát trọng tài xuống còn 60 thay vì 65 như cũ. Bản thân Ban trọng tài cho rằng công văn VFF có phần oái oăm, gây khó cho mình sau 1 năm ra đời. Chưa kể việc VFF chăm chăm việc cải tổ Ban trọng tài chẳng có ý nghĩa gì, khi vấn đề lớn nhất bóng đá nội là thiếu định hướng, thiếu một kế hoạch phát triển thực sự bài bản.

VPF lại rơi cảnh ''gà nhà đá nhau''

Khi VFF chưa có dấu hiệu đổi thay, sự vững vàng của VPF có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vì lúc này, bóng đá nội đang có dấu hiệu vỡ ở cấp thượng tầng, khi Navibank.SG, Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội, Trẻ Hà Nội FC, Trẻ SHB.Đà Nẵng vừa lần lượt rút tên khỏi giải chuyên nghiệp Việt Nam. Kéo theo đó, hàng trăm cán bộ công nhân viên chức, cầu thủ, huấn luyện viên... ra đường chỉ trong 1 đêm.

Đáng lo hơn, không ít ông bầu khác còn có ý định từ bỏ giải đấu, kéo đến hệ lụy nguy hiểm là giải chuyên nghiệp 2013 có nguy cơ tạm hoãn. Trong bối cảnh bóng đá nội đứng trước thách thức lớn như thế, VPF chịu trách nhiệm giảm bớt những hệ quả xấu trở thành hiện thực. Tuy nhiên, nội bộ VPF đang có dấu hiệu bất đồng sâu sắc và dẫn đến việc bầu Nguyễn Văn Đệ, bầu Hoàng Mạnh Trường chỉ trích VPF trong những ngày vừa qua.

Ảnh minh họa

Với những gì diễn ra hội nghị tổng kết mùa giải 2012 chứng tỏ nội bộ
VPF đang có cuộc đấu đá để tranh giành quyền lực, vị trí giữa những ông bầu

Thậm chí trong hội nghị tổng kết mùa giải, bầu Đệ tung ra một ''quả bom'' có sức công phá lớn về việc VPF lén ghi âm điện thoại, rồi giải thể VPF và trả quyền lãnh đạo cho VFF. Bầu Thụy, bầu Trường bức xúc nhiều vấn đề việc trọng tài, một ông bầu quản lý hai đội bóng, cung cách làm việc bất ổn trong bộ máy VPF dù bầu Đức, bầu Thắng phủ nhận chuyện này.

Nhìn rộng ra, có một cuộc chiến tranh quyền lợi trong nội bộ VPF vào lúc này và nó tạo thêm một gam màu xấu nữa trong bức tranh u ám của bóng đá Việt Nam trước mùa giải 2013. Điều đáng lo là VFF, VPF đều đang xa lầy trong vấn đề mình đang gặp phải và chưa có dấu hiệu thoát khỏi bất cập trong bộ máy hoạt động của mình.

Nếu hai đơn vị đang thay nhau quản lý bóng đá nội vẫn giữ cách làm, cách nghĩ cũ, bóng đá Việt Nam còn đón nhận thêm nhiều cú sốc nữa trước thềm mùa giải mới, là điều hoàn toàn có thể lường trước được. 


Phan Long

Ý kiến bạn đọc